EU quyết cải thiện thị trường tài chính

23-12-2013 09:14 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 20/12/2013, Công ty Thẩm định tài chính Standard & Poor’s đã hạ điểm “AAA” của châu Âu (tức mức điểm cao nhất) xuống còn “AA+”. Quyết định của Standard & Poor’s được đưa ra đúng vào lúc Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu đang diễn ra.

Ngày 20/12/2013, Công ty Thẩm định tài chính Standard & Poor’s đã hạ điểm “AAA” của châu Âu (tức mức điểm cao nhất) xuống còn “AA ”. Quyết định của Standard & Poor’s được đưa ra đúng vào lúc Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu đang diễn ra.

Về quyết định này, thông cáo của Standard & Poor’s (S&P) nhận định “chất lượng tín dụng tổng thể” của 28 nước EU bị giảm sút, “sự gắn bó” của các nước châu Âu đã suy giảm. S&P nhấn mạnh rằng, các tranh luận về ngân sách trong nội bộ Liên hiệp châu Âu ngày càng trở nên căng thẳng, nhiều nước chủ chốt của châu Âu yêu cầu được giảm phần đóng góp. Châu Âu đã cần đến hai hội nghị thượng đỉnh, với sự có mặt của nguyên thủ các nước (vào cuối 2012 và đầu 2013), mới giải quyết được vấn đề ngân sách những năm tới. S&P cũng cho biết, điểm “AA ” này của châu Âu sẽ không thay đổi trong thời gian trung hạn.

EU thiết lập quỹ cứu trợ ngân hàng.

Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo lưu ý, cần phải nhìn nhận đúng mức quyết định của Công ty Thẩm định tài chính S&P. Theo ông Elio Di Rupo, kinh tế châu Âu đang có dấu hiệu phục hồi và châu Âu sẽ vừa tiếp tục tuân thủ kỷ luật ngân sách, vừa tiếp tục chính sách tăng trưởng. Trong khi đó, một giới chức châu Âu ẩn danh đã cực lực chỉ trích quyết định hạ điểm châu Âu của S&P. Giới chức này thẳng thừng cho rằng, quyết định hạ điểm này là “sai lầm”.

Phán quyết của Công ty Thẩm định tài chính S&P được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Liên hiệp châu Âu đạt được một thỏa thuận rất quan trọng về liên minh ngân hàng. Đây là điều được nhiều nhà quan sát đánh giá là một bước tiến quan trọng của châu Âu.

Kể từ đầu năm 2012, châu Âu đã bị S&P cảnh báo hạ điểm. Khu vực đồng euro vào lúc đó đứng trước nguy cơ khủng hoảng nặng nề trước nguy cơ Hy Lạp rút khỏi Liên minh tiền tệ. Cũng từ thời điểm này, nhiều nước chủ chốt của châu Âu, trong đó có Pháp, đã bị hạ điểm. Hiện tại, chỉ có 6 nước thành viên Liên hiệp châu Âu vẫn giữ được điểm tối đa “AAA”. Điểm trung bình của tất cả các nước châu Âu là “AA”, tức là thấp hơn một nấc so với điểm “AA ” mà châu Âu mới nhận được.

Trong một diễn biến khác, trước đó, ngày 19/12, các lãnh đạo Liên hiệp châu Âu họp lại sau khi các Bộ trưởng Tài chính đã đạt được một thỏa thuận quan trọng về Liên minh ngân hàng - một dự án phức tạp có mục đích tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng mới trong khu vực đồng euro.

Theo thỏa thuận trên, Cơ chế giải quyết duy nhất (MRU) sẽ được thành lập, phụ trách xử lý các trường hợp phá sản có thể xảy ra đối với các ngân hàng tại các nước thuộc khu vực đồng euro. Đây là nền tảng của một tổng thể các biện pháp có thể giúp các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu tránh được khủng hoảng trong tương lai.

Hồ sơ được xem là gai góc nhất này được thông qua chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi các nguyên thủ họp lại ở Bruxelles. Cơ chế giải quyết sẽ phụ trách việc quyết định xem một ngân hàng gặp khó khăn sẽ được cứu vớt hay để cho phá sản. Đối với nhiều người, đây là nền tảng của hệ thống pháp luật được châu Âu xây dựng từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, nhằm tránh các vụ phá sản như của Dexia hay Fortis khiến từ khủng hoảng ngân hàng trở thành khủng hoảng nợ.

Ông Michel Barnier, Ủy viên châu Âu phụ trách về tài chính nói rằng: “Mục tiêu của tất cả các luật mà tôi trình bày từ trước đến nay cho 28 nước thành viên cũng chính là nhằm tránh phá sản. Các ngân hàng phải được giám sát kỹ lưỡng hơn, không thể tự thưởng cho mình những món tiền khổng lồ khi chấp nhận mọi rủi ro, để rồi cuối cùng người dân đóng thuế phải trả giá cho những nguy cơ đó”. Và để đảm bảo việc các ngân hàng có thể tự chi trả, ngân hàng phải thành lập quỹ khẩn cấp của riêng mình. Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici nhấn mạnh: “Người chịu trách nhiệm về vụ phá sản sẽ phải tự trả giá”.

Nói cách khác, chính hệ thống ngân hàng với việc thành lập một quỹ giải quyết sẽ giúp bảo vệ người đóng thuế và tiền gửi tiết kiệm của họ. Đây là một dự án lớn, bổ sung cho Liên minh tiền tệ. Từ nay Liên minh tiền tệ có thể hoạt động một cách hoàn chỉnh”.Trong vòng 10 năm tới, quỹ cứu trợ ngân hàng này sẽ phải đạt mức 55 tỷ euro”.

(Theo AFP, Bloombergs)

Hà Phương


Ý kiến của bạn