Tin từ BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.C.T., 15 tuổi, ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng được tuyến trước chuyển đến BV vào lúc 11 giờ 52 phút ngày 8/8/2024 với tình trạng đau đầu, vết thương xuyên sọ vùng đỉnh chẩm phải còn dị vật.
Hình ảnh dị vật sắc nhọn trên phim chụp cắt lớp vi tính
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khoảng 8 giờ sáng ngày 8/8, bệnh nhân với em trai 10 tuổi chơi đùa, bất ngờ em trai cầm chiếc kéo gần đó ném xua đuổi mèo hoang không may mũi kéo phóng trúng vào đỉnh đầu, gia đình đưa bé gái đến BV tuyến dưới được xử trí cấp cứu và nhanh chóng chuyển viện lên tuyến trên.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính tại BVĐK Trung ương Cần Thơ cho thấy, bệnh nhân có dị vật cản quang xuyên sọ đỉnh phải.
Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và quyết định phẫu thuật cấp cứu, ê kíp phẫu thuật do các bác sĩ Ngoại Thần kinh thực hiện. Vết thương vùng đỉnh phải do mũi kéo đâm 0,5cm, bác sĩ tiến hành rạch da kéo dài hai bên vùng chẩm phải bộc lộ xương sọ thám sát thấy mũi kéo đâm vào xương sọ sâu 1,2cm, khoan gặm sọ xung quanh, lấy ra được mũi kéo, tiếp tục lấy ít máu tụ ngoài màng cứng, kiểm tra thấy màng cứng không bị rách, chỉ sây sát trên mặt màng cứng, đặt dẫn lưu vết mổ, khâu da 2 lớp. Phẫu thuật thành công sau 90 phút thực hiện.
Hiện nay, bệnh nhân tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, các chức năng thần kinh bình thường, vết mổ khô, dẫn lưu vết mổ ra ít dịch hồng, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại Thần kinh.
BS.CKII. Chương Chấn Phước - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết: May mắn trường hợp này mũi kéo không ghim quá sâu, chưa tổn thương đến nhu mô não, nên chức năng thần kinh của bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn, không để lại di chứng. Dự kiến bệnh nhân có thể xuất viện trong vài ngày tới.
BS Phước khuyến cáo đây là bài học kinh nghiệm cho gia đình, nhà trường trong việc quản lý con em sử dụng các vật dụng sắc nhọn, kể cả kéo thủ công.
Điều đặc biệt lưu ý là, khi bị các vật sắc nhọn đâm vào (dao, kéo, chìa khóa,...) không được tùy tiện rút vật xuyên thấu ra khỏi vết thương tại hiện trường tai nạn, ngay cả trong phòng cấp cứu, mà cần được đánh giá bằng chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X-Quang, chụp cắt lớp vi tính trước để có thể lường được mức độ tổn thương và các nguy cơ tai biến có thể xảy ra khi rút vật xuyên thấu và chỉ thực hiện lấy dị vật tại phòng mổ.
Lúc này, vật đâm đóng vai trò quan trọng trong trong việc ngăn chảy máu, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, băng ép vết thương xung quanh và cố định vật đâm tốt nhất có thể và chuyển đến cơ sở y tế tuyến chuyên khoa nhanh nhất để được xử trí kịp thời và đúng phương pháp.