EU tài trợ 3500 tỷ đồng cho Chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế Việt Nam

08-05-2019 22:48 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sáng ngày 8/5/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình hỗ trợ ngân sách Ngành Y tế do Liên minh châu Âu (EU) viện trợ. GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế dự và phát biểu Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Bruno Angelet, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo và chuên viên một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế. Hội nghị còn có sự tham dự của 600 đại biểu đến từ 53 tỉnh/thành, các tổ chức quốc tế; cơ quan thông tấn, báo đài Trung ương, Hà Nội dự và đưa tin.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Với tổng kinh phí tài trợ 3.500 tỷ đồng, Chương trình hỗ trợ chính sách Ngành Y tế là chương trình hỗ trợ lớn nhất của EU tại châu Á. Chương trình này kéo dài 9 năm, gồm 2 giai đoạn (2011-2015 và 2016-2020), tập trung hỗ trợ cho các tỉnh nghèo, khó khăn của Việt Nam như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Gia Lai, Kon Tum, Bắc Kạn, Yên Bái...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của EU trong lĩnh vực y tế Việt Nam. Trong khi đó, ngài Bruno Angelet, Đại sứ EU tại Việt Nam bày tỏ sự tự hào khi tham gia hỗ trợ Việt Nam.

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định:  EU luôn quan tâm đến sức khỏe người dân, trong đó có người dân Việt Nam. Kết thúc giai đoạn hỗ trợ này cho Việt Nam không có nghĩa là khép lại chương trình hợp tác mà EU vẫn làm việc với Bộ Y tế để đưa ra phương thức tài trợ phù hợp. Những hỗ trợ quý báu này đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thực hiện các mục tiêu chiến lược Ngành về phát triển bền vững, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, cải thiện năng lực đảm bảo chất lượng dịch vụ ở tất cả các tuyến, xây dựng chính sách và kế hoạch hành động Ngành Y tế giai đoạn 2016 - 2020. Thứ trưởng thường trực Nguyễn Viết Tiến hy vọng EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Ngành Y tế Việt Nam”.

Trong suốt 20 năm qua EU đã đồng hành cùng Việt Nam trong lĩnh vực sức khỏe. Với hỗ trợ của EU, Ngành Y tế đã triển khai nhiều can thiệp nâng cao chất lượng dịch vụ như xây dựng và cải tạo hàng trăm trạm y tế xã, nâng cấp và cung cấp thiết bị cho các cơ sở y tế, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế các cấp theo các hình thức khác nhau như mô hình đào tạo liên tục và mô hình bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ thành lập các đơn vị chăm sóc tích cực sơ sinh trong các bệnh viện tuyến huyện, đào tạo hộ sinh là đồng bào dân tộc thiểu số tại các làng bản hẻo lánh, hỗ trợ xây dựng cơ chế bảo hiểm y tế và áp dụng các phương thức chi trả mới…Các can thiệp này có vai trò tích cực trong việc cải tiến các cơ chế tài chính, mô hình và chất lượng dịch vụ của hệ thống chăm sóc sức khỏe từ Trung ương tới địa phương.

Ông Bruno Angelet, Đại sứ EU tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu tại hội nghị, ông Bruno Angelet, Đại sứ EU tại Việt Nam cho biết: “Chúng ta có mặt ở đây hôm nay để cùng nhìn lại chặng đường đồng hành 20 năm và thật vui mừng được thấy Bộ Y tế, các sở y tế và giám đốc các cơ sở y tế tiếp tục cam kết mạnh mẽ cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và coi đó là mục tiêu cốt lõi của công cuộc cải tổ Ngành Y tế”.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết: với tổng kinh phí tài trợ 3.500 tỷ đồng, Chương trình hỗ trợ chính sách Ngành Y tế là chương trình hỗ trợ lớn nhất của EU tại châu Á. Chương trình này kéo dài 9 năm, gồm 2 giai đoạn (2011-2015 và 2016-2020), tập trung hỗ trợ cho các tỉnh nghèo, khó khăn của Việt Nam như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Gia Lai, Kon Tum, Bắc Kạn, Yên Bái... Đây cũng là những địa phương tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các buổi tập huấn này, năng lực chuyên môn của các hộ sinh được cải thiện rõ rệt, đạt tiêu chuẩn hộ sinh có kỹ năng của ASEAN.

Chương trình nhằm tăng cường độ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế, đào tạo cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, hộ sinh và cô đỡ đẻ thôn bản), sửa chữa nâng cấp bệnh viện và các trạm y tế xã, cung cấp các thiết bị y tế cơ bản, chuẩn hóa các tài liệu hướng dẫn dịch vụ lâm sàng, cải thiện quản lý chất lượng bệnh viện.

Bộ Y tế đánh giá, nguồn viện trợ không hoàn lại này của EU đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các chỉ số sức khỏe cho người dân. Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế như: Tỷ lệ dân số tham gia BHYT theo kế hoạch giai đoạn năm 2011-2015 là 75% thì đến năm 2015 đạt 76,5%, năm 2018 là 87,7%; tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc đến năm 2015 là 86,9%, vượt nhiều so với kế hoạch, năm 2018 là 90%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng theo kế hoạch giai đoạn năm 2011-2015 là 15% thì năm 2015 giảm xuống còn 14,1% và năm 2018 còn 13%...

Quang cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, nguồn viện trợ này cũng giúp nâng cao chất lượng và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở nhờ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng gần 400 trạm y tế xã vùng khó khăn đặc biệt; đào tạo được 650 cô đỡ đẻ thôn bản.

GS.TS.Nguyễn Viết Tiến,Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế trả lời phỏng vấn phóng viên bên lề Hội nghị

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 08/5 đến 09/5 năm 2019.

Trong khuôn khổ Hội nghị, chiều 08/5/2019 diễn ra Hội nghị “ Tăng cường dử dụng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em” và ngày 09/5/2019 diễn ra Hội nghị “ Tăng cường vai trò, vị thế, năng lực của Hộ sinh”.


Ý kiến của bạn