Những năm 1930, châu Âu lâm vào một cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới. Sau gần 1 thế kỷ, châu lục này lại bước vào một cuộc khủng hoảng khác.
Cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 đã kéo kinh tế châu Âu đi xuống
Ủy ban châu Âu (EC) công bố báo cáo cho biết kinh tế châu Âu sẽ giảm 7,4% trong năm nay. Uỷ viên phụ trách kinh tế của Uỷ ban châu Âu Paolo Gentiloni cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) đã bước vào cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tất cả quốc gia thành viên EU đều được dự báo sẽ suy thoái nặng nề trong năm nay.
EU thống nhất cần phải có gói cứu trợ phục hồi kinh tế.
Hoạt động kinh tế tại Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Croatia và tiếp theo là Pháp được dự báo sẽ chịu tác động lớn nhất. Theo báo cáo, tại Pháp, suy thoái kinh tế được dự báo ở mức 8,2% trong năm nay, sau đó tăng trở lại 7,4% vào năm 2021. GDP của Đức - nền kinh tế hàng đầu trong khu vực đồng euro và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sẽ giảm 6,5% vào năm 2020, rồi tăng 5,9% trong năm 2021. Còn mức suy giảm GDP của Hà Lan cũng có thể tới 6,8%. Mức suy thoái tồi tệ nhất ở một số nước trong khu vực EU như Hy Lạp (-9,7%), Italia (-9,5%) và Tây Ban Nha (-9,4%) do GDP của cả 3 nước này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ du lịch.
Tổng Vụ trưởng đặc trách các vấn đề kinh tế, tài chính của EC - ông Maarten Verwey nhận định: “Nguy cơ suy thoái sâu hơn và kéo dài hơn là rất hiện hữu”. Chính phủ châu Âu đang nghiên cứu kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế sau nhiều tuần bị phong tỏa. Italia, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Đức và Áo chỉ là một số quốc gia đã bắt đầu dỡ bỏ một số hạn chế. Tuy nhiên, theo ông Verwey, nếu đại dịch bùng phát trở lại sau khi chấm dứt các biện pháp đóng cửa, GDP của EU có thể giảm thêm 3% trong năm nay.
Song song với GDP giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực châu Âu được dự báo sẽ tăng từ 7,5% vào năm 2019 lên 9% vào năm 2020 trước khi giảm trở lại 8% vào năm 2021. Một số quốc gia thành viên sẽ có tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh hơn so với các quốc gia khác vì những quốc gia đó có lực lượng lao động phụ thuộc vào du lịch hoặc người lao động kỳ hạn ngắn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn. Những người trẻ tuổi gia nhập lực lượng lao động vào thời điểm này sẽ khó tìm việc hơn.
Châu Âu sẽ thoát khỏi khủng hoảng thế nào?
Sự phục hồi kinh tế của các quốc gia châu Âu không chỉ phụ thuộc vào tiềm lực của quốc gia đó mà còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh COVID-19 thế nào. Những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch khó có thể hồi phục mạnh nhất khi hết dịch. Đại dịch COVID-19 chính là “phép thử” cho tính thống nhất của khối trong bối cảnh ngân sách EU eo hẹp.
Hầu hết các nhà lãnh đạo EU đều thống nhất về việc thành lập một quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch, có thể lên tới 1.000 tỷ euro (khoảng hơn 1.000 tỷ USD), tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng về việc lấy tiền ở đâu, có nên cung cấp trợ cấp bằng các khoản vay cho các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nhất như Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha hay không bởi khả năng trả nợ của họ còn rất “mờ mịt”. Tổng thống Pháp E. Macron cho rằng, việc tăng các khoản vay sẽ gây tác dụng ngược, khi làm tăng nợ ở những quốc gia bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh và để giải quyết khủng hoảng, EU cần hỗ trợ tiền cho những quốc gia này. Việc từ chối viện trợ cho các quốc gia thành viên có thể làm EU chia rẽ. Pháp đề xuất cả liên minh đóng góp và bảo lãnh nợ chung.
Với rất nhiều thách thức như tỷ lệ thất nghiệp tăng, thâm hụt ngân sách dự báo sẽ rất nghiêm trọng... sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Các nhà kinh tế cho rằng, bảo vệ công ăn việc làm, phục hồi sản xuất kinh doanh là việc làm ưu tiên hiện nay ở châu Âu. Khu vực EU sẽ mất ít nhất 2 năm nữa để phục hồi sau cuộc suy thoái chưa từng có như hiện nay.