Hà Nội

EPIC hỗ trợ Việt Nam hướng tới chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030

05-09-2022 14:24 | Y tế

SKĐS – Long An và Bà Rịa- Vũng Tàu là 2 trong 6 tỉnh/thành phố có sự hỗ trợ của dự án EPIC, ưu tiên các hoạt động nhằm hướng tới chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

K=K giúp giảm lây nhiễm và kỳ thị liên quan đến HIVK=K giúp giảm lây nhiễm và kỳ thị liên quan đến HIV

SKĐS - K=K là ‘Không phát hiện = Không lây truyền’, nghĩa là khi một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/mL máu) sẽ không còn khả năng lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục…

1 .EPIC hỗ trợ kiểm soát dịch HIV/AIDS ở các tỉnh ưu tiên

Dự án EPIC (Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam) là thỏa thuận hợp tác 5 năm (2020-2024), giữa Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) và Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Bộ Y tế Việt Nam trong khuôn khổ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR).

Dự án hỗ trợ Việt Nam đạt được sự kiểm soát dịch bệnh ở 6 tỉnh ưu tiên được lựa chọn vào năm 2020; tăng cường năng lực của Bộ Y tế/ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để duy trì và mở rộng các dịch vụ phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV có chất lượng cho người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV/ đối tượng chủ chốt (KP) thông qua hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp (DSD), đặc biệt là ưu tiên tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm cả giới thiệu và nhân rộng các sáng kiến, mô hình và công nghệ mới; phát triển và duy trì mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS ở cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh…

photo-1660026149143

Xét nghiệm HIV sẽ giúp bệnh nhân được đưa vào điều trị sớm.

Trong giai đoạn 2020 - 2024, dự án EPIC hỗ trợ Việt Nam:

  • Xây dựng/áp dụng và triển khai các mô hình, hoạt động đổi mới (về dự phòng HIV, xét nghiệm HIV…) nhằm đạt được các mục tiêu 90-90-95 ở 6 tỉnh ưu tiên được lựa chọn (Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu);
  • Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị điều trị nhiễm HIV/AIDS thông qua việc xây dựng/áp dụng và mở rộng các mô hình, hoạt động đổi mới có liên quan đến điều trị nhiễm HIV/AIDS;
  • Tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát trong phòng, chống HIV/AIDS và sử dụng dữ liệu HIV/AIDS của Việt Nam;
  • Thể chế hóa và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến.
Mục tiêu chung của EPIC là hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhằm đạt được mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư nói chung dưới 0.3%; đạt được mục tiêu 90-90-90 và hướng tới cơ bản chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

2. Hướng tới can thiệp nhóm đối tượng đích

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An và Bà Rịa- Vũng Tàu cho thấy, lây nhiễm HIV trong những năm gần đây chủ yếu là qua đường tình dục và chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Cụ thể, tại Long An tỷ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn năm 2018 là 63,7% và năm 2021 tăng lên tới 94,7%. Số người nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng mạnh, từ 16,2% (năm 2018) lên 69,9% (năm 2021). Riêng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, số người nhiễm HIV trong MSM được phát hiện là 67,9%.

Tại Bà Rịa -Vũng Tàu, lây truyền HIV qua đường tình dục chiếm 79,9%. Tỉ lệ người nhiễm HIV là nam giới (75,7%) cao hơn nữ giới (24,3%). Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), tỉ lệ nhiễm HIV có chiều hướng tăng mạnh từ 2,2% (năm 2012) lên 16,5 % (năm 2018).

Do đó, nhờ được ưu tiên triển khai dự án EPIC từ năm 2018, cả hai tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy mạnh được các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, kiểm soát tốt lây nhiễm HIV trong cộng đồng, đặc biệt trong nhóm MSM:

  • Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS;
  • Tích cực tìm ca nhiễm HIV mới trong cộng đồng để đưa vào điều trị ARV (thuốc kháng virus) ngay;
  • Tư vấn xét nghiệm HIV sớm, mở rộng điều trị ARV, điều trị PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV) và tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp, giảm hại…

3. Phấn đấu đạt mục tiêu lên 95-95-95

Đối với việc thực hiện mục tiêu 90-90-95, ước tính đến tháng 6/2022, Long An đã đạt 88,4-91,9-98,3 (88,4% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh; 91,9% bệnh nhân hiện đang được điều trị ARV và 98,3% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-95 đã đạt được đến 30/6 là 95-88-98.

Để đạt được các chỉ số trên, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng cường các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Hoạt động truyền thông được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh trong đó truyền thông nhiều nhất là nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các nhóm đối tượng nguy cơ cao (nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV và bạn tình của các nhóm này). Bên cạnh đó là các hoạt động tư vấn xét nghiệm, chuyển gửi, điều trị dự phòng phơi nhiễm cũng được đẩy mạnh...

photo-1660026154059

Phát miễn phí bao cao su và chất bôi trơn cho khách hàng tại Trung tâm Y tế Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Ảnh: TH

Tại Long An hiện cũng đang hướng về mục tiêu 95-95-95 và kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, ThS Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Long An cho biết, cần tập trung vào những giải pháp chính như:

  • Phát hiện ra người nhiễm HIV mới và điều trị sớm để giúp họ đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, ngăn ngừa lây nhiễm HIV ra cộng đồng.
  • Mở rộng hệ thống điều trị ARV…
  • Giảm kỳ thị trong cộng đồng với người nhiễm HIV nói chung và nhóm MSM nói riêng…

Với sự hỗ trợ của dự án EPIC đã giúp cho các tỉnh xây dựng kế hoạch, phân tích các vấn đề ưu tiên, đặt mục tiêu rất cụ thể để đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia, kết thúc dịch bệnh AIDS.

Tuy nhiên, để dự án EPIC đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, ThS Nguyễn Ngọc Linh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An đề xuất, dự án tiếp tục hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV và xét nghiệm tải lượng HIV qua BHYT; mở rộng hỗ trợ theo hiệu suất cho 100% OPC (Phòng khám ngoại trú) trên địa bàn; xem xét đấu thầu, mua sắm tập trung tại dự án EPIC trung ương và phân phối về tỉnh sử dụng…

Long An mong muốn được dự án EPIC tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong thời gian tới để tỉnh có thể mở rộng đối tượng hưởng lợi, hỗ trợ cho những người chưa thuộc đối tượng trong dự án, đồng thời để các đơn vị có hoạt động điều trị đều được hỗ trợ nhằm tăng hiệu quả hoạt động điều trị HIV và giảm thiểu số người nhiễm HIV trên địa bàn.

Mời độc giả xem thêm video:

Sai lầm: Ăn khoai lang thay cơm để giảm cân | SKĐS

Thu Hương
Ý kiến của bạn