Các nước EU thống nhất lùi 3 tháng thời hạn để Anh ra khỏi EU (gọi là Brexit) sang ngày 31/1/2020, trong khi Thủ tướng Anh thất bại khi tìm kiếm một cuộc bầu cử sớm nhằm tìm lối thoát cho tình trạng bế tắc hiện nay.
Ngày 28/10, 27 quốc gia thành viên EU cuối cùng đã đồng ý thêm một lần nữa hoãn Brexit. Quyết định gia hạn lần thứ ba này là một hành động khẩn cấp của EU, chỉ 3 ngày trước thời hạn Brexit ngày 31/10. Quyết định trên đã được chính thức hóa thông qua một thủ tục bằng văn bản vào chiều 29/10 hoặc ngày 30/10 nếu tất cả các nước thành viên EU không có ý kiến phản đối. EU đưa ra một phương án gia hạn “linh hoạt”, theo đó ấn định thời hạn được trì hoãn đến 31/1 năm tới, nhưng đồng thời cũng để ngỏ khả năng Vương quốc Anh có thể “ra đi” ngay trong năm nay, vào ngày 30/11 hoặc 31/12 trong trường hợp thỏa thuận được quốc hội nước này phê chuẩn. Kết quả trên đạt được tại cuộc họp các đại sứ EU diễn ra sau hai ngày cuối tuần tham vấn căng thẳng, nhất là sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 27/10. Có vẻ với quyết định gia hạn Brexit lần thứ ba này, EU đang cố ngăn chặn một cuộc chia ly không thỏa thuận chắc chắn làm đảo lộn tình hình kinh tế của liên minh cũng như của Anh.
Sau 3 năm, Brexit vẫn là một mớ bùng nhùng với nước Anh và EU.
Câu hỏi hiện nay là liệu quyết định gia hạn của 27 nước EU còn lại có giúp người Anh thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị sâu sắc mà họ đang bị mắc kẹt hay không? Phản hồi đầu tiên là cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh đối với ý tưởng tổng tuyển cử sớm vào tháng 12, cuộc bầu cử được cho có thể giúp khôi phục thế đa số cho đảng Bảo thủ cầm quyền và trao cho Thủ tướng Johnson thêm tầm ảnh hưởng ở quốc hội, từ đó ông có thể tập hợp được đa số để thông qua thỏa thuận Brexit mới. Các nghị sĩ Anh tiếp tục bác bỏ đề xuất tổ chức bầu cử sớm. Như dự đoán, ý tưởng này rất khó để được thông qua vì cần phải có được tối thiểu 2/3 số nghị sĩ (434 phiếu) đồng ý. Và thực tế những nỗ lực lần thứ ba của Thủ tướng Johnson khi kêu gọi một cuộc bầu cử như vậy chỉ thu được vẻn vẹn 299 phiếu.
Sau thất bại tại cuộc bỏ phiếu hôm 28/10, Thủ tướng Johnson khẳng định sẽ một lần nữa đưa yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm ra trước hạ viện và lần này thì sẽ chỉ cần đạt được đa số thông thường, tức là tối thiểu 320 phiếu ủng hộ. Như vậy là thời điểm Vương quốc Anh rời khỏi EU ngày 31/10 gần như chắc chắn sẽ bị hoãn lại, và Brexit vẫn đang trong thế giằng co khó đoán.
Thủ tướng Johnson, người đã lớn tiếng hứa sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU bằng mọi giá vào ngày 31/10, đã liên tục yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử sớm để chấm dứt thế bế tắc chính trị đang khiến người dân ngày càng mất lòng tin, và ông đã lại thua trong cuộc cá cược mới nhất. Tuy nhiên, Quốc hội Anh đã bác đề xuất tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 12/12 tới của Thủ tướng Boris Johnson trong bối cảnh nhà lãnh đạo Anh tìm cách phá vỡ bế tắc chính trị liên quan đến Brexit. Tổng cộng có 299 nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu ủng hộ và 70 nghị sĩ bỏ phiếu phản đối đề xuất bầu cử sớm. Như vậy, ông Johnson đã không giành đủ sự ủng hộ của 2/3 trong số 650 nghị sĩ theo luật định để đề xuất trên được thông qua.
Hiện nay, nước Anh trong tình trạng một chính phủ “tê liệt”, không có được đa số tại quốc hội, với một thỏa thuận trong tình trạng lơ lửng tại Hạ viện Anh và cũng chưa thể tìm thấy lối thoát khẩn cấp thông qua một cuộc tổng tuyển cử. Nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu thỏa thuận Brexit không quả được “ải” quốc hội, ông Johnson có thể tiếp tục trì hoãn Brexit, và một Brexit “cứng” hoàn toàn không tránh khỏi.
Trong ba năm rưỡi, tiến trình “ly dị” giữa Anh với EU vẫn chưa thể hoàn tất. Thủ tướng Anh Johnson, người vẫn tỏ ra bất lực trong việc hóa giải những bất đồng sâu sắc với quốc hội, khẳng định không thể thoát ra khỏi cuộc xung đột chính trị đang làm tê liệt đất nước. Chính trường Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 vẫn bất đồng chia rẽ. Hơn 3 năm trước, việc một thành viên gạo cội như Anh muốn “dứt áo ra đi” đã từng là một đòn giáng mạnh vào uy tín của EU, song “mớ bùng nhùng” mà Brexit tạo ra kể từ đó có lẽ mới thực sự là “cơn ác mộng” của EU, khi không biết đến bao giờ mới có thể kết thúc.