EU ra tuyên bố thương mại sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh

28-06-2016 20:51 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cao ủy Thương mại của Ủy ban châu Âu, bà Cecilia Malmström đã ra tuyên bố về chính sách thương mại của EU ngay sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh.

Cao ủy Thương mại Cecilia Malmström phát biểu về các cuộc đàm phán thương mại giữa EU với Hoa Kỳ, hoặc thỏa thuận TTIP. (Nguồn: Ủy ban châu Âu/Youtube)

"Trong tình huống không có tiền lệ này, hãy cho phép tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi biết rõ và đoàn kết trong ứng phó của mình liên quan tới chính sách thương mại EU, lĩnh vực chính sách mà tôi chịu trách nhiệm”, đây là nội dung tuyên bố của bà Cecilia Malmström, Cao ủy Thương mại của Ủy ban châu Âu.

Tại bản tuyên bố về chính sách thương mại của EU sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh, bà Cecilia Malmström nhấn mạnh: Thương mại đóng góp quan trọng và tích cực cho nền kinh tế và chính sách đối ngoại của EU và chúng tôi sẽ đảm bảo rằng thương mại tiếp tục mang lại những lợi ích thực sự cho các công dân EU.

Bà Cecilia Malmström.

Theo đó, EU sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với các đối tác then chốt, theo đuổi và hoàn tất nhiều tiến trình đàm phán khác nhau mà EU có tham gia ở cấp độ song phương, nhiều bên và đa phương.

Bà Cecilia Malmström cũng thể hiện quyết tâm đạt được nhiều tiến triển nhất có thể  trong những tháng tới đây. Đặc biệt là các cuộc đàm phán của EU với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về một Hiệp định đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại-tây-dương.

Uỷ ban châu Âu cũng sẽ sớm đề xuất việc phê chuẩn hiệp định thương mại với Canada. Đây là một hiệp định tham vọng và tiến bộ nhất mà EU từng ký kết. Hiệp định này sẽ đặt ra các tiêu chuẩn mới cho các hiệp định  thương mại trong thế kỷ 21. Đó là việc mang lại các cơ hội cho người tiêu dùng, công nhân và doanh nhân ngay từ ngày đầu có hiệu lực. Giúp tạo tăng trưởng và việc làm trong khi duy trì đầy đủ các tiểu chuẩn cao của châu Âu trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và quyền của mọi người tại nơi làm việc.

EU cũng tin tưởng, hiệp định với Canada là buổi đầu của một thời đại mới về bảo hộ đầu tư, từ đó tạo ra sự thay đổi rõ rệt so với thệ thống ISDS trước đây, thông qua một mô hình mới tôn trọng quyền của các chính phủ trong việc điều tiết và nó còn minh bạch hơn, độc lập hơn và công bằng hơn hiệp định trước đó.

“Chúng tôi cũng vẫn cam kết thúc đẩy trong khuôn khổ hệ thống đa phương tại WTO, theo sau thoả thuận năm ngoái tại Nairobi. Chương trình nghị sự thương mại của chúng tôi sẽ tiếp tục tiến về phía trước, nhằm đóng góp tích cực cho nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.", bà Cecilia Malmström khẳng định.


PV
Ý kiến của bạn