Liệt toàn thân sau tai nạn
Anh Nguyễn Đình Toanh, 40 tuổi, ở thôn 7, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng đang điều trị tại Khoa Điều trị cột sống ít xâm lấn, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội). Dù đã tỉnh táo sau khi được cấp cứu kịp thời, anh Toanh vẫn đang nằm bất động, toàn thân không cử động được. Anh bảo, giờ duy nhất cánh tay phải là có thể giơ lên xuống được nhưng cũng chẳng thể cầm nắm, mất cảm giác. Mỗi khi đêm đến là toàn thân anh đau đớn, không thể ngủ được.
Hơn nửa năm trôi qua, anh Toanh vẫn phải điều trị tích cực. Theo lời kể của gia đình, tai nạn ập đến với anh Toanh vào đầu tháng 10/2022. Lúc đó, anh đang làm việc tại một xưởng sản xuất bê tông trên đảo Quan Lạn (Quảng Ninh). Chiếc máy trộn bê tông đang hoạt động gặp sự cố đã bất ngờ cuốn tay anh theo băng truyền vào trong rồi lại hất văng xuống đất. Vụ tai nạn lao động đã khiến anh bị đa chấn thương. Anh bị gãy cổ, gãy xương cánh tay trái, trầy xước khắp người.
Địa điểm xảy ra tai nạn ở xa đất liền. Mọi người đã rất vất vả để đưa được anh Toanh vào bờ cấp cứu. Sau khi được cấp cứu ở Bệnh viện Vân Đồn, anh Toanh được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh rồi lên Bệnh viện Việt Đức ngay trong đêm. Từ đó đến giờ, anh đã phải chuyển nhiều bệnh viện khác nhau để điều trị.
Kể từ ngày chồng bị tai nạn, vợ anh là Nguyễn Thị Như Quỳnh (35 tuổi) phải nghỉ việc đi chăm sóc. Ngồi bên cạnh giường bệnh, đôi tay xoa bóp tay, chân cho chồng mà nước mắt chị lưng tròng khi nhắc lại hành trình đau đớn để giành giật sự sống cho anh Toanh.
"Hơn 6 tháng qua, cứu được anh ấy khỏi "cửa tử" cũng là một sự kì diệu. Những ngày đầu, anh bị nhiễm trùng máu, phải truyền hơn 10 lít máu. Nằm lâu ngày, anh lại bị hoại tử vòng thắt lưng. Các bác sĩ phải chuyển chồng tôi sang Viện Bỏng Quốc gia để phẫu thuật lấy da vùng mông tái tạo, khâu gần 100 mũi vào chỗ đó. Đến giờ toàn thân chồng tôi gần như cũng chưa cử động được" – chị Quỳnh nghẹn ngào kể.
Từ một người đàn ông khỏe mạnh, cao lớn, anh Toanh ngày càng gầy, chỉ còn da bọc xương. Hiện anh đang điều trị tích cực tình trạng tràn dịch tủy sống. Phải nằm liệt giường, đôi chân lâu không cử động được nên teo tóp dần. Những cơn đau hành hạ hằng đêm cùng nỗi lo về chi phí điều trị khiến anh Toanh chẳng có giấc ngủ ngon.
Chị Quỳnh lấy tay lau những giọt nước mắt đau đớn cho biết, đã có lần anh Toanh nghĩ quẩn chỉ vì không muốn mình thành gánh nặng của người thân. Nằm một chỗ, anh thương bản thân một thì thương bố mẹ, vợ con gấp mười lần. Tuy nhiên, nghĩ đến sự kì diệu mà mình thoát khỏi cửa tử và bao nhiêu công sức, tiền bạc của mọi người ròng rã suốt thời gian qua, anh lại lạc quan hơn. Anh mong mỏi mình sớm bình phục để về lo cho các con.
Nói đên đây, chị Quỳnh bỗng nghẹn lại. Phải mất rất lâu chị mới tiếp lời. Chị bảo, chị lo sẽ không mang lại được niềm hi vọng đấy cho chồng vì hiện giờ gia đình đã rơi vào bế tắc.
Con cái phải nghỉ học giữa chừng
Từ ngày anh Toanh bị tai nạn lao động, chị Quỳnh phải nghỉ việc đi theo chăm sóc. Người phụ nữ ấy một mình cáng đáng xoay sở chăm chồng, một mình đưa chồng đi khắp các viện. Từ việc lo thuốc thang, ăn uống đến lau người, vệ sinh cá nhân, thay bỉm… cho chồng cũng một mình chị.
Vừa tất tả ngược xuôi lo giấy tờ, chị lại lo chạy vạy vay mượn tiền bạc để điều trị cho chồng. Hóa đơn viện phí mỗi lúc một dày. Chị Quỳnh ghi lại cẩn thận từng khoản chi phí thuốc men, phẫu thuật, ăn uống, đi lại... Suốt hơn 6 tháng qua, số tiền lo chạy chữa cho chồng đã hết hơn 600 triệu đồng. Tuy có BHYT hỗ trợ một phần nhưng các khoản thuốc ngoài lại vô cùng tốn. Chị Quỳnh cũng chẳng dám tiêu pha gì. Ở viện, để tiết kiệm tối đa, chị xin các suất cơm từ thiện để sống qua ngày.
Gia đình anh chị vốn đã khó khăn, biến cố bất ngờ ập đến càng thêm lao đao. Mấy năm trước, anh trai của anh Toanh mất vì bị lật máy lồng ngoài ruộng. Bố mẹ già mới gắng gượng lại chưa được bao lâu thì anh Toanh lại bị tai nạn lao động.
Bố mẹ anh Toanh đã già yếu. Mẹ anh mắt hỏng. Dù vậy ông bà vẫn phải ngược xuôi vay mượn, cậy nhờ mọi người giúp đỡ. Ông bà phải bán đứt 2 sào ruộng ở quê để lấy tiền cứu con trai. Vì không có tiền đóng học nên con gái lớn của anh Toanh (sinh năm 2008) phải bỏ học giữa chừng, con trai 3 tuổi phải gửi cho ông bà ngoại ở Sài Gòn nuôi nấng.
"Dù rất thương nhớ con nhưng vì quá khó khăn mà vợ chồng tôi đành chấp nhận làm vậy. Xa các con, hằng ngày, tôi chỉ biết gọi qua mạng để nhìn con. Vậy mà con giờ con không nhận ra mặt bố mẹ và lại gọi ông bà ngoại là bố mẹ", chị Quỳnh lau nước mắt.
Theo như chị Quỳnh kể, về phía công ty sản xuất bê tông có hỗ trợ cho gia đình được hơn 100 triệu đồng để chạy chữa cho anh Toanh. Tuy vậy, công ty bảo giờ khó khăn nên cũng chưa có tiền chuyển như đã hứa.
Hiện chị Quỳnh và gia đình đang rất lo lắng khi các khoản tiền hỗ trợ, vay mượn đã hết sạch. Trong khi đó, để điều trị anh Toanh cần mất nhiều thời gian. Anh có thể đối diện nguy cơ nằm liệt nếu như không được điều trị. Người phụ nữ nghèo ấy thống thiết cầu xin: "Xin mọi người hãy mở lòng cứu giúp để chồng tôi có cơ hội khỏe lại. Ơn này tôi xin ghi lòng tạc dạ!".
Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Toanh - Mã số 840 xin gửi về:
1. Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh ở thôn 7, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.
2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.suckhoedoisong.vn. Đề gửi: Mã số 840
3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Sức khỏe và Đời sống. Địa chỉ 138A Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đề gửi: Mã số 840
Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/0793.247.289
4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 113.000.000.282.
5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 061.100.191.1287.
Đề gửi Mã Số 840
Xúc động siêu thị 0 đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn