Hà Nội

EU không dễ ra tay trừng phạt Nga nặng hơn

28-06-2014 08:45 | Quốc tế
google news

Washington tiếp tục cảnh báo Nga họ có thể áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới nếu Moscow không làm nhiều hơn để hóa giải xung đột ở miền đông Ukraine

Washington tiếp tục cảnh báo Nga họ có thể áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới nếu Moscow không làm nhiều hơn để hóa giải xung đột ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, điều này có vẻ không dễ dàng, theo đài VOA

EU không dễ ra tay trừng phạt Nga nặng hơn
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, và gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Nga – trị giá 292 tỉ USD – là tới các nước EU. Ảnh Reuters

Các nhà phân tích nói mối đe dọa này đang đặt Liên minh châu Âu vào vị thế khó xử. Khối 28 quốc gia hy vọng sẽ tránh được một cuộc đụng độ kinh tế rộng lớn hơn với Moscow, có thể sẽ gây tổn hại cho những doanh nghiệp của chính họ.

Nga và Đức là hai nước có những quan hệ kinh doanh mật thiết.

Lệ thuộc nặng vào dầu mỏ và khí đốt của Nga và có nhiều lợi ích kinh doanh ở nước này, Đức lâm vào tình thế dễ bị tổn hại khi Mỹ đe dọa một đợt trừng phạt mới nếu Nga không làm nhiều hơn nữa để kiềm chế những hành động của phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.

Mối quan hệ gần gũi này có thể giải thích vì sao Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi thận trọng về việc trừng phạt Nga trong những cuộc thương thảo với Mỹ. Các nhà phân tích nói rằng bà Merkel hy vọng ông Putin cuối cùng sẽ nhân nhượng và chấp nhận những đề nghị để làm dịu cuộc khủng hoảng.

Nhưng sự tin tưởng của bà suy giảm khi ông Putin thừa nhận đã điều quân đội Nga vào Crimea mấy tháng trước.

Ông John Lough thuộc chương trình Nga và Âu Á tại viện nghiên cứu Chatham House ở London, nói rằng Đức giờ đang thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn đối với Nga.

"Đức đã rất sốc về hành vi của Nga và việc Nga sáp nhập Crimea cũng như tình hình bất ổn tiếp sau đó. Tôi nghĩ họ đã nhìn thấy khá rõ rằng Nga đang chơi trò hai mặt vào lúc này: bề ngoài thì ủng hộ tiến trình hòa bình, nhưng đồng thời dường như lại chẳng làm gì nhiều để tìm cách hóa giải cuộc xung đột ở Donbas."

Cho nên ông Lough nói rằng EU có khả năng sẽ áp đặt một số biện pháp trừng phạt. Nhưng trừng phạt nặng tới mức nào thì vẫn chưa được xác định.

Những biện pháp trừng phạt mới của chính quyền Obama sẽ bao gồm áp đặt lệnh cấm lên bất kỳ giao dịch nào với một số ngân hàng lớn nhất của Nga, cắt đứt chuyển giao công nghệ cho các công ty năng lượng và quốc phòng của Nga, và ngưng kinh doanh với các công ty quốc phòng của Nga.

Đây có thể là điều khó khăn đối với châu Âu.

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, và gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Nga – trị giá 292 tỉ USD – là tới các nước EU. Về phần mình, Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU với kim ngạch nhập khẩu là 169 tỉ USD. Nga còn cung ứng khoảng một phần tư lượng khí đốt cho EU.

Mặc dù châu  lệ thuộc nặng vào Nga về năng lượng và mậu dịch, ông Lough cho rằng EU sẽ áp đặt một số biện pháp trừng phạt:

"Tôi nghĩ chúng ta đã tiến tới chỗ mà nếu Nga không tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, thì họ có thể dự liệu có thêm những biện pháp trừng nữa sắp được đưa ra. Những biện pháp này sẽ nhắm mục tiêu cụ thể. Tôi không cho rằng chúng ta sẽ thấy những biện pháp mang tính bao trùm – chẳng hạn như nhắm vào lĩnh vực tài chính – nhưng những biện pháp này có thể vượt ra ngoài danh sách đen các cá nhân cụ thể mà chúng ta đã thấy cho tới giờ."

Ngay cả khi lệnh trừng phạt được thực thi, nhà phân tích James Nixey của Chatham House nói hành động của ông Putin sẽ không thay đổi:

"Con người ông Putin vẫn như vậy. Ông là đại tá KGB với một thế giới quan cụ thể. Một số biện pháp trừng phạt, hoặc những biện pháp thiết kế nhằm bảo vệ các nền kinh tế phương Tây, sẽ không thay đổi mục tiêu cơ bản của ông ta, đó là đảm bảo rằng một số nhà nước nhất định - trong trường hợp này là Ukraine – vẫn nằm ở phía đông của ranh giới phân chia đông-tây."

Ông Nixey nói Nga sẽ tiếp tục tìm cách gây bất ổn cho Ukraine. Và, với những thách thức về chính trị và kinh tế của Ukraine, đây có thể là một nhiệm vụ dễ dàng.

"Tôi chưa nhìn thấy một khu vực thịnh vượng, tự do dân chủ phát triển ở tây Ukraine vào bất cứ thời điểm nào trong nay mai."

Hôm thứ Sáu, các hiệp định hội nhập EU với Ukraine, Gruzia và Moldova đã kéo ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ về phía tây bất chấp Moscow kiên quyết phản đối. Các nhà phân tích nói rằng động thái này rất có thể càng thôi thúc quyết tâm của ông Putin để Ukraine trong cảnh hỗn loạn.

Theo Bizlive

 

 


Ý kiến của bạn