Hà Nội

EU siết chặt việc quản lý các vật liệu y tế

18-02-2012 07:35 | Quốc tế
google news

Ủy ban châu Âu (EU) mới đây đã thông báo sẽ đưa ra một danh sách các biện pháp dự phòng nhân dịp công trình nghiên cứu về các nguy cơ cho sức khỏe vì túi độn ngực PIP được công bố.

Ủy ban châu Âu (EU) mới đây đã thông báo sẽ đưa ra một danh sách các biện pháp dự phòng nhân dịp công trình nghiên cứu về các nguy cơ cho sức khỏe vì túi độn ngực PIP được công bố. Ủy viên châu Âu phụ trách về y tế và tiêu thụ, ông John Dalli cho biết, các quốc gia thành viên được nhắc nhở là cần tiến hành các cuộc kiểm tra không báo trước đối với các công ty được cấp nhãn CE, tức sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu. Ông cũng kêu gọi xem lại con số 70 - 80 cơ quan cấp giấy chứng nhận chất lượng cho các thiết bị, vật liệu y tế có thể gây rủi ro, hầu hết là tư nhân.

Ủy ban châu Âu vừa kêu gọi các chính phủ siết chặt kiểm soát các dịch vụ y tế - thẩm mỹ sau vụ bê bối túi nâng ngực sản xuất tại Pháp. Cơ quan này kêu gọi phải có những hành động cấp thiết trong khuôn khổ pháp luật hiện hành nhằm khôi phục lòng tin của người sử dụng, trong đó có việc tiến hành những cuộc kiểm tra bất ngờ, thử nghiệm các sản phẩm và khuyến khích các bác sĩ thông báo về những ca cấy ghép bị vỡ hoặc rò rỉ.
 
Các chính phủ cũng cần lập các sổ đăng ký nhằm giúp theo dõi xuất xứ của các miếng nâng ngực, một biện pháp chưa tồn tại ở tất cả các nước EU. Tuần trước, Chính phủ Pháp đã cam kết tăng cường các quy định và giám sát hoạt động cấy ghép những bộ phận giả. Pháp cũng kêu gọi hoạt động kiểm soát trên toàn EU sau khi một số chính phủ khuyến cáo những phụ nữ được cấy ghép túi nâng ngực do Công ty PIP của Pháp sản xuất, làm phẫu thuật loại bỏ sản phẩm thiếu an toàn này.
 
 Chỉ có 25% số túi độn ngực PIP dùng gel Nusil, phần còn lại sử dụng loại silicon tự chế.

Thứ silicon tự chế mà ông Mas luôn khẳng định “chất lượng cao nhất” lại dùng những nguyên liệu nghe là thấy “rùng mình”: hãng hóa chất Brenntag của Đức cho biết đã cung cấp cho hãng PIP loại gel thường được dùng phủ bên ngoài vật liệu xây dựng hoặc có trong thành phần cấu tạo đồ điện tử. Chất này có tính ăn mòn cao nên dễ gây thấm nứt, khi lan ra ngoài có thể gây rát, viêm nhiễm làm ảnh hưởng cả về sức khỏe lẫn thẩm mỹ của bệnh nhân.

Trong scandal túi độn ngực PIP gây xôn xao gần đây, hãng Poly Implant Prothèse (PIP) đã sử dụng một loại gel “cây nhà lá vườn” dùng chất silicon công nghiệp thay cho loại gel Nusil có chất lượng đã được kiểm chứng để giảm giá thành. Hãng này dùng mọi thủ đoạn để qua mặt các cơ quan chức năng, bất chấp tác hại đến sức khỏe con người.
 
Có khoảng nửa triệu phụ nữ trên thế giới sử dụng loại túi độn ngực này, chủ yếu ở châu Mỹ La-tinh. Vấn đề kiểm tra không báo trước được đưa ra là vì trong quá khứ, các cuộc kiểm tra chất lượng đều được thông báo trước. Do vậy, những thủ đoạn gian dối của PIP đã tồn tại được trong một thời gian dài. Ông chủ công ty có đủ thời giờ để ra lệnh cho nhân viên xóa dấu vết trên hệ thống vi tính, tẩu tán các nguyên vật liệu không đủ tiêu chuẩn trước khi đoàn kiểm tra đến.
 
Kể từ ngày 30/03/2010, Cơ quan phụ trách các sản phẩm y tế của Pháp (Afssaps) đã cấm lưu hành sản phẩm này trên thị trường vì có tỷ lệ thấm nứt cao gấp đôi so với những sản phẩm khác và công ty sản xuất là Poly Implant Prothèse (PIP) lúc đó đang làm thủ tục giải thể. Cơ quan Afssaps ghi nhận một tỉ lệ bị vỡ túi rất cao và việc sử dụng một loại gel khác với loại được khai báo.
 
Những phụ nữ đã sử dụng túi ngực nhãn hiệu này được yêu cầu liên lạc với bác sĩ giải phẫu. Việc gian lận bắt đầu vào năm 2001, khi Pháp cho phép dùng silicon trở lại ở các túi nâng ngực. Chỉ có 25% số túi PIP dùng gel Nusil, phần còn lại sử dụng loại silicon tự chế. Ngày 10/06/2010, khoảng 500 phụ nữ tập hợp trong Hiệp hội những người sử dụng túi ngực PIP đưa đơn kiện tại Marseille. Đến ngày 08/12/2011, Tòa án Marseille bắt đầu lập hồ sơ về tội gây thương tích và ngộ sát khi có trường hợp một bệnh nhân đầu tiên qua đời vì ung thư.
 
Sau đó, Quỹ quốc gia bảo hiểm y tế Pháp cũng đã có đơn kiện tội lừa đảo.Trước nhiều bằng chứng không thể chối cãi, sau cùng, tháng 10/2011, ông Jean-Claude Mas cũng phải thừa nhận silicon dùng để sản xuất túi PIP không phải loại silicon Nusil của Mỹ như đã đăng ký với Cơ quan Kiểm định chất lượng của Đức. Người sáng lập công ty là ông Jean-Claude Mas đã bị truy tố.

Hiện nay, trên toàn nước Pháp có khoảng 30.000 phụ nữ sử dụng túi độn ngực PIP. Nhưng do 80% sản phẩm PIP được xuất khẩu đi gần 70 nước, trên toàn thế giới có từ 400.000 đến nửa triệu phụ nữ là nạn nhân của loại túi ngực này, chủ yếu là tại châu Mỹ La-tinh, Tây Ban Nha và Anh. Riêng tại Venezuela, xứ sở của các hoa hậu, mỗi năm có đến 40.000 ca phẫu thuật nâng ngực thì nạn nhân của PIP càng nhiều hơn nhưng chưa có con số cụ thể.

Lê Sơn(Theo Le Figaro)


Ý kiến của bạn