Ép người lao động trực Tết có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng

01-02-2024 06:06 | Xã hội

SKĐS – Theo Luật sư Hoàng Thị Hương Giang, hành vi ép buộc người lao động trực Tết mà không được sự đồng ý của người lao động, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 50 triệu đồng.

Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Thị Hương Giang, Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, theo quy định tại khoản 1 Điều 112, Bộ Luật lao động năm 2019,  người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương đối với 5 ngày Tết Âm lịch.

Hiện nay, pháp luật không quy định bắt buộc người lao động phải trực Tết. Tuy nhiên, theo Điều 108, Bộ Luật lao động, người lao động không được từ chối khi người sử dụng lao động yêu cầu họ làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật này. 

Đó là các trường hợp sau đây: Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

"Đối với các trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động trực Tết (không thuộc các trường hợp đặc biệt không được từ chối theo quy định tại Điều 108 Bộ luật lao động), thì phải được sự đồng ý của người lao động và phải đảm bảo các điều kiện khác theo quy định tại Điều 107, Bộ Luật lao động", Luật sư Hoàng Thị Hương Giang cho hay.

Ép người lao động trực Tết có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng- Ảnh 1.

Ép người lao động trực Tết có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng. Ảnh minh họa.

Về cách tính tiền lương trực Tết, luật sư Giang cho biết, theo quy định tại Điều 98, Bộ Luật lao động thì nếu đi làm vào ban ngày, người lao động được hưởng ít nhất 300% lương của ngày làm việc bình thường. Tiền này chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Còn nếu đi làm vào ban đêm, ngoài mức lương ít nhất bằng 300% lương của ngày làm việc bình thường, người lao động còn được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. 

Ngoài ra, sẽ được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương, hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường, hoặc của ngày nghỉ hằng tuần, hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.

"Nếu người sử dụng lao động ép buộc người lao động trực Tết mà không được sự đồng ý của người lao động, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 18, Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Cụ thể phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối cá nhân; 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật lao động", ThS.LS Hoàng Thị Hương Giang thông tin.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Sáng 29/1: Người dân bàng hoàng phát hiện 1 bộ xương trong rừng Tràm ở Tiền Giang.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn