Hà Nội

EU - Nhật Bản bắt tay trong thỏa thuận thương mại khủng: Thách thức chính sách bảo hộ của Mỹ

20-07-2018 07:27 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong khi nước Mỹ - quốc gia bên bờ Đại Tây Dương đang làm nền kinh tế toàn cầu chao đảo với chính sách bảo hộ thương mại, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản ký một hiệp định mậu dịch tự do song phương chiếm gần 1/3 nền kinh tế thế giới, bao phủ 600 triệu dân.

Cắt giảm thuế  gần như tất cả mặt hàng

Trong khi Mỹ áp đặt hàng rào thuế quan lên một loạt hàng hóa nước ngoài, Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Nhật Bản vừa ký kết giống như một làn gió mát lành  trái ngược hoàn toàn với bầu không khí đang rực lửa ở bên kia bờ Đại Tây Dương - nơi chủ nghĩa bảo hộ đang đe dọa nhiều nền kinh tế.

Theo hiệp định này, gần như mọi hàng rào thuế quan giữa hai nền kinh tế sẽ bị xóa bỏ. Cụ thể là thuế đối với hàng hóa của châu Âu như pho-mát, rượu vang sẽ bị loại bỏ. Còn các nhà sản xuất ô tô và điện tử Nhật Bản sẽ phải đối mặt với ít rào cản hơn trong EU. Ngoài ra còn nhiều hàng hóa được hưởng lợi như thịt lợn của châu Âu hay trà, cá và máy móc của Nhật. Với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Nhật Bản, Hiệp định này dự báo sẽ giúp GDP Nhật tăng thêm 1%, khoảng 44 tỷ USD và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm.

Nhật Bản và EU ký thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất thế giới.

Nhật Bản và EU ký thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất thế giới.

Theo thỏa thuận, 99% thuế quan đối với hàng Nhật và châu Âu sẽ được xóa bỏ. Trước mắt, 94% thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay, sau vài năm nữa con số này sẽ tăng lên 99%. Một mặt hàng quan trọng mà Nhật Bản đang bảo hộ là gạo, vẫn nằm trong danh mục chưa thể gỡ bỏ hàng rào thuế quan.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã ca ngợi thỏa thuận này là “thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất từ trước đến nay”, về mặt địa lý, EU và Nhật Bản có thể cách xa nhau. Nhưng về mặt kinh tế và chính trị, thì họ chưa bao giờ gần gũi hơn như lúc này. Với thỏa thuận này Nhật Bản sẽ có một công cụ giúp nền kinh tế đi lên sau nhiều năm rơi vào trì trệ, còn châu Âu sẽ được hưởng lợi từ nền kinh tế  lớn thứ 3 thế giới.

Theo EU, năm 2017, kim ngạch thương mại 2 chiều của 2 bên đã đạt 129 tỷ euro (tương đương 152 tỷ USD). Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trước đây, các sản phẩm của EU phải gánh mức thuế trung bình là 1,6% khi vào Nhật Bản, trong khi các sản phẩm của Nhật phải đối mặt với mức thuế khi vào châu Âu là 2,9%.

EU cho biết, chi phí thuế của các doanh nghiệp châu Âu mỗi năm lên tới 1 tỷ euro, khoảng 1,2 tỷ USD. Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Nhật vừa ký kết dự kiến sẽ đi vào hiệu lực năm 2019 sau khi Quốc hội châu Âu và Nhật Bản phê chuẩn.

Chính sách bảo hộ của Mỹ bị thử thách?

Đây là Hiệp định kinh tế lớn nhất của EU từ trước tới nay chứng tỏ trước một nước Mỹ đang theo đuổi chính sách bảo hộ, cô lập khiến căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng thì một số thỏa thuận tự do thương mại của các nước khác như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của 11 quốc gia, hay thỏa thuận EU - Nhật Bản đang đem lại tia hy vọng mới cho nền kinh tế toàn cầu. Thỏa thuận này đã gửi một thông  điệp mạnh mẽ tới chính quyền Mỹ rằng, cả EU và Nhật Bản - là 2 đối tác thương mại lớn của Mỹ, đều thấy được lợi ích của việc loại bỏ hàng rào thuế quan, giảm và không tăng thuế đối với nhiều mặt hàng. Điều này khiến Mỹ tự cô lập mình về mặt kinh tế.

Dù là quốc gia đồng minh  quan trọng của Mỹ và ủng hộ Mỹ trong nhiều vấn đề chính trị, nhưng trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản không cùng “nhìn về một hướng” với Mỹ, Nhật có một chiến lược phát triển  kinh tế mở rộng hơn khi cùng lúc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do mà Mỹ không phải là thành viên hoặc đã rút lui. Chính sách gia tăng hàng rào thuế quan bảo vệ của Mỹ đang tạo điều kiện cho các nước khác xích lại gần nhau hơn. Thỏa thuận này được coi như chất xúc tác thúc đẩy xu hướng phát triển kinh tế tích cực bằng cách mở rộng hợp tác thay vì cô lập và xung đột như hiện nay.

Thỏa thuận thương mại tự do Nhật Bản - EU khẳng định, chính sách “cùng thắng” trong giao lưu thương mại giữa các quốc gia, không chỉ đem lại lợi ích cho một phía mà còn đem lại lợi ích cho hàng trăm triệu người dân của các bên đối tác -  những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp.


Hải Yến
Ý kiến của bạn