“Ðêm rất sâu con nằm mơ thấy Bác!”

19-05-2013 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Ngay khi bài thơ Đêm nhớ Bác của nhà thơ Trần Sĩ Tuấn được in trên báo Nhân dân ngày 17/5/2012, sau đó là trên các kênh thông tin khác, bài thơ đã nhận được rất nhiều tình cảm chân thành từ bạn đọc.

Ngay khi bài thơ Đêm nhớ Bác của nhà thơ Trần Sĩ Tuấn được in trên báo Nhân dân ngày 17/5/2012, sau đó là trên các kênh thông tin khác, bài thơ đã nhận được rất nhiều tình cảm chân thành từ bạn đọc. Phía sau bài thơ luôn tràn đầy những lời bình sâu sắc: ... “Trong giấc mơ bước chân Người rất khẽ. Sợ làm đau cây lúa quê nghèo. Những hạt lúa cũng mang hồn Đất nước”. Hay thật! Chỉ 3 câu thôi mà nói lên tất cả nhân cách vĩ đại của Bác. Cảm ơn tác giả đã cho đời một tác phẩm hay... ”Tháng Năm về, có lẽ con dân nước Việt nhiều người nhớ Bác. Nhưng nhớ Người với nỗi day dứt như Trần Sĩ Tuấn thì chỉ có thể thấy ở một tâm hồn thơ đầy nhân văn và trách nhiệm công dân”... Và ngay trong tháng 5 này, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha với những rung động bất ngờ khi bắt gặp những vần thơ hay về Bác đã viết ca khúc Đêm nhớ Bác dựa theo lời thơ của nhà thơ Trần Sĩ Tuấn.

“Ðêm rất sâu con nằm mơ thấy Bác!” 1
 Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.
Là một trong những người đầu tiên được nghe ca khúc Đêm nhớ Bác, tôi đã rất xúc động. Phần lời chan chứa, dung dị mà sâu lắng. Phần nhạc da diết, mãnh liệt mà lãng mạn. Cảm giác thật lạ! Tôi đã hỏi nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha về sự đồng cảm của ông với bài thơ. Ông nói: “Đây là một sáng tác mới của tôi về Bác. Bài hát Đêm nhớ Bác được tôi phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Trần Sĩ Tuấn. Khi đọc bài thơ, tôi thấy trào lên cảm hứng. Trong những bài hát ca ngợi Bác, tôi nhớ có một bài hát thiếu nhi mang tên Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ. Bài hát được viết sau khi Bác Hồ từ trần một thời gian. Ở bài hát này, nhạc sĩ đã dựng lên hình tượng Bác rất đẹp, rất viên mãn: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ - Râu Bác dài, tóc Bác bạc phơ”. Còn ở bài thơ Đêm nhớ Bác, tôi lại thấy người gặp Bác trong mơ khác với em thiếu nhi kia. Có thể em thiếu nhi hồi ấy, bây giờ đã có tuổi như nhà thơ Trần Sĩ Tuấn. Nhưng sự biến chuyển của thời gian đã làm cho giấc mơ không như xưa nữa. Nếu ở giấc mơ xưa, Bác Hồ là một hình ảnh tĩnh, chỉ có nụ cười đôn hậu. Còn ở giấc mơ hôm nay, Bác Hồ lại hiện lên rất động: Đêm rất sâu con nằm mơ thấy Bác/Quần áo nâu sồng như một lão nông/Sớm tinh mơ Người vác cuốc thăm đồng/Trò chuyện cùng người già, tay bế bồng con trẻ.

Không chỉ động mà ở Bác còn toát ra vẻ “ung dung tự tại” như bao thế hệ đã ca ngợi vì Bác là Người lãnh tụ rất hòa đồng cùng quần chúng, Bác còn bày tỏ rõ quan niệm “bất di bất dịch” của mình về nhân dân, quan niệm mà Bác đã từng chỉ dạy cho các “quan cách mạng” đồng sự với mình: Trong giấc mơ con thấy Người lặng lẽ/Giọt nước mắt rơi trên những cánh đồng/Với những người nghèo/Người không gọi “đám đông”.

Vì những thi ảnh tưởng cũ nhưng lại rất mới lạ này, tôi đã dành cho những câu thơ tình cảm da diết nhớ của mình với Bác, qua phần giai điệu đầy cảm xúc, gợi lên được một đêm nằm mơ của một người quan tâm thế sự.

- Nhạc sĩ đã gặp được bài thơ như thể một duyên lành?

- Vâng. Thật đúng là một duyên ngộ duyên lành. Hồi Tết vừa rồi, tôi được tặng một tờ báo Sức khỏe&Đời sống. Lật trang thơ, tôi thấy ngay bài thơ và lời bình của nhà thơ Vân Long bên cạnh. Đọc thơ, đọc lời bình bài thơ, tôi thấy đây là một bài thơ rất mới viết về Bác. Thay vì cho những lời ca ngợi Bác thường gặp ở những bài thơ trước, tôi thấy bài thơ có tầm vóc ở chỗ không chỉ ca ngợi Bác, nhà thơ còn chỉ ra những điều Bác còn ưu tư, còn băn khoăn, còn day dứt trước thời cuộc hiện nay. Không chỉ riêng Bác, mà tất cả những ai còn lương tri, những ai đã từng dâng hiến, hy sinh đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn cho dân tộc cũng đều có những tâm trạng như Bác. Chính bởi tâm trạng này, trong đoạn tiếp theo, tôi đã cho một nhịp điệu khác thay cho nhịp 2/4 của đoạn đầu, đó là nhịp 7/8 – nhịp độc đáo của dân ca xứ Nghệ quê hương Bác: Trong giấc mơ bước chân Người lặng lẽ/Sợ làm đau cây lúa quê nghèo/Những hạt lúa cũng mang hồn đất nước/Bão giông đã qua rồi.../Giông bão lại nhiều hơn!/Những hạt lúa mang trong mình nước mắt/Của cha rơi trên áo mẹ bạc sờn.

Đã chọn nhịp 7/8, nhưng nhịp 7/8 ở đây không phải là nhịp 7/8 khi Bác thuở ấu thơ đi nghe ví dặm trong Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác của An Thuyên mà nhịp 7/8 mới lạ đúng tâm trạng hôm nay của Bác ở cõi tâm linh. Tôi rất mừng khi đưa bài hát cho Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát đã được duyệt thu thanh với phần phối khí rất “văn minh” của nhạc sĩ Phan Kiên, đồng thời đã được thể hiện bằng giọng ca Trần Hồng Nhung – một giọng ca đoạt giải Sao Mai mà tôi rất thích. Dàn nhạc cũng đã thực hiện bản phối khí rất tình cảm dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Hà Mi – con trai nhạc sĩ Văn Hà – đạo diễn opera duy nhất ở Việt Nam. Nhạc trưởng đã dày công uốn nắn cách hát cho ca sĩ để thực hiện được đúng nhịp 7/8 – một nhịp mà nhiều ca sĩ hiện nay chưa hát được.

- Rồi bài hát này sẽ lan tỏa trên sóng phát thanh và được quần chúng đón đợi!

- Với cảm xúc chân thành của mình, tôi tin khi bài hát loang xa trên sóng phát thanh sẽ nhận được nhiều đồng cảm. Đối với tôi, đây lại thêm một lần tôi được thành thực tri ân với vị lãnh tụ vĩ đại mà tôi hằng yêu kính từ ngày ấu thơ. Tôi đã thuộc bao nhiêu bài hát ca ngợi Bác, những giai điệu đó không chỉ thôi thúc tôi suốt hành trình mà còn thấm vào tôi nhiều cảm xúc. Những giai điệu đã ngấm vào tôi, hướng tôi tới sự lương thiện, hướng tôi tới lối cảm xúc đầy chân – thiện – mỹ. Và cứ thế, những giai điệu về Bác đã hình thành trong thế giới mỹ cảm của tôi, luôn nhắc nhở tôi sống làm người lương thiện, biết căm thù những cái ác, những kẻ cơ hội, biết thương yêu những con người bình dị sẵn lòng dâng hiến và hy sinh cho lý tưởng cao đẹp mà Bác đã chọn cho dân tộc ta.

- Đây chắc không phải lần đầu ông sáng tác nhạc về Bác Hồ?

- Bác Hồ đã trở thành một đề tài sáng tạo của tôi rất tự nhiên, từ khi nào chẳng rõ. Tôi nhớ ngày Bác mất, khi ấy tôi đang học đại học tại nơi sơ tán ở Cẩm Khê – Phú Thọ. Lúc ấy, tôi chơi guitar và đã tập tọng sáng tác. Trong lễ vĩnh biệt Bác tại trường, tôi được mời vào chơi guitar trong ban nhạc nhà trường. Chiều đó, cả ban nhạc vừa chơi những bài ca về Bác, vừa khóc ròng. Sau đó, tôi có viết một bài hát về Bác. Bài hát cũng được các bạn hưởng ứng, nhưng khi gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam thì tuyệt không một hồi âm. Có lẽ vì kiến thức của tôi lúc đó còn quá hạn hẹp.

Khi xuyên Trường Sơn trong màu áo lính, tôi còn được đơn vị giao cho xây dựng đội tuyên truyền văn hóa phục vụ bộ đội và đồng bào nơi vừa giải phóng. Trong ca cảnh Đường dây – tiếng nói con đường, tôi đã viết một đoạn về Bác dành cho đơn ca giọng nam cao được nhiều người đồng cảm: “Bác thường dạy ta hãy vì miền Nam – Bác hằng ước mong một ngày thống nhất – sẽ về miền Nam đi thăm – Sẽ cùng đàn con yêu thương hát Kết Đoàn...”. Nhưng sau ngày thống nhất, nghe được quá nhiều bài hát hay về Bác, tôi thấy không tự tin nữa. Tôi chỉ cảm hứng viết được một bài hát thiếu nhi là Ông tiên Bác Hồ. Gần đây, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước từ Sài Gòn, tôi đã hưởng ứng cuộc thi bằng cách viết bài hát Nhịp ma-níp Bác Hồ. Bài hát cũng được trao giải thưởng. Vì vậy, tôi lấy lại được sự tự tin. Gặp bài thơ Đêm nhớ Bác của nhà thơ Trần Sĩ Tuấn, tôi coi như đó là một duyên ngộ cho tôi được thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ thành kính của mình với Bác Hồ.

“Ðêm rất sâu con nằm mơ thấy Bác!” 2

- Nghe tin ông đang có dự án với Nhà xuất bản Hội Nhà văn để cho ra một tuyển tập các bài hát về Bác Hồ. Những bài hát nhiều tác giả do ông tuyển chọn.

- Gần đây, tôi có tuyển chọn nhiều tập bài hát về Bác Hồ. Năm 2001 là tập Nắng Ba Đình do Nhà xuất bản Trẻ yêu cầu. Năm 2005, là tập Người là niềm tin tất thắng cho Nhà xuất bản Âm nhạc. Do vậy nên Nhà xuất bản Hội Nhà văn tiếp tục đặt tôi tuyển chọn một tập bài hát về Bác Hồ trong loạt sách về Bác Hồ với các ngành nghệ thuật. Cuốn sách dự định dày chừng 500 – 600 trang với khổ 16 x 20cm, tôi sẽ tuyển chọn không chỉ những bài hát về Bác đã nổi tiếng mà cố gắng tuyển chọn tới một số lượng cao nhất những bài hát về Bác với chất lượng chuyên môn đầy đủ, song do nhiều lý do chưa nổi tiếng. Tôi cũng không chỉ nhằm vào các tác giả chuyên nghiệp mà cả các tác giả không chuyên. Bởi vì Bác đâu có phải là độc quyền của riêng ai mà là của cả dân tộc, cả nhân loại. Vì thế, để làm được một tuyển tập như thế là rất dày công. Tôi cũng có ý định sẽ cùng nhà xuất bản tổ chức thật long trọng một đêm biểu diễn các bài hát ngợi ca Bác vào dịp 19/5/2015 với sự kiện ra mắt toàn bộ bộ sách mà nhà xuất bản đã làm trong nhiều năm qua. Thông qua đêm biểu diễn, sẽ thấy sự xuất hiện của các ngành nghệ thuật được loạt sách thực hiện.      

Làm tập sách vì việc chung, nhưng tôi cũng tự tin mà gửi vào đấy những bài hát của mình viết về Bác, trong đó có Đêm nhớ Bác tôi vừa viết xong. Không phải là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” mà là bày tỏ một lần nữa tấm lòng ngưỡng mộ chân thành của tôi trước Bác kính yêu – một cuộc đời lãnh tụ với bao thăng trầm, với bao éo le nhưng một lòng toàn tâm toàn ý vì độc lập tự do của đất nước, vì sự sống hạnh phúc ấm no của nhân dân.

- Xin cảm ơn ông!

Tuyết Lan (thực hiện).


Ý kiến của bạn