Chỉ vì 2 cuốn sách Trạng Quỳnh mà nhân viên siêu thị có hành động hạ nhục cô bé để bây giờ cháu sợ hãi không dám đi học.. 1. Mấy ngày qua, trên mạng lan truyền bức ảnh một nữ sinh cấp 2, bị buộc tay vào lan can siêu thị, trên cổ em treo tấm biển: "Tôi là người ăn trộm".
Sự việc xảy ra ngày 10/4, tại một siêu thị tại thị trấn Chư Sê (Chư Sê, Gia Lai). Sau khi sự việc diễn ra, đại diện trường THCS địa phương, nơi nữ sinh này học tập có bày tỏ sự bất bình tới truyền thông.
Theo nhà trường, chiều ngày 10/4, nữ sinh tên S cùng một bạn học vào một siêu thị ở thị trấn Chư Sê để mua giấy kiểm tra. Em S có mang theo tiền song tiền em để trong cặp và đã gửi lại quầy nhân viên.
Khi đến quầy giấy kiểm tra thì giấy đã hết, em S đi ra xem sách. Em có tìm được hai cuốn truyện yêu thích về Trạng Quỳnh là "Trạng Quỳnh- Sư bảo mẫu" và "Trạng Quỳnh- Ngọc Người" (Giá mỗi cuốn 10 ngàn đồng). Theo thông tin từ phía nhà trường, em đã cầm hai cuốn sách và định cầm ra trả tiền.
Tuy nhiên, khi em ra đến cầu thang của siêu thị, em đã bị bảo vệ chặn lại và báo trộm. Kế đó, nhiều người xúm vào và trói 2 tay em ở lan can cầu thang (nơi đông người qua lại) và đeo vào cổ em tấm biển "Tôi là người ăn trộm".
Sau đó, em cũng được người nhà tới trả tiền siêu thị để đưa về. Nhưng kể từ đấy, em đã không dám đến trường mà chỉ ở nhà khóc vì tủi hổ...
2. Giả dụ tình huống xấu nhất rằng sự thật là em cố tình "ăn cắp sách"?! Hành động ăn cắp là điều không thể dung túng cho dù đây là hành động ăn cắp hi hữu trong bối cảnh văn hóa đọc Việt Nam bây giờ. Tuy nhiên, em học sinh ấy còn nhỏ, nên có cách dạy bảo để em sớm nhận ra sai lầm mà sau này không tái phạm. Không nên vì thế mà cướp đi tương lai của cô bé bằng một vết thương không thể xóa mờ.
Sự việc này làm tôi nhớ về "vụ án" ăn cắp bánh mỳ của Jean van Jean cách đây hơn 1 thế kỷ trong truyện Những người khốn khổ của văn hào Victor Hugo.
Người nông dân Jean van Jean đã bị lưu đày 19 năm do ăn cắp một mẩu bánh mì. Điều này khiến Jean van Jean không sao trở lại cuộc sống bình thường khi bị hắt hủi và hồ nghi ở khắp mọi nơi. Ngay cả khi anh nhận được sự cảm hóa và đổi đời (đổi tên họ và cả địa vị xã hội) nhờ sự từ tâm của Giám mục Myriel, anh vẫn không thoát khỏi những truy đuổi gắt gao của thanh tra Javert. Bởi dù động cơ phạm tội và nội tình vụ viêc như thế nào, thì tì vết "có tội" mãi đeo bám Jean van Jean...
3. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng sau này được chuyển thể thành phim nhiều lần song có lẽ, bản thành công nhất là bản phim dạng nhạc kịch do Tom Hooper đạo diễn vừa ra rạp cuối 2012, đầu năm 2013 vừa qua.
Và những ai xem bộ phim rồi chứng kiến bức hình ở Chư Sê vừa rồi, tiếng vọng khắc khoải từ những giai điệu trong phim sẽ lại là nỗi ám ảnh một thời gian dài dài.
Bởi tấm biển "Tôi là người ăn trộm" ở siêu thị tại Chư Sê chẳng khác gì lời ca Javert - đại diện cho dư luận xã hội bấy giờ- vang vang “Ngươi mãi là 24601” (số tù nhân của Jean van Jean). Và sẽ chẳng lạ nếu định danh "người ăn trộm" sẽ còn đeo bám phần đời còn lại cô bé học sinh cấp 2.
Việc đói ăn tới mức "sinh đạo tặc" của những người khốn khổ trong xã hội Pháp hơn 100 năm trước cũng khiến nhiều người Việt chạnh lòng khi nghĩ về những em bé nghèo đang "đói" những "món ăn tinh thần" trong xã hội mình.
Và cách hành xử mà người ta ứng dụng với em, khiến tôi nghĩ đến một cơn đói khác đang hành hạ nhiều người: Đói tình người!