Eu trừng phạt Nga: Vừa dọa vừa run

24-03-2014 07:09 | Quốc tế

SKĐS - Tại sao Nga không hề nao núng trước những đe dọa trừng phạt mạnh tay của EU và Mỹ. Người Nga chỉ xem đó là sự khó chịu chứ không phải một mối họa sắp giáng xuống đầu.

Tại sao Nga không hề nao núng trước những đe dọa trừng phạt mạnh tay của EU và Mỹ. Người Nga chỉ xem đó là sự khó chịu chứ không phải một mối họa sắp giáng xuống đầu.

Trên bàn cờ Ukraine, EU đang vừa trừng phạt Nga vừa run bởi chính liên minh này đang phụ thuộc vào kinh tế và năng lượng Nga. Nếu trừng phạt quá đà khiến kinh tế Nga suy yếu, gậy ông lại đập lưng ông đúng như Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin khẳng định: “Các biện pháp cấm vận kinh tế của phương Tây chỉ giúp nền công nghiệp nội địa Nga phát triển hơn và kèm theo đó là việc thay đổi chính sách xuất khẩu. Thay vì làm tổn hại nước Nga, các biện pháp trừng phạt sẽ là chiếc boomerang gây tổn hại lên chính các đối tác phương Tây đang làm ăn tại Nga. Khó có thể tin được rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, giới lãnh đạo phương Tây lại đang tìm cách gây tổn hại cho chính các doanh nghiệp của họ, những đơn vị đang coi thị trường Nga là lối thoát duy nhất để tồn tại”.

Dù Thủ tướng Đức Merkel khẳng định Đức sẵn sàng trừng phạt Nga nhưng nhiều phần Đức cũng sẽ gánh chịu thiệt hại.

Cần lưu ý rằng quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nga và Mỹ rất hạn chế, nhưng đối với EU, con số này không hề nhỏ. Châu Âu hiện có mối giao thương với Nga hàng năm trị giá 460 tỷ USD, phần của Mỹ là 40 tỷ USD. Chưa kể, nhiều tập đoàn của Mỹ và các nước châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nếu Nga trả đòn. PepsiCo, Coca-Cola, General Motors, Ford, Caterpillar, IBM, Microsoft, Procter & Gamble, ExxonMobil, Chevorn, Boeing, ConocoPhillips... đều đang làm ăn tại Nga và chắc chắn các công ty này phải tổn thất nếu phía Nga thực hiện lời đe dọa đáp trả các biện pháp cấm vận của phương Tây. Hơn nữa, vốn của các doanh nghiệp Nga cũng đang góp phần quan trọng vào thị trường chứng khoán London. EU đã dự tính sẽ đa dạng hoá nguồn cung cấp năng lượng để bớt phụ thuộc vào Nga, nhưng đó chỉ mới là mục tiêu dài hạn. Hiện, Nga là nguồn cung đáp ứng 32% nhu cầu khí đốt và 35% nhu cầu dầu lửa của EU. Cái khó nhất đối với EU hiện nay đó là trừng phạt Matxcơva một cách hiệu quả, nhưng không làm suy yếu nền kinh tế Nga, mà hiện vẫn đang hồi phục. Không ai có thể tưởng tượng ra sự ảnh hưởng lớn thế nào đối với nền kinh tế EU khi liên minh này trừng phạt Nga quá đà.

Bởi vậy, cho dù Washington gây sức ép với châu Âu đến mức nào đi nữa, “Hội nghị Thượng đỉnh Ukraine” của EU ngày 20-21/3 đã không đưa ra biện pháp trừng phạt đặc biệt nào đối với Matxcơva. Không nước nào ở châu Âu muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại với Nga. Tại hội nghị, nhiều quốc gia đã công khai phản đối cuộc chiến thương mại với Nga. “Sự leo thang xung đột xung quanh Ukraine sẽ có hậu quả tai hại cho những người tham gia, cho chúng ta và cho châu Âu” - Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo cho biết. Thay vào đó, lãnh đạo các nước hàng đầu châu Âu “cần phải đến Nga để thúc đẩy cuộc đối thoại với Ukraine và giảm căng thẳng trong khu vực” và “không cầm đèn chạy trước ôtô với biện pháp trừng phạt,” ông Di Rupo nói. Thủ tướng Bulgaria Plamen Oresharski cũng phát biểu chống trừng phạt kinh tế đối với Nga. Nước Pháp không hề muốn hợp đồng cung cấp tàu chiến Mistral cho Nga bị đình chỉ vì sợ đe dọa trực tiếp đến công ăn việc làm của 1.000 nhân viên đóng tàu. Trước đó, tại Đức, người dân khi được thăm dò ý kiến đã phản đối lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Rất nhiều doanh nhân Đức đang làm ăn tại Nga, nếu Nga trả đũa bằng lệnh trừng phạt, người Đức cũng sẽ thiệt hại hàng tỷ USD. Về năng lượng, Đức mua vào đến 30 tỷ mét khối khí đốt của Nga. Italy hơn 13 tỷ. Pháp hơn 7 tỷ mét khối. Còn Rumani thì lệ thuộc đến 100% vào khí đốt của Nga.

Tất cả những yếu tố trên lý giải cho thái độ khá bình thản của Nga trước lời đe dọa cấm vận của Mỹ và Eu. Nga thừa biết rằng chẳng ai muốn tự đẽo thịt của mình, EU sẽ chỉ dám giơ cao đánh khẽ. Giờ đây, chính EU chứ không phải Nga đang đau đầu tính toán xem làm sao để vẫn giữ được thế của mình trước tuyên bố cấm vận đã buông ra mà không làm tổn hại đến kinh tế khu vực.

Thạch Thảo

EU đã tuyên bố sẽ đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh đối với 21 cá nhân ở Nga và Ukraine. Cùng lúc đó, Hoa Kỳ cũng đã lên danh sách 11 cá nhân phải hứng chịu những hình thức trừng phạt tương tự. Lệnh trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ được nhắm vào 20 cá nhân có quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngân hàng Rossiya - được điều hành bởi các đồng minh của tổng thống Nga. Để đáp trả, Nga cũng đã tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức và chính trị gia của Mỹ.


Ý kiến của bạn