Sự kiện tân Thủ tướng Sebastian Kurz trở thành thủ tướng Áo ở tuổi 31, là nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới được cho là sẽ thổi một luồng gió mới đến với nước Áo, nhưng cũng đưa đến cho châu Âu những mối lo ngại mới, về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Đây chắc chắn sẽ trở thành một trong những vấn đề tương lai mà EU phải đối diện. Hội nghị thượng đỉnh EU tổ chức vào ngày 19-20/10 với nội dung tập trung vào Brexit và việc cải tổ nội khối, nhưng còn rất nhiều vấn đề EU đang phải đương đầu.
Chủ nghĩa dân túy đang đe dọa châu Âu
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz là người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc với khẩu hiệu “Người Áo trước tiên”, ông có quan điểm chống người nhập cư. Chiến thắng của ông Sebastian Kurz như tiếp thêm sức mạnh cho phong trào dân túy chống nhập cư cùng chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng lớn mạnh ở châu Âu.
Mặc dù đến ngày 19/10 mới công bố kết quả bầu cử chính thức, nhưng gần như chắc chắn rằng đảng Nhân Dân (OVP) của ông Kurz sẽ liên minh với đảng Tự do (FPO) để lãnh đạo đất nước. Điều đáng lo ngại cả 2 đảng này đều thể hiện quan điểm cứng rắn trong vấn đề người nhập cư, trục xuất người Hồi giáo… Một chính phủ thiên về cánh hữu ở Áo sẽ trở thành thách thức đối với EU nhất là khi Áo sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch EU bắt đầu từ nửa cuối năm 2018.
Phong trào dân túy chống nhập cư cùng chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Hungary, Ba Lan, … Lần đầu tiên trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Đức, đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) có quan điểm chống nhập cư, có ghế trong Quốc hội, Hungary có kế hoạch xây hàng rào ngăn người nhập cư ở biên giới, hay Ba Lan “cương quyết” không thực hiện cam kết về hạn ngạch nhận người nhập cư. Tất cả những diễn biến này đi ngược với cam kết của châu Âu về một biên giới mở về thương mại và nhập cư. Thậm chí, có nhà lãnh đạo còn cảnh báo rằng sự chia rẽ của khối về vấn đề người di cư có thể khiến EU sụp đổ.
Nếu những gì Thủ tướng Áo Kurz cam kết trở thành hiện thực như đóng cửa tuyến đường nhập cư vào Áo, giảm phúc lợi cho người nhập cư và tị nạn… thì EU càng khó tìm được tiếng nói chung để giải quyết vấn đề hóc búa này.
Không phải ngẫu nhiên sự trỗi dậy của các đảng dân túy ở châu Âu trùng hợp với làn sóng người nhập cư gia tăng. Cử tri ở các nước châu Âu lo sợ sự “xâm chiếm” của những người tị nạn không chỉ đe dọa an ninh châu Âu mà còn đe dọa cả nền văn hóa của họ, vì thế tại các nước EU, các đảng theo đường lối dân túy đang dần chiếm được sự ủng hộ của người dân.
Gọi tên các bất ổn ở châu Âu
Trong bối cảnh EU gặp nhiều bất ổn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, đàm phán Brexit chưa có lối ra, các vấn đề thương mại, an ninh nội khối chưa được đảm bảo, lại thêm cả cuộc khủng hoảng tại Tây Ban Nha cũng khiến EU lúng túng. Và sắp tới đây, cuộc bầu cử Quốc hội tại Czech có khả năng các đảng dân túy sẽ là lực lượng giành được ưu thế. Viễn cảnh đen tối nhất của EU có thể sẽ có thêm những quốc gia đòi ra khỏi liên minh giống nước Anh.
Theo các nhà phân tích hội nghị thượng đỉnh EU những lần gần đây với nội dung cải tổ liên minh, nhưng dường như chưa đủ và chưa phù hợp với sự vận động ngay trong lòng chính trường EU. Bởi giờ đây các thành viên EU không còn “nhìn về một hướng” như những ngày đầu thành lập, mà mỗi nước thành viên cũng đang gặp phải những vấn đề riêng của mình. Một nhu cầu bức thiết hiện nay với EU là sự thay đổi để đối phó lại những diễn biến mới, nơi tư tưởng dân túy cực hữu đang lên, bên cạnh đó nguy cơ những cuộc khủng hoảng đơn lẻ ở mỗi quốc gia như cuộc khủng hoảng ở Tây Ban Nha có thể thổi bùng làn sóng ly khai ở nhiều khu vực của châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu giờ đây sẽ phải đau đầu hơn bởi sự thống nhất của liên minh đang bị lay chuyển.