EU 2019: Sẽ bộn bề khó khăn

28-12-2018 16:05 | Quốc tế
google news

SKĐS - Với việc tiến trình Brexit vẫn đang bế tắc, có thể nói châu Âu vừa trải qua một năm 2018 với nhiều sóng gió. Cùng với khủng hoảng Brexit, những mâu thuẫn vẫn âm ỉ và cuộc khủng hoảng Áo vàng lan nhanh có thể bùng phát vào năm 2019, có thể khiến châu lục này “đứng ngồi không yên”.

Nếu như năm 2018, cuộc khủng hoảng người di cư đã được kiểm soát, an ninh được đảm bảo tốt hơn và kinh tế tiếp tục đà phục hồi, thì một năm qua bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc trên con đường nhất thế hóa, bất chấp những nỗ lực đoàn kết của Đức và Pháp.

Đối với riêng nước Đức, chính trường Đức đã trải qua một giai đoạn bế tắc nhất trong lịch sử kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, khi 6 tháng liền không có một chính phủ đúng nghĩa. Một trong những nguyên nhân chủ chốt dẫn đến tình trạng này là tác động của cuộc khủng hoảng người di cư: Việc Chính phủ Đức mở cửa đón dòng người tị nạn khiến cả 3 đảng trong đại liên minh cầm quyền đều mất uy tín, dẫn đến mất phiếu nghiêm trọng khi bầu cử, và nội bộ bất đồng sâu sắc trong tiến trình đàm phán tái lập chính phủ. Nguy cơ chính phủ Đức tan rã có lúc đã cận kề. Kết quả các cuộc bầu cử địa phương vừa qua ở Đức với kết quả tồi tệ của CDU, buộc bà Merkel phải tuyên bố không tham gia tranh cử chức Chủ tịch đảng, vị trí mà bà đã nắm giữ liên tục 18 năm qua, đồng thời sẽ rời ghế Thủ tướng khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2021, điều sẽ dẫn tới những sự thay đổi lớn cả trên bình diện EU bởi Đức là nền kinh tế lớn nhất EU.

Đối với nước Anh, kịch bản về việc nước Anh rời khỏi EU vẫn chưa rõ ràng, trong khi thời gian đếm ngược chỉ còn tính bằng ngày cho đến thời điểm ngày 29/3/2019 sắp tới. EU nhất quyết không đàm phán lại, và những kịch bản xấu vẫn đang được tính đến, khi Chính phủ Anh gặp khó khăn trong việc thuyết phục quốc hội nước này thông qua thỏa thuận Brexit từng đạt được hồi tháng 11/2018. Tương lai mối quan hệ Anh - EU thời hậu Brexit vì thế vẫn chưa thể xác định, khiến chính EU cũng lúng túng trong việc hoạch định các bước đi tiếp theo.

EU 2019Một Brexit bế tắc có thể khiến EU tiếp tục rối bời.

Còn đối với nước Pháp, cuộc khủng hoảng “Áo vàng” những ngày qua đã khiến nước Pháp không chỉ bị phân rẽ mà còn “xấu xí” trước ánh mắt của thế giới. Cuộc biểu tình của “phong trào áo vàng”, đầu tiên là nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu của chính phủ nhưng sau đó đã trở thành đòn bẩy khơi lên làn sóng bất mãn âm ỉ trước những bất ổn kinh tế và xã hội khi giá cả tăng cao, đời sống trở nên khó khăn, khoảng cách giàu - nghèo bị nới rộng.

Đáng lo ngại hơn, sự trỗi dậy của phong trào cực hữu mà đứng đầu là đảng Afd (Đức) tiên phong đã “tạo nguồn cảm hứng” cho phong trào cực hữu phát triển mạnh ở cả Áo và Italia. Ngay tại châu Âu, những cuộc tấn công từ bên trong đã nổ ra. Tiếng nói của Ba Lan hay Hungary đã trở nên “khó nghe” trong khối, khi lãnh đạo các nước này theo đuổi quan điểm trái ngược với nhiều nước EU khác về một loạt vấn đề.

Tình trạng bất ổn ở cả hai nền kinh tế đầu tàu EU Đức và Pháp cùng sự chia rẽ nội bộ ngày càng sâu sắc khiến EU kết thúc năm 2018 với nhiều xáo trộn. Năm 2019 mở ra với EU bằng một dấu mốc lịch sử, khi nước Anh chính thức rời khối vào cuối tháng 3. Đó sẽ là một năm bản lề với rất nhiều thách thức đang chờ đợi, khi chỉ hai tháng sau đó, châu Âu sẽ bước vào cuộc bầu cử Nghị viện (EP).

Cũng giống như các cuộc bầu cử quan trọng tại châu Âu trong năm 2017 và 2018, bầu cử EP năm 2019 sẽ là cuộc đối đầu giữa các đảng chính thống và phong trào hoài nghi châu Âu, vốn đang dựa vào tâm lý bất mãn và giận dữ của người dân trước những vấn đề từ cuộc khủng hoảng người di cư, cũng như những mâu thuẫn khác trong xã hội.

Trong khi tại Pháp, lòng tin đối với Tổng thống Macron bị phong trào “Áo vàng” làm sứt mẻ, thì tại Đức, Thủ tướng Merkel cũng bắt đầu tiến trình thoái lui, rút khỏi vũ đài chính trị bằng việc không ứng cử vào chức Chủ tịch CDU. Mặc dù bà Merkel vẫn sẽ là Thủ tướng Đức cho đến cuối năm 2021, nhưng vị thế và tiếng nói của bà ở châu Âu cũng sẽ giảm dần như tại Đức. Và từ đây, nguy cơ EU thiếu một nhà lãnh đạo đủ tầm đã bắt đầu lộ diện.

Một nguy cơ dễ xảy đến, đó là tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) sắp tới, nếu lực lượng dân túy giành chiến thắng trên bình diện châu lục, đó sẽ là một bước ngoặt với châu Âu, song sự thay đổi này có mang lại điều tốt lành cho EU hay không, thì chưa thể dự đoán được. Rõ ràng, năm 2019 đang chờ đón EU với bộn bề thách thức.


N.Quang
Ý kiến của bạn