Hà Nội

Empagliflozin làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở người bệnh suy tim

11-09-2020 15:52 | Y học 360
google news

SKĐS - Empagliflozin không chỉ có khả năng làm giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do nguyên nhân tim mạch mà còn giúp bảo vệ chức năng thận ở người bệnh bị suy tim có phân suất tống máu giảm. Đó là kết quả của thử nghiệm EMPEROR-Reduce vừa được trình bày tại Hội nghị ESC 2020, cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu.

Giảm tỷ lệ nhập viện, tử vong do suy tim và bảo vệ thận

Trong nghiên cứu EMPEROR-Reduced, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá tính an toàn và hiệu quả của Empagliflozin cho người bệnh trưởng thành bị suy tim mạn tính có phân suất tống máu giảm. Theo đó, 3.730 người tham gia được chia thành 2 nhóm, nhóm thứ nhất dùng 10mg Empagliflozin 1 lần/ngày, trong khi đó nhóm còn lại được cho dùng giả dược, cả hai nhóm đều đang được điều trị chuẩn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chất ức chế SGLT2Empagliflozin có hiệu quả làm giảm tử vong do tim mạch và nhập viện vì suy tim ở những người có hoặc không có đái tháo đường type 2 và bị suy tim có phân suất tống máu giảm.

Cụ thể, Empagliflozin làm giảm 25% nguy cơ tử vong do nguyên nhân tim mạch và nhập viện vì suy tim. Empagliflozin cũng làm giảm đáng kể 30% nguy cơ nhập viện lần đầu và tái nhập viện vì suy tim, đồng thời làm giảm 50% các biến cố về thận. Kết quả này nhất quán ở các phân nhóm có và không có đái tháo đường type 2.

Các chuyên gia đồng thuận đánh giá, thành công đạt được từ nghiên cứu EMPEROR-Reduced mang đến thêm một bước đột phá về khoa học đáng chú ý trong điều trị bệnh suy tim giảm phân suất tống máu, nhờ đó có thể giảm nguy cơ nhập viện do suy tim hoặc tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận đưa Empagliflozin vào nhóm phê duyệt nhanh (Fast Track) để giảm nguy cơ tử vong do tim mạch và nhập viện vì suy tim ở những người bệnh suy tim có phân suất tống máu giảm.

Mối nguy hiểm từ suy tim

Các chuyên gia nhận định, mặc dù ung thư là nỗi lo thường trực của đại đa số nhưng thực tế tiên lượng của suy tim nặng hơn rất nhiều so với các bệnh lý ác tính, trừ một vài ngoại lệ như ung thư phổi. Theo ước tính, có trên 50% người bệnh sẽ tử vong trong vòng 5 năm sau khi được chẩn đoán suy tim, con số này còn cao hơn cả ung thư.

Căn bệnh này đang ảnh hưởng đến hơn 60 triệu người trên toàn thế giới, với hơn 1 triệu người phải nhập viện mỗi năm (ở Mỹ và châu Âu). Tuy chưa có số liệu chính thức nhưng ước tính ở nước ta có khoảng 320.000 - 1,6 triệu người mắc suy tim. Dự báo, số lượng người bệnh sẽ còn tiếp tục gia tăng cùng sự già hóa dân số, quá trình đô thị hóa và sự thay đổi trong chế độ sinh hoạt gây nhiều gánh nặng về mặt kinh tế, y tế… trong quá trình xử lý bệnh.

Nếu như ở các nước khác, suy tim là hậu quả cuối cùng của một loạt bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý mạch vành, người bệnh thường kèm theo bệnh phức tạp khác như COPD, thì ở nước ta lại có thêm một đặc điểm nữa là có các bệnh lý lây nhiễm, bệnh van tim do thấp...

Chính vì vậy, độ tuổi suy tim ở các nước Đông Nam Á hiện nay có xu hướng thấp hơn các nước phát triển như Mỹ nhưng có đặc điểm lâm sàng nặng hơn, tỷ lệ thở máy cao và thời gian nằm viện dài, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc điều trị suy tim chậm trễ là do các triệu chứng của căn bệnh này dễ nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác. Hai dấu hiệu điển hình nhất của suy tim là khó thở và mệt mỏi. Bởi khi tim không hoạt động hiệu quả thì nó không bơm đủ máu đi khắp cơ thể, dẫn đến tình trạng ứ trệ dòng máu cũng như dịch trong cơ thể khiến lượng máu ứ lại ở phổi. Đó là lý do người bệnh sẽ có cảm giác rất khó thở, tương tự như bị chết đuối trên cạn.

Ngoài ra, người bệnh đôi khi còn than phiền với bác sĩ về cảm giác tức nặng ở ngực, phù và nặng ở chi dưới, ho dai dẳng hoặc thở khò khè, nhịp tim tăng. Đây đều là những dấu hiệu chủ động để nghĩ đến suy tim.

Với suy tim phải điều trị tối ưu ở mọi khía cạnh, không chỉ giảm nguy cơ nhập viện và tái nhập viện, giảm tỷ lệ tử vong mà còn phải nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi bị suy tim, người bệnh bị hạn chế cả thể chất lẫn tinh thần, bị cảm giác khó chịu, đau đớn, ăn không ngon bủa vây, dẫn đến căng thẳng, lo âu.

Đó là chưa kể, căn bệnh này mang tính tàn phá nặng nề, khiến người bệnh suy giảm chức năng thận và phải nhập viện nhiều lần do biến chứng. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy, người suy tim tái nhập viện càng nhiều thì tuổi thọ sẽ ngày càng giảm sút. Các chuyên gia ước tính, trong vòng 1 năm sau khi nhập viện do suy tim thì có đến 1/3 người sẽ tử vong. Nếu bệnh nhân tái nhập viện 1 lần thì kỳ vọng sống trung bình có thể hơn 2 năm nhưng nếu tái nhập viện đến 4 lần thì thời gian này chỉ còn chưa đến 1 năm.

Chính vì vậy, với kết quả nghiên cứu EMPEROR-Reduced, các nhà khoa học kỳ vọng rằng Empagliflozin có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người thông qua việc làm thuyên giảm bệnh tim mạch và làm chậm sự tiến triển của tổn thương thận ở những người suy tim.

Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu tác động của empagliflozin tới người trưởng thành bị suy tim mạn tính có phân suất tống máu bảo tồn, cũng như những người mắc các bệnh lý tim mạch - thận - chuyển hóa khác.


Ý kiến của bạn