Ðem mùa xuân đến với những người bệnh

08-02-2024 10:59 | Y tế

SKĐS - Vội vã gửi lời chúc Tết đến người thân xong, các y, bác sĩ làm nhiệm vụ hồi sức tích cực, chống độc lại hối hả bước vào ca trực để giành giật sự sống cho người bệnh...

Món quà vô giá ngày Tết

Ngày giáp Tết, khắp phố phường rộn rã không khí chuẩn bị đón xuân, dòng người hối hả trở về sum họp với gia đình thì ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa (BVÐK) tỉnh Khánh Hòa vẫn vang lên tiếng tít tít của máy thở, máy theo dõi nhịp tim, máy đo các chỉ số sinh tồn của người bệnh... Ðây được ví như "nơi đầu sóng ngọn gió", nơi lằn ranh giữa sống và chết mong manh nhất. 90% bệnh nhân khi vào khoa đều chìm trong mê man, thở máy.

Trải qua hàng chục năm túc trực, hồi sinh bệnh nhân nặng trong những ngày Xuân, TS.BS. Nguyễn Lương Kỷ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVÐK tỉnh Khánh Hòa bộc bạch: "Bệnh tật không kiêng Tết. Vậy nên, bước qua cánh cửa phòng hồi sức tích cực, trong đầu mỗi thầy thuốc chỉ còn dòng ý nghĩ duy nhất "Hãy dốc hết tâm sức chạy đua với thời gian để cứu người". Ở đây, chỉ cần thiếu tập trung 1 phút là ảnh hưởng đến sự sống của bệnh nhân ngay, nên dường như không được mệt, không ai được phân tâm".

Như để tiết kiệm tối đa thời gian, chia sẻ chóng vánh xong, BS. Kỷ chỉ chúng tôi vào phòng hồi sức, ông cũng lao vào xử lý ca bệnh vừa có dấu hiệu ngừng tuần hoàn.

Cả căn phòng đặc biệt như chuyển sang trạng thái khác, tiếng y lệnh của bác sĩ, tiếng động viên nhau hãy "thần tốc" để giữ lại một sự sống vang lên. Giữa giàn máy móc, bác sĩ chỉ đạo lấy lại nhịp thở, điều dưỡng lo hỗ trợ truyền dịch, thuốc, điều dưỡng sẵn sàng chăm sóc, vỗ về khi bệnh nhân có dấu hiệu hồi tỉnh...

Ðem mùa xuân đến với những người bệnh- Ảnh 1.

TS.BS. Nguyễn Lương Kỷ (bên phải) cùng các y, bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng ngày giáp Tết. Ảnh: Đông Hưng.

Chứng kiến sự chăm sóc tận tình của điều dưỡng Nguyễn Thị Thế Vinh và nhiều nhân viên y tế khác, một số bệnh nhân khi vừa tỉnh, rưng rưng thổ lộ: "Thầy thuốc chăm sóc mình tận tình như ruột thịt vậy. Phòng Hồi sức hạn chế tối đa người nhà vào chăm nên mọi công việc đều cậy nhờ cả vào điều dưỡng. Họ không ngần ngại mà giúp bằng tất cả tình cảm và nhiệt huyết".

Toát mồ hôi sau nhiều tiếng đồng hồ bước chân không nghỉ để theo dõi từng nhịp thở người bệnh, điều dưỡng trưởng Huỳnh Ðức Hùng thở phào: "May quá, ngày nay không ai chuyển biến nguy kịch. Chỉ mong suốt các ngày Tết đều được như thế này. Ðây là nơi tập trung bệnh nhân nặng nhất, mỗi điều dưỡng phải túc trực, chăm sóc 4-5 bệnh nhân. Làm nghề y đã vất vả, thì làm ở khoa này vất vả gấp bội phần, vì người bệnh được chuyển vào đây hầu hết ở trạng thái đe dọa tính mạng. Có người đang thở oxy đó nhưng loáng cái lại chuyển biến xấu phải đưa vào thở máy, đặt nội khí quản. Bởi vậy, điều dưỡng cũng không được dời khỏi sự theo dõi bệnh nhân, dù 1 phút. Ngày Tết, có khi không phải ca trực nhưng khi nhiều bệnh nhân gặp sự cố, dù giữa đêm, chúng tôi cũng phải gác lại mọi niềm vui riêng, tức tốc vào phòng hồi sức ngay".

Hạnh phúc lớn nhất của các y, bác sĩ nơi ánh đèn không bao giờ tắt, tiếng máy thở không bao giờ dừng là khi đưa được một người ra khỏi "cửa tử", nhất là những ca bệnh trong thời khắc đặc biệt.

Một trong những trường hợp còn in đậm trong lòng y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVÐK tỉnh Khánh Hòa đó là ca bệnh người Raglai. Ðúng vào khoảnh khắc giao thừa, bệnh nhân này chuyển biến nặng, ngưng tim, các chỉ số tuần hoàn hầu như bằng 0. Ðang nghe dở lời chúc Tết trong giờ phút thiêng liêng từ lãnh đạo bệnh viện, tất cả y bác sĩ tập trung lao về Phòng Hồi sức tích cực với mệnh lệnh từ trái tim là phải cứu bằng được bệnh nhân ngay trong đêm giao thừa. Rất may, bệnh nhân đặc biệt ấy đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Khi đôi mắt của bệnh nhân này có thể mấp máy mở ra, trước mặt bà là những bước chân vội vã của y bác sĩ, những chiếc máy thở hoạt động hết công suất. Bà không tin nổi mình đã thoát "cửa tử". Cho đến khi đôi tay của bác sĩ, điều dưỡng đặt lên người bà vỗ về, động viên, bà mới thực sự tin mình còn sống.

"Với bệnh nhân này, chúng tôi phải cấp cứu xuyên đêm giao thừa. Hiện nay, bệnh nhân tỉnh táo, khỏe mạnh, đang tiếp tục điều trị bệnh thận trong bệnh viện. Còn có nhiều bệnh nhân khác được chúng tôi hồi sinh ngay trong ngày Tết, đó chính là những món quà xuân vô giá đối với đội nghĩ y bác sĩ" - TS.BS. Nguyễn Lương Kỷ tâm tình.

Bệnh nhân T. (40 tuổi, TP. Nha Trang) cũng được hồi sinh ngọn mục trong những ngày xuân, ông xúc động chia sẻ: "Bị xuất huyết não, nhà neo người, con nhỏ, nhiều ngày phải thở máy, cứ tưởng không sống nổi nhưng cuối cùng đã được trở về với đời sống. Hạnh phúc không diễn tả sao cho hết được. Sự hồi sinh kỳ diệu này không đến từ cao xa, không phải thần thánh ban cho mà đó là sự tận tụy của y bác sĩ, sự tiến bộ của y học. Khi thoát khỏi nguy kịch, các điều dưỡng còn hỗ trợ lau người, bón thức ăn, dỗ uống thuốc, đấm bóp... Giờ thấy mỗi thầy thuốc với mình hơn cả tình thân".

Nhiều sự hồi sinh ngoạn mục

Do đặc thù công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ nên có những ngày bước ra khỏi ca trực, y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVÐK tỉnh Khánh Hòa chỉ thưởng thức không khí Tết qua màn ảnh nhỏ.

"Có năm, ngày Tết mà bệnh nhân nặng rất đông, lên đến hơn 50 người, máy thở hoạt động tối đa công suất. Ở nơi đặc biệt này có khi nhiều bệnh nhân không biết mặt bác sĩ đã đưa mình thoát "cửa tử", bởi khi họ được chuyển đến đã hôn mê, lúc thoát nguy kịch, chuẩn bị tỉnh táo thì đã được chuyển xuống khoa khác để chăm sóc. Mỗi lúc bàn giao ca trực, dời phòng hồi sức về nhà thì chân, tay cũng rã rời, đuối sức nên cũng không tung tăng đi chúc Tết hay chơi phố ngày xuân nữa mà chủ yếu chúc nhau qua điện thoại và xem không khí đón xuân trên mọi miền tổ quốc qua ti vi" - Ðiều dưỡng Huỳnh Ðức Hùng giãi bày.

Ðem mùa xuân đến với những người bệnh- Ảnh 2.

Ngày Tết, hệ thống máy móc và y bác sĩ trong Phòng Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Khánh Hòa vẫn hoạt động hết công suất. Ảnh: Đông Hưng.

Gắn bó với công tác hồi sức, cấp cứu nhiều năm, BS. Nguyễn Hoài Lâm cũng trải lòng: "Có rất nhiều ca bệnh tiên lượng tử vong cao nhưng bằng kỹ thuật mới, tiên tiến nhất đó là kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, chúng tôi đã đưa họ trở về với cuộc sống bình thường. Ðiều ấy góp phần xua tan những mệt mỏi của các thầy thuốc".

Ðiển hình như bệnh nhân Nguyễn Thị T. (1994, trú tại Nha Trang), chị T. bị ngộ độc, sốc phản vệ, ngừng tuần hoàn, hôn mê sâu, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch. Sau khi được các bác sĩ dùng kỹ thuật hạ thân nhiệt, bệnh nhân tỉnh, hồi phục hoàn toàn.

Hay bệnh nhân Bùi Công T. (sinh năm 2004, trú tại Cam Ranh) bị điện trung thế giật khiến ngưng tim, ngưng thở, hôn mê sâu... Sau khi áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt, lọc máu liên tục, hồi sức huyết động theo hướng dẫn hệ thống PiCCO, thở máy, bệnh nhân T. dần thoát khỏi sự đe dọa tử vong. Sau đó, sức khỏe dần ổn định và hiện nay đã trở về đời sống lao động, sản xuất như người bình thường.

Một bệnh nhân khác là Lương Phước L. (sinh năm 1975, trú tại Cam Ranh) bị nhồi máu cơ tim cấp, hôn mê, đe dọa tử vong, nhưng sau khi được các y bác sĩ tập trung cao độ cứu chữa, dùng thuốc tiêu sợi huyết đánh tan cục máu đông ở tim, cho thở máy, hạ thân nhiệt, lọc máu liên tục thì bệnh nhân đã được hồi sinh.

Như trở về từ "cõi chết", tất cả các bệnh nhân này chung dòng xúc cảm, các y, bác sĩ đã sinh ra họ lần thứ 2. Mùa xuân 2024 này đối với họ là mùa xuân đặc biệt nhất vì họ đã được hồi sinh, được trở về với đời sống, với công việc từ lằn ranh mong manh nhất giữa sự sống và cái chết.

TS.BS. Nguyễn Lương Kỷ chia vui: "Hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp sử dụng kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt xuống 33 độ C, giúp giảm chuyển hóa cơ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sinh các chất oxy hóa tự do để bảo vệ não và các mô cơ quan. Kỹ thuật này áp dụng cho các bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn; bệnh nhân tổn thương thần kinh trung ương sốt cao kháng trị với các phương pháp điều trị thông thường. Chúng tôi đã cứu được nhiều bệnh nhân cực nặng không những thoát chết mà sức khỏe hồi phục kỳ diệu. Hiện nay, BVÐK tỉnh Khánh Hòa là cơ sở y tế đầu tiên ở miền Trung - Tây Nguyên thực hiện thành công kỹ thuật này.

Theo BSCKII. Phan Hữu Chính - Giám đốc BVÐK tỉnh Khánh Hòa, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc là nơi điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch của bệnh viện. Bất kể ngày đêm, lễ, Tết các y bác sĩ đều tập trung cao độ, tận tâm cứu người. Tại đây, bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại như: Hạ thân nhiệt, thay huyết tương lọc máu liên tục, thăm dò huyết động mạch bằng kỹ thuật PiCCO, nội soi phế quản tại giường, lọc máu phụ cho bệnh nhân. Từ đó, có thể xử lý được nhiều ca bệnh rất nặng.


Hà Văn Ðạo
Ý kiến của bạn