EU đi nước cờ lịch sử trên thị trường tài chính

26-01-2015 07:18 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã thông báo kế hoạch nới lỏng định lượng (QE) theo đó tung 1.100 tỷ euro để mua lại trái phiếu của các nước châu Âu.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã thông báo kế hoạch nới lỏng định lượng (QE) theo đó tung 1.100 tỷ euro để mua lại trái phiếu của các nước châu Âu. Quyết định bất ngờ này của ông Draghi đã được dư luận khen ngợi.

Thành công nổi bật nhất của ECB là đã “không làm giới đầu tư thất vọng”, với kết quả được thấy ngay là “lãi suất trái phiếu đã rơi xuống mức thấp mới”. Quyết định được ông Draghi đưa ra chứa đựng hai điểm “hoàn hảo”. Trước hết, trị giá kế hoạch mua lại nợ công đã vượt quá mong đợi của các nhà đầu tư, “gấp đôi quy mô từng được dự định”, theo như nhận định của chuyên gia phân tích Franck Dixmier thuộc hãng bảo hiểm Allianz GI. Bên cạnh đó, chi tiết kế hoạch được loan báo cũng được giới đầu tư tán thưởng vì mang tính chất linh hoạt cao, không chỉ giới hạn việc mua lại ở thời hạn cuối tháng 9 năm 2016 mà có thể kéo dài thêm. Đối với Gero Jung, chuyên gia phân tích tại Mirabaud AM: “Quy mô của kế hoạch và việc không bị giới hạn về thời gian hiện đang được giới đầu tư coi trọng hơn là vấn đề phân tán rủi ro giữa các nước”.

Chương trình QE không bị Đức bỏ phiếu chống.

Ngoài các yếu tố kể trên, Chủ tịch ECB còn cho thấy ông rất thành thạo trong nghệ thuật ứng phó với các thị trường tài chính, tránh nguy cơ lớn nhất trước mắt là gây ra sự thất vọng. Chuyên gia Franck Dixmier phải trầm trồ trước việc ông Mario Draghi đã khiến cho các thị trường tài chính phải kinh ngạc, trong bối cảnh bản thân các kỳ vọng đã rất cao. Kết quả của chiêu thức tuyệt vời này là các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt khởi sắc, với Paris tăng thêm 1,52%, trong lúc Frankfurt đạt kỷ lục mới sau khi tăng 1,32%. Phản ứng thuận lợi nhất đã được ghi nhận trên thị trường trái phiếu, đối tượng trực tiếp được hưởng các biện pháp của ECB. Lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm của Pháp, Ý và Tây Ban Nha vào đã chạm mức đáy kỷ lục.

Mặt khác, quyết định dũng cảm của ông Mario Draghi đã dám bất chấp thái độ đối nghịch của Đức để nới lỏng chính sách tiền tệ chung, ngõ hầu thúc đẩy tăng trưởng châu Âu đang hết sức èo uột. Ông Draghi đã thành công trong việc thuyết phục được Hội đồng quản trị ECB là cần phải có một bước tiến quyết định để thoát ra khỏi lối mòn đang de dọa kinh tế châu Âu, một cấm kỵ được ghi trong các hiệp định châu Âu, là không được tài trợ cho thâm hụt ngân sách bằng cách tạo thêm tiền. Nước Đức, cụ thể là Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank luôn luôn chống lại mọi chính sách bơm tiền vào nền kinh tế và đây là một thế lực cực mạnh. Thế nhưng, Mario Draghi đã dám đi ngược lại với tính chính thống của Đức để đẩy một châu Âu ù lì về kinh tế tiến lên, tránh cho châu Âu khỏi bị một “thập kỷ lãng phí” như trường hợp Nhật Bản, nơi mà cả tăng trưởng lẫn tăng giá đều không có.

Hành động dũng cảm của Chủ tịch ECB có thể thành công: “César từng biết rằng khi vượt qua sông Rubicon, ông có thể khơi dậy một cuộc nội chiến. Nhưng lịch sử sau đó đã thưởng công xứng đáng cho hành động chấp nhận rủi ro của ông”. Báo chí Pháp đánh giá, ít ra có một lãnh đạo ngân hàng thông minh. Rõ ràng là từ nhiều năm qua các chính sách đeo đuổi ở châu Âu đã dồn thẳng chúng ta vào bức tường kinh tế đình trệ. Đây được coi là kế hoạch thúc đẩy tiền tệ lịch sử. Mario Draghi đã làm cho các thị trường phải ngạc nhiên, nhất là kế hoạch ông đưa ra “rộng lượng” hơn dự kiến và không bị phía Đức bỏ phiếu chống.

(Theo Bloomberg, AFP)

Quỳnh Anh

 

Từ nhiều tháng nay, chương trình nới lỏng định lượng (QE) vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi ở eurozone mà chủ yếu là trên báo chí Ðức. Trong trường hợp gây thất vọng nhất cho thị trường, QE sẽ được thay thế bằng chương trình mua nợ đã được triển khai từ tháng 9. Từ đó đến nay, ECB đã chi khoảng 35 tỷ euro cho các chương trình này. Theo nhận định của Financial Times, QE có thể là vũ khí mạnh nhất từ trước đến nay của ECB nhưng châu Âu vẫn cần sự hỗ trợ từ phía các Chính phủ để có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 6 năm qua. Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù đã áp dụng đúng những gì Mỹ đã làm để thoát khỏi suy thoái kinh tế, nhưng cấu trúc hệ thống tài chính của châu Âu lại hoàn toàn khác Mỹ, đây là lý do khiến QE không thể phát huy tác dụng như ở Mỹ.

 

 

 


Ý kiến của bạn