Hà Nội

Em trai Dương Chí Dũng nghiên cứu sách Phật trong tù

12-05-2014 19:00 | Thời sự
google news

Trong thời gian giam cứu, cựu Phó giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Dương Tự Trọng, em trai Dương Chí Dũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu sách về phật giáo.

Trong thời gian giam cứu, cựu Phó giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Dương Tự Trọng dành nhiều thời gian để nghiên cứu sách về phật giáo.

Theo dự kiến, ngày 22/5 tới, TAND Tối cao sẽ xét xử phúc thẩm ông Dương Tự Trọng và đồng phạm theo đơn kháng cáo của các bị cáo.

Trước đó, ông Dương Tự Trọng bị TAND TP Hà Nội tuyên 18 năm tù về tội: “Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài”.

Sau phiên tòa, bị cáo Dương Tự Trọng đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, tù, sách phật, nghiên cứu, phật giáo
Dương Tự Trọng trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 8/1 vừa qua

Ngày 8/5, luật sư Nguyễn Đình Hưng, người bào chữa cho ông Trọng đã vào trại tạm giam để tiếp xúc với thân chủ của mình.

Ông Hưng cho hay, tâm lý của ông Trọng khá bình tĩnh, thoải mái.

Qua bản tin phát thanh trong trại giam, ông Trọng đã biết anh trai mình bị cấp phúc thẩm tuyên y án tử hình.

Vừa gặp luật sư của mình, khi vị luật sư chưa kịp nói lời động viên ông Trọng thì đã nhận được sự động viên của chính thân chủ của mình.

“Chắc là anh buồn. Anh đừng buồn”, ông Trọng động viên luật sư Hưng khi hai người nói chuyện về Dương Chí Dũng.

Khi luật sư hỏi ông Trọng: “Biết tin chắc anh buồn?”, bị cáo này đáp: “Em xác định được rồi”.

Tâm sự với luật sư của mình, ông Trọng cho biết, điều ông lo sợ nhất là gia đình ông vì chuyện của anh trai mà suy sụp.

Cựu đại tá công an đã nhờ luật sư của mình động viên mọi người trong gia đình bình tĩnh, đồng thời nhắn nhủ anh trai làm đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

“Đối với bản thân mình, ông Trọng nhờ luật sư nhắn gia đình không phải lo lắng, sức khỏe của ông ấy vẫn rất tốt”, lời luật sư Hưng.

Đã có thời gian quen biết với ông Trọng trước khi cựu cán bộ công an này dính án, khi nhắc đến thân chủ của mình, có lúc vị luật sư đã phải dừng câu chuyện để nén cảm xúc.

Luật sư Hưng cho hay, ông Trọng thường nhắn gia đình gửi sách vào cho ông ta nghiên cứu. Đa phần là sách về phật giáo, về thiền và sách về Yoga.

Ông Trọng chia sẻ với luật sư của mình rằng, ở trong trại tạm giam, ông có điều kiện để ăn kiêng, tập thiền và Yoga, vì thế mà bệnh tật có phần thuyên giảm, sức khỏe được cải thiện.

“Điều mà bị cáo Trọng trăn trở nhất vẫn là gia đình, con cái. Ông ấy nhắn vợ chăm lo tốt cho con cái, đặc biệt là đứa con thứ hai. Ông nhờ luật sư nhắn vợ động viên con cố gắng học hành để thi vào Đại học Hàng hải”, luật sư Hưng nói.

Và cũng như anh trai, thời gian trong trại giam, ông Trọng cũng dành thời gian cho văn thơ.

Sẽ không còn thái độ “bất cần” ?

Ở phiên tòa sơ thẩm, được thẩm vấn tại tòa, ông Trọng thường xuyên lặp lại câu trả lời: “Tôi không biết, không nhớ” hoặc “Tôi không phủ định cũng không xác nhận”.

Về việc này, luật sư của ông Trọng cho biết, sở dĩ thân chủ của ông khai như vậy là do ông có gọi anh em và cấp dưới đến để bàn việc đưa anh trai bỏ trốn, tuy nhiên sau đó các bị cáo khác tự hiểu ý mà làm chứ ông Trọng không phân công chi tiết cho từng người.

Theo luật sư Nguyễn Đình Hưng, tại phiên tòa cấp phúc thẩm sắp tới, bị cáo Trọng sẽ nhận tội.

Đối với những hành vi chưa rõ, bị cáo Trọng mong HĐXX xem xét, đặc biệt là mối quan hệ của bị cáo với Đồng Xuân Phong - nguyên cán bộ Hải quan TP Hải Phòng, đối tượng đang bị truy nã.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trọng cũng phủ nhận quan hệ với Phong và cho rằng quy kết của VKS về mối quan hệ này không khách quan.

“Trong phiên tòa cấp phúc thẩm sắp tới, bị cáo Trọng cũng sẽ dành thời gian để biện minh cho các bị cáo khác. Việc làm của các bị cáo khác là không oan nhưng mong HĐXX lượng hình khi xem xét đúng người, đúng tội”, luật sư Hưng cho hay.

 


Ý kiến của bạn