Chỉ riêng trong hai ngày chủ nhật và thứ hai vừa qua, 42 tàu cứu hộ của cảnh sát biển Italy phải chở 6.500 người nhập cư. Nhưng họ lại không thể ngăn cản được vụ đắm tàu làm thiệt mạng 700 người. Biển Địa Trung Hải nổi tiếng với những bãi tắm đẹp thơ mộng giờ đang trở thành “con đường chết người nhiều nhất của thế giới”, theo như nhận định của Cao ủy tỵ nạn Liên hợp quốc. Nhưng nỗi sợ chết cũng không làm nản lòng những di dân.
Trong vụ việc này Eu cũng phải gánh vác một phần trách nhiệm. Các quốc gia thành viên chưa tập hợp đủ các nỗ lực trong một tiếp cận chung bằng cách thể hiện tính liên đới với người nhập cư, chống lại những đường dây buôn người bằng cách giúp đỡ phát triển và trấn yên các nước trong khủng hoảng, nhất là tại Syria và Libya. Thật đáng tiếc khi thấy Italy phải đảm đương chủ yếu một mình các công tác cứu hộ. Làn sóng thuyền nhân từ châu Phi cùng với những thảm họa chết chóc trên Địa Trung Hải trong những ngày qua đã đặt châu Âu trước một cuộc khủng hoảng nhập cư thực sự. Lúng túng, bất lực và bị chỉ trích là thụ động trong hồ sơ tỵ nạn, nhiều người trong giới chính trị châu Âu giờ đây nghĩ tới việc học theo chính sách nhập cư của Australia, bị đánh giá là hà khắc, thậm chí là vô nhân đạo nhưng dường như đang tỏ ra có hiệu quả trong việc ngăn chặn làn sóng di cư tới Australia.
Vụ đắm tàu tỵ nạn ngoài khơi Libya cuối tuần qua làm trên 700 người chết, thảm kịch thuyền nhân tồi tệ nhất từ trước tới nay ngay trước cửa ngõ đã hối thúc EU phải hành động khẩn cấp. Một trong những câu hỏi được đặt ra lúc này đó là: Liên minh châu Âu có nên học theo chính sách nhập cư của Australia? Vậy đâu là thành công của Australia trong vấn đề nhập cư hiện nay? Ngay sau khi nắm quyền năm 2013, Chính phủ của ông Tony Abbott đã cho triển khai một chính sách cứng rắn đối phó với làn sóng người nhập cư lậu vốn tràn lan không kiểm soát nổi dưới thời Chính phủ Công đảng trước đó. Chính quyền Canberra huy động cả lực lượng quân đội mở chiến dịch mang tên gọi “Biên giới có chủ quyền” để ngăn chặn từ xa dòng người tỵ nạn vượt biển tới Australia. Các tàu hải quân Australia chặn các tàu chở người tỵ nạn từ ngoài khơi xa và đẩy họ trở lại điểm xuất phát trung chuyển, thường là từ bờ biển Indonesia.
Mặt khác, những người đã đến được Australia xin tỵ nạn bị dồn về một trại tạm giữ trên đảo Manus thuộc Papua New Guinea hay đảo Nauru nằm trên Thái Bình Dương. Ngay cả khi có hồ sơ tỵ nạn được thẩm định hợp lệ thì người tỵ nạn vẫn không được phép định cư trên lãnh thổ Australia. Sự lựa chọn duy nhất với họ là hoặc sống trong các trại tập trung trên đảo hoặc hồi hương và được hưởng những trợ cấp nhất định của Australia theo thỏa thuận với Chính phủ nước họ. Hiệu quả của chính sách nhập cư này, theo ông Peter Dutton - Bộ trưởng Bộ Di trú Australia, từ 18 tháng qua không một con thuyền tỵ nạn nào tới nước này và thảm cảnh chết chóc trên biển cũng đã chấm dứt. Trong khi dưới thời của Chính phủ trước, 1.200 người tỵ nạn đã phải bỏ mạng trên đường vượt biển tới Australia.
Vấn đề với EU lúc này là các cuộc xung đột triền miên ở Trung Cận Đông và châu Phi khiến dòng người chạy tỵ nạn đổ về châu Âu ngày càng đông mà điểm đến chủ yếu là Italy. Lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Libya, những đường dây đưa người vượt biển lậu càng hoạt động ráo riết hơn. Từ nay đến giữa tháng 5, Ủy ban châu Âu dự tính đưa ra một chiến lược mới về nhập cư đã được khởi thảo từ sau vụ tại nạn ngoài khơi đảo Lampedusa hồi năm 2013 làm 400 thuyền nhân bị chết. Một chính sách sao cho vừa đáp ứng được vấn đề nhân đạo và hiệu quả chính trị trong hồ sơ nhập cư vẫn luôn là một thách thức lớn cho Eu, nhất là khi mà bên kia cửa ngõ vào châu Âu là châu Phi và Trung Cận Đông vẫn còn biết bao nhiêu con người đang muốn chạy trốn khỏi thảm cảnh của chiến tranh xung đột hỗn loạn.
(Theo ABC)
Quỳnh Phạm
Một ngày sau thảm kịch đắm thuyền tỵ nạn trên Ðịa Trung Hải ngay trước cửa ngõ châu Âu làm hơn 700 người thiệt mạng, ngày 20/4/2015, Eu đã triệu tập khẩn cuộc họp cấp Bộ trưởng Nội vụ, Ngoại giao để cùng tìm giải pháp cho làn sóng tỵ nạn đến từ châu Phi đang ngày càng nghiêm trọng. Lãnh đạo Ngoại giao châu Âu, bà Federica Mogherini đã tuyên bố giải quyết khủng hoảng người tỵ nạn trên Ðịa Trung Hải giờ là một yêu cầu cấp bách về mặt đạo đức đối với các nước châu Âu.
Trong tuần qua đã có khoảng hơn chục ngàn người tỵ nạn từ châu Phi mạo hiểm vượt biển đổ vào Italy, trong đó hơn 700 người đã phải bỏ mạng khi chưa tới bờ. Tuần trước cũng đã xảy ra hai vụ đắm tàu tỵ nạn trên Ðịa Trung Hải làm trên 400 người mất tích. Mỗi ngày, tàu tuần duyên của Italy và các tàu vận tải thường xuyên cứu vớt từ 500 - 1.000 người tỵ nạn đang lênh đênh trong Ðịa Trung Hải trên những con thuyền tồi tàn.