Estrogen thường được coi là hormon sinh dục nữ, tương tự testosteron được xem là hormon nam, nhưng thực sự thì nó có ở cả hai giới. Phụ nữ có xu hướng có mức estrogen cao hơn, trong khi nam giới có nhiều testosteron hơn.
Ở phụ nữ, estrogen có vai trò trong chu kỳ kinh nguyệt và hệ sinh sản. Ở nam giới, điều quan trọng là chức năng tình dục.
Cả hai giới đều có thể gặp phải tình trạng tăng nồng độ estrogen, điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe tình dục nói riêng.
Các triệu chứng của estrogen cao
Tình trạng nồng độ estrogen tăng cao ảnh hưởng khác nhau đến nam và nữ và có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau.
Ở nữ giới, nồng độ estrogen cao có thể dẫn đến tăng cân, đặc biệt là quanh hông và eo. Estrogen dư thừa cũng có thể gây ra các vấn đề về kinh nguyệt, chẳng hạn như: chu kỳ bất thường, ra huyết giữa kỳ, đa kinh, khiến triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) nặng hơn. Phụ nữ có estrogen cao có thể gặp các triệu chứng khác, bao gồm: đầy hơi, bàn tay và bàn chân lạnh, khó ngủ, mệt mỏi, rụng tóc, nhức đầu, ham muốn tình dục thấp, thay đổi tâm trạng, trầm cảm hoặc lo lắng, giảm trí nhớ, vú sưng hoặc mềm, phát triển nhiều khối u không phải ung thư ở ngực, u xơ tử cung...
Nồng độ estrogen cao có liên quan tới đột quỵ và bệnh tim mạch.
Đối với nam giới, các triệu chứng của estrogen cao có thể bao gồm: rối loạn chức năng cương dương, nữ hóa tuyến vú, vô sinh...
Biến chứng của estrogen cao
Nồng độ estrogen cao có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số vấn đề về sức khỏe, bao gồm: các bệnh tuyến giáp, hình thành các cục máu đông, gây đau tim, đột quỵ, ung thư vú, ung thư buồng trứng.
Một số nghiên cứu cho thấy, những người đàn ông có nồng độ estrogen cao có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn. Một nghiên cứu trong năm nay (2018) ở Mỹ trên 4.000 người nam giới trưởng thành tham gia cũng đã khẳng định mối liên quan giữa nồng độ estradiol (một dạng estrogen) tăng lên và các triệu chứng trầm cảm.
Nguyên nhân của estrogen cao
Sự mất cân bằng nội tiết tố ở cả hai giới.
Do cơ thể chỉ có thể tạo ra lượng estrogen cao hoặc nó tạo ra hàm lượng estrogen cao và mức độ thấp của một loại hormon khác, chẳng hạn như testosteron hoặc progesteron.
Nồng độ estrogen cũng có thể tăng theo phản ứng với thuốc. Ví dụ, những người dùng liệu pháp thay thế estrogen, một điều trị cho các triệu chứng mãn kinh, có thể gặp tác dụng phụ là estrogen cao.
Các loại thuốc khác có thể làm tăng nồng độ estrogen bao gồm: thuốc tránh thai nội tiết tố, một số kháng sinh, một số biện pháp thảo dược hoặc tự nhiên bổ sung, phenothiazin - thuốc điều trị một số rối loạn tâm thần hoặc cảm xúc.
Chữa trị trường hợp estrogen cao
Ăn một số loại thực phẩm có thể làm giảm nồng độ estrogen của cơ thể. Chẳng hạn như bông cải xanh, bắp cải, súp lơ, cải xoăn, các loại nấm, nho đỏ, hạt lanh, các loại ngũ cốc. Ngoài ra, giảm cân có thể giúp làm giảm nồng độ estrogen ở những người thừa cân hoặc béo phì. Điều này là do các tế bào mỡ tạo ra thêm estrogen.
Nếu nguyên nhân là do thuốc gây ra nồng độ estrogen cao, bác sĩ có thể đề nghị dùng liều thấp hơn hoặc chọn phương pháp điều trị thay thế. Nếu liệu pháp thay thế hormon gây ra các triệu chứng estrogen cao, có thể trao đổi với bác sĩ để thay đổi phương pháp điều trị. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc làm giảm nồng độ estrogen.
Ở phụ nữ có nguy cơ ung thư vú hoặc buồng trứng cao, có thể phải phẫu thuật để loại bỏ buồng trứng. Mục đích là để giảm lượng estrogen mà cơ thể sản sinh ra.
Lời khuyên của thầy thuốc
Estrogen là hormon sinh dục nữ chính, nhưng nó có mặt ở cả nam và nữ. Nồng độ estrogen cao có thể gây ra nhiều triệu chứng và có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe, bao gồm ung thư. Do vậy, bất cứ ai gặp các triệu chứng kể trên hay nghi ngờ có estrogen cao nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được làm các xét nghiệm chuẩn xác và có biện pháp chữa trị phù hợp tránh các biến chứng nguy hiểm.