Tôi tự hào cùng với tổ công tác của Bệnh viện Bạch Mai được đóng góp phần nhỏ bé công việc của mình
Chồng của Dung - một chiến sĩ công an và Tết này cũng xa gia đình vì nhiệm vụ.
Cô con gái 4 tuổi của 2 vợ chồng đành phải gửi về bà ngoại.
Dịp Tết cận kề, là người phụ nữ có một gia đình nhỏ, nỗi nhớ nhà, nhớ con lại càng da diết.
Ẩn sau nụ cười rạng rỡ kia, thoáng trong ánh mắt là điều gì đó bồn chồn, lo lắng và cả những giấc ngủ không yên.
Nếu rời Bệnh viện Dã chiến số 2 về Hà Nội lúc này, thực sự em chưa yên tâm, và rồi khi trở về em sẽ trải qua quãng thời gian cách ly theo quy định, quyết định ở lại bệnh viện lúc này em thấy mình có ý nghĩa– Dung bình thản nói.
PV: Chào Dung, ngày đầu tiên của năm mới Tân Sửu trôi qua như thế nào với bạn?
Trần Thị Dung: Lần đầu tiên đón năm mới Tân Sửu, xa gia đình, xa con thật sự đáng nhớ và nhiều kỷ niệm.
Virus SARS-CoV-2 đã làm thay đổi cách sống, cách nghĩ và nhờ có công nghệ, chúng tôi những người làm nghề Y cũng vơi đi nỗi buồn xa nhà phần nào.
Anh hỏi, cảm giác của chúng tôi ư? Đặc biệt với cả tôi và cũng là cảm xúc của cả đoàn.
Trước giao thừa 2 giờ, đoàn chúng tôi vẫn vào bệnh viện thăm khám bệnh nhân, rà soát lại toàn bộ các quy trình để có thể an tâm trong những ngày Tết, chúng tôi cùng nhắc nhở và động viên cán bộ ở lại trực cố gắng làm thật tốt, rồi gửi lời chúc năm mới đến bệnh nhân trong khu điều trị và từng cháu nhỏ.
Cả đoàn coi những bệnh nhân nhi hệt như con, cháu mình, chúng phải vào bệnh viện điều trị trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, xa lạ, không bố mẹ và không người thân.
Khi tối về nhờ chiếc điện thoại gửi lời yêu thương đến con gái và gia đình ở Hà Nội
Rời khỏi khu điều trị, cũng là gần điểm khoảnh khắc giao thừa, cả đoàn lại được cùng nhau nghe lời chúc giao thừa của Tổng bí thư, Chủ tịch nước và lời chúc của Bộ trưởng Y tế qua cầu truyền hình.
Rồi sáng ngày 1 Tết, như lịch trình làm việc quen thuộc những ngày trước đó, sau bữa sáng chúng tôi vào lại “chiến trường”.
Công việc cứ cuốn mình đi, khi tối về nhờ chiếc điện thoại gửi lời yêu thương đến con gái và gia đình ở Hà Nội.
Cả đoàn có mình là phụ nữ, nên cũng được các anh ưu tiên phần nào trong tất thảy công việc cũng như sinh hoạt.
Các anh trong đoàn có ngày, buổi tối về đến nhà khách, chỉ 1 cuộc điện thoại gấp là các anh bật dậy, lao ngay vào bệnh viện bất kể giờ giấc.
Ngày Dung về tăng cường cho Hải Dương, nhận được lệnh lên đường, cảm giác có bất ngờ không?
Sáng sớm ngày 28/1 hôm ấy, khi mà chồng đã vắng nhà vài ngày vì nhiệm vụ.
Chỉ hai mẹ con ở nhà, tôi nhận được lệnh lên đường đi công tác gấp rút, trong vội vàng, vội đánh thức con dậy, vệ sinh cá nhân cho con "nhanh hơn bình thường" (cười tươi) rồi đưa cháu đến trường để kịp giờ xuất phát cùng đoàn công tác của bệnh viện.
Quãng đường từ nhà đến bệnh viện hôm ấy như ngắn lại, phần vì tôi phóng xe nhanh trong vội vã lo đến kịp giờ đoàn xuất phát, cũng phần vì hàng chục câu hỏi quẩn quanh đầu lúc bấy giờ chưa tìm được câu trả lời, thông tin về tình hình dịch bệnh trong cộng đồng ra sao?
Rồi mình sẽ đi công tác bao lâu, ai đón con, gửi con ở đâu, con sẽ ngủ thế nào khi không có mẹ và càng lo hơn khi chồng tôi không thể rời khỏi đơn vị để về nhà….
Tôi hoang mang vô cùng khi mà chưa kịp chuẩn bị bất kỳ đồ đạc cá nhân cho chuyến đi...
Lên xe nghe thông báo của bệnh viện về tình hình dịch bệnh tôi cũng đã mường tượng ra 1 chuyến công tác dài đang ở phía trước.
Thật may mắn cho tôi khi mà nhà bố mẹ chỉ cách Hà Nội khoảng chừng 30 km, vợ chồng tôi quyết định nhờ ông bà ngoại mặc dù cuối năm bố mẹ tôi bộn bề công việc ra đón cháu về chăm sóc, đến lúc đó tôi mới yên tâm phần nào.
Trong đêm ngày 28/1, tôi được tạo điều kiện quay về Hà Nội thu xếp đồ dùng cá nhân chuẩn bị cho cuộc “trường kỳ kháng chiến” chưa biết ngày về.
Công việc hàng ngày ở bệnh viện cứ cuốn tôi đi...
Đến giờ này tôi vẫn nhớ cái cảm giác ấy, buồn và chút tủi thân!
Bản thân làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, trong hoàn cảnh tôi đã vào vùng dịch Chí Linh thời điểm đó, hơn ai hết tôi hiểu việc bảo vệ an toàn cho gia đình, người thân và đồng nghiệp là quan trọng nhất.
Về nhà trong đêm muộn, để đảm bảo an toàn tôi không dám gặp chồng mình dù nhà tôi ở cách đơn vị anh không xa, một mình sắp xếp đồ vào va ly, dọn dẹp qua nhà cửa cho gọn gàng, căn dặn chồng chuẩn bị đồ gửi về chăm sóc con rồi những việc gia đình phải chuẩn bị khi Tết đang đến gần… tất cả đều qua điện thoại.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình thực sự may mắn khi được người chồng động viên và chia sẻ, anh hiểu tính chất công việc của vợ mình, đây không phải chuyến công tác dài và đột xuất lần đầu của tôi.
Và anh cũng xác định có thể phải một thời gian khá dài nữa chúng tôi mới lại gặp nhau, tiếng thở dài và những khoảng im lặng trong suốt cuộc điện thoại rồi anh nói “em phải thật cẩn thận … về sớm ăn Tết với hai bố con…” khiến trái tim tôi như thắt lại.
Tôi hiểu anh đang bất an và rất lo lắng cho mình.
Sáng sớm hôm sau, tôi kéo vali đồ xuống trước cổng đơn vị anh để tạm biệt trước khi lên đường, đứng từ xa nhìn anh, trong tôi lúc đó rối ren cảm xúc vì chưa biết ngày gặp lại.
Trận chiến này sẽ rất khó khăn
Đầu tôi thoáng nghĩ có khi nào chuyến công tác dài sẽ khiến tôi không đón Tết ở nhà, vậy thì ai là người giúp ông bà hai bên sửa soạn sắm Tết? Vì nó vốn là trách nhiệm mỗi năm của tôi.
Rồi những ngày tới, chồng cũng chưa kết thúc nhiệm vụ ở đơn vị, ngôi nhà nhỏ không có ai, ngày Tết ông Công, ông Táo sẽ ra sao khi mà trước đó ngày rằm tháng Chạp tôi cũng còn chưa lo được chu toàn.
Trên đường quay lại Hải Dương, những câu hỏi ấy quẩn quanh trong đầu, tạo thành những cảm xúc đan xen lẫn lộn.
Tất cả đoàn công tác chúng tôi hiểu, trận chiến này sẽ rất khó khăn.
Cơ sở cần chúng tôi và khi dịch qua đi, chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ, và trở về.
Tôi chưa thể yên tâm nếu trở về Hà Nội lúc này.
Nếu chị đề xuất quay về sớm Hà Nội, lãnh đạo bệnh viện chắc sẽ không từ chối?
Trong buổi giao ban trước giao thừa để phân công, bố trí nhân lực của đoàn công tác, được sự chỉ đạo của lãnh đạo bệnh viện, tổ trưởng tổ công tác đồng ý với những nội dung đã thiết lập đầu mối và đảm bảo duy trì hoạt động hiệu quả, tôi có thể trở về Hà Nội.
Nhưng với trách nhiệm và thực tế tình hình công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện khiến tôi chưa thể yên tâm nếu trở về Hà Nội lúc này.
Bởi lẽ, Bệnh viện Dã chiến số 2 với nhân lực kiểm tra giám sát không phải chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn và hầu hết từ các viện khác sang hỗ trợ.
Vậy nên, nếu không trực tiếp điều hành, nắm bắt tình hình, những vấn đề tồn tại phát sinh trong thực tế hoạt động từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp thì tôi không thể chắc chắn rằng việc thiết lập hoạt động kiểm tra giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng chống dịch còn duy trì hiệu quả như mục đích vốn có hay không.
Hơn nữa, hàng ngày số lượng bệnh nhân chuyển đến điều trị tiếp tục tăng, Bệnh viện Dã chiến số 2 đang dần hoạt động hết các tòa nhà bao gồm cả khu vực hồi sức tích cực và cấp cứu trong khi nhân lực giám sát chỉ có hai người chạy đi, chạy lại.
Theo định kỳ thành viên đoàn công tác được lấy mẫu bệnh phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho cá nhân và bệnh viện
Đến hôm nay, sau ngày đầu tiên của năm mới, tôi tự hào cùng với tổ công tác của Bệnh viện Bạch Mai được đóng góp phần nhỏ bé công việc của mình vào quá trình điều trị người bệnh.
Hàng ngày, chúng tôi vẫn đang nỗ lực cao nhất để bệnh nhân sớm được ra viện, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng chống dịch được thực hiện nghiêm túc theo quy định, tất cả nhân viên y tế an toàn trong suốt thời gian chăm sóc điều trị bệnh nhân.
Công việc cứ cuốn ta đi nhưng còn cô con gái bé nhỏ 4 tuổi, những ngày Tết này thì sao?
Gửi cháu về ông bà, tôi cũng yên tâm phần nào, công việc một ngày bận rộn cuốn đi và như một thói quen cứ đến buổi tối ngày nào mẹ con tôi cũng trò chuyện qua video call.
Giọng nũng nịu, cháu luôn miệng hỏi: “Mẹ đang ở đâu thế, bao giờ mẹ về, mẹ đọc truyện cho con nghe đi, con ôm mẹ ngủ nhé…”.
Có những khi đang vui vẻ nói chuyện mẹ con, mặt cháu chững lại xong mếu máo khóc, dụi vào người bà ngoại, khi ấy tôi hiểu con bé nhớ mẹ vậy là con khóc, mẹ khóc lại không thể kìm nén được cảm xúc.
Những câu hỏi vô tư của cô con gái bé bỏng làm tôi nhớ con và nhớ gia đình mình da diết. Cuộc chiến này còn dài và tôi hiều bản thân hơn lúc nào hết cần cứng rắn những người thân trong gia đình và cả những anh em trong đoàn công tác thêm vững tin.
Tôi may mắn khi bên cạnh luôn có đồng nghiệp, gia đình
Tôi thường nói vui với con: “Mẹ đi Hải Dương bắt covid, phải bắt được covid giao cho các chú công an, xong rồi mẹ về với con nhé”.
Chỉ là vui thôi những cũng là sự thật, chỉ đến khi hết dịch chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ.
Khi cả tôi và chồng cùng công tác xa nhà vì nhiệm vụ đột xuất, không được bên con trong ngày sinh nhật cháu tròn 4 tuổi dù trước đó đã có rất nhiều dự định trong đầu.
Thứ cảm xúc không thể gọi tên chỉ biết cảm xúc ấy nhiều hơn nhiều lần của nỗi buồn và sự chống chếnh.
Nhưng tôi thực sự rất may mắn bới đến giờ khi đã có gia đình nhỏ, bố mẹ vẫn luôn bên cạnh, động viên và giúp đỡ tôi bất kể khi nào cần.
Ngày sinh nhật cháu, ông bà tổ chức hệt như bố mẹ cháu đã làm năm trước, với chiếc bánh sinh nhật và những món đồ chơi bạn ấy thích.
Ngắm con qua điện thoại, tiếng cười và ánh mắt lấp lánh niềm vui, tiếng con nói bi bô cũng giúp tôi nguôi ngoai đi phần nào.
Nếu không có đợt dịch lần này, được ở nhà, là người mẹ, người vợ, người con, chị có nhiều việc để làm?
Không chỉ tôi, mà tất cả những người phụ nữ trên đất nước này đều không muốn dịch bệnh xảy ra, đều không ai muốn xa gia đình trong những dịp lễ thiêng liêng.
Không chỉ cá nhân tôi mà ngành Y của chúng tôi, vì đặc thù công việc, trong đêm giao thừa, ngày lễ, Tết khi mọi người được nghỉ ngơi, chúng tôi vẫn làm việc.
Những ngày này, đồng nghiệp của chúng tôi tại BV Bạch Mai vẫn làm công việc thường nhật. Theo dõi sát từng chỉ số sinh tồn của người bệnh.
Lấy nụ cười của bệnh nhân làm niềm vui của mình.
Và còn rất, rất nhiều người phụ nữ đang căng sức trên khắp mặt trận chống dịch này, họ đang phải xa gia đình vì nhiệm vụ tuy gian nan nhưng rất cao cả.
Trân trọng cảm ơn chị