Phụ nữ dân tộc Dao đỏ trong trang phục truyền thống.
Sẽ có những ai phải băng mình đi trong mưa rét nhỉ? Mình thường hay đặt những câu hỏi như vậy. Hình ảnh đầu tiên là những người chạy xe hối hả ngoài đường để chở khách, để đem hàng ra chợ, để mua rau cỏ thịt thà về cho các nhà bếp... Nhưng, cuối cùng đọng lại và chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí mình cho đến lúc này là nhóm người lội suối băng rừng đi trong mưa lạnh, mà mình đã gặp cách đây mười năm ở một vùng núi phía Bắc. Hôm ấy, cũng rét kinh khủng, cũng mưa, mình và mấy người bạn có máu du lịch khám phá nguy hiểm, đã sẵn sàng chịu đựng mọi sự ác liệt của thời tiết, của địa hình, vậy mà... nản chí, vì không chịu nổi.
Trên đường từ bản trở về khách sạn, ai nấy rét run, xe ôtô loại gầm cao máy tốt không vào đón được vì đường dốc, lại đang sạt lở, gió phần phật. Người nào cũng một tay gậy để chống trượt, một tay phải bám vào bất cứ cây gì, vật gì trên đường đi thì mới đi được, nhích từng bước. Ai nấy thở hồng hộc, mồ hôi rịn ra trong lưng áo, nhưng toàn thân vẫn rét kinh khủng. Quãng đường, nếu chim bay, chỉ khoảng 3km, nhưng người đi, phải vòng vèo chừng chục cây số mới ra khỏi được rừng. Cả bọn đang đi thì gặp 3 người đi ngược trở lại. Một người đàn ông, nghe gọi là trưởng bản, hai cô gái trẻ, váy áo người Dao. Họ nói với nhau bằng tiếng Dao, đi rất vội. Mình ngăn họ lại, nói, không nên đi, chờ tạnh mưa đã, đường đang sạt lở, nguy hiểm lắm, trời lại sắp tối rồi. Té ra, cả ba đều hiểu tiếng Kinh. Ông trưởng bản bảo ở chỗ ông đang có một chàng trai bị ốm nặng, bố mẹ đã gọi thầy cúng, thầy cúng bảo, sẽ chết thôi, nhưng ông thấy nên gọi bác sĩ. Ông đi từ sáng, cũng 3 tiếng mới ra đến nơi, giờ cùng các nhân viên y tế này đi vào, may ra cứu được. Một trong 2 em gái, bảo hy vọng đó chỉ là cơn sốt rét ác tính và các em có thuốc, có cách chữa…
Nghe nói thế, chúng tôi không cản nữa, nếu có cản chắc cũng không được. Tôi xin số điện thoại, hẹn sẽ gặp lại các em khi về lại thị trấn. Các em cho số, nhưng cũng dặn, ở đây sóng rất kém, nếu không thì bác trưởng bản đã không phải đi xa như thế để báo tin, vả lại các em cũng di chuyển liên tục, địa bàn phục vụ của các em rất rộng, hầu hết đều ở sâu và xa, không mấy khi ở trạm...
*
Vượt qua một quãng rừng nhỏ có nhiều cây đào rất nhiều nụ, nụ còn phong kín, đẹp mê hồn nhưng không lòng dạ nào mà ngắm nghía, thưởng thức. Chúng tôi về đến khách sạn thì trời đã tối hẳn. Tôi vừa mệt vừa ngấm lạnh, cả đêm không ngủ được, mệt mỏi rã rời. Phải mất gần một tuần sức khỏe mới bình phục, mới có cảm giác muốn ăn uống, xuống chợ tìm mua thổ cẩm. Đang loanh quanh ở góc phía sau đang diễn ra phiên chợ tình, nghe mấy chàng trai người Mông thổi sáo, chơi khèn, nhìn các cô gái mặc đồ thổ cẩm rất thích, trong đầu đang tính làm sao mua được mấy tấm thêu tay về để trang trí căn phòng đồ gỗ của mình thì có tiếng nói cười nghe quen quen vọng lại. Theo dấu âm thanh, thấy em gái y tá hôm nọ. Tôi vui quá, cứ như thể tôi đã chờ em, mong em, nhớ em từ kiếp nào. Cho đến bây giờ tôi vẫn không lý giải được điều đó. Vui quá, tôi vội nắm lấy tay em, nhìn vào đôi mắt lấp lánh ánh cười của em, hỏi:
- Em tôi xinh quá, gặp lại em chị vui lắm, mà em bị sao thế này, ngã à, bị bao giờ thế, có đau lắm không?
Em mời tôi rẽ vào một quán cà phê ở gần đó. Đây là thị trấn có đông khách du lịch nên cũng có nhiều quán xá. Qua câu chuyện, tôi biết em là người Dao. Em đã có chồng. Chồng là người rất yêu vợ, vì yêu nên ghen lắm, ban đầu cậu ấy bắt em thôi việc: “Ở nhà làm gì cũng được mà, sao cứ phải đi làm y tế, khổ lắm vợ ơi, vợ không thương chồng mà đi thương người ngoài à”. Nói thế, nhưng chồng cũng là người tốt, chồng hiểu nếu không có những người như em thì bà con không có ai giúp đỡ, nhiều khi chết oan uổng lắm… Em kể, em và các bạn thường phải trèo núi, lội suối, băng rừng để khám chữa bệnh cho bà con. Vào mùa mưa chúng em gần như phải… bò trên đường vì mưa làm đất lở, bùn sình lầy, dốc trơn trượt, em đi quen lắm mà vẫn hay ngã. Các gia đình cũng không ở gần nhau có khi cả buổi mới đến được 1 - 2 nhà, “không chữa bệnh thì cũng phải đến để tuyên truyền giải thích cho bà con phòng ngừa bệnh, phòng dịch chị ạ”. Câu chuyện dẫn dắt tôi về với tập tục mà tôi đã biết của đồng bào vùng cao. Có không ít người chỉ tin vào thầy cúng mới giải được ma tà, khi thầy cúng bó tay cũng là lúc các cán bộ y tế đã phải hết sức vất vả mới đưa được người bệnh trở về với cuộc sống. Trong câu chuyện, dù em không nói, tôi cũng biết, thu nhập của em chẳng đáng gì, (cả tháng mới bằng hai ngày lương của tôi), càng thêm yêu quý em. Có một cô gái Dao khác vào quán, mặc bộ thổ cẩm thêu, thấy tôi trầm trồ, em bảo, trung bình một bộ như thế các em phải làm trong vài ba năm mới xong. Em cũng có một bộ, mặc vào ngày cưới, cho đến giờ chưa mặc lại… Vất vả là thế, nhưng em không thể bỏ được, em nói, giả sử hôm đó không vào kịp thì chàng trai bị sốt rét ấy đã không qua khỏi. Cậu ấy sắp lấy vợ, bỗng nhiên đổ bệnh chị ạ…
Hoa đào nở rộ trước nhà.
Tôi bảo, sắp Tết rồi, thời tiết lại khắc nghiệt thế này, em cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé. (Ý tôi định nói, nếu mưa rét, lụt lội, sạt lở nguy hiểm thì đừng đi. Nhưng lại thấy nói thế không được. Thương em quá mất thôi). Còn phân vân, thì em có điện thoại. Nghe xong, em chào vội vàng, nói, em phải đi rồi, trong bản ấy lại có người sắp sinh. Em phải đi, em phải đi. Hẹn gặp lại chị nhé…
*
Bây giờ, trong chăn ấm nệm êm, nhìn ra ngoài cửa sổ, cái rét chỉ như một khái niệm, nó thổi qua ngọn cây trong vườn nhà, xào xạc, tô điểm và làm phong phú cho cảm xúc của một người viết văn như tôi. Nhưng cái rét nó sẽ thấu xương, cắt da cắt thịt, có thể vật ngã một cơ thể, một thân xác, một cuộc sống của những người như em, một y tá thôn bản. Tôi viết xong bài này, gọi, gửi cho em, em bảo, đừng để tên em, vì em chỉ là một trong mấy ngàn người làm việc như em từ 20 năm qua, tất cả đều vất vả, khó nhọc, lương ít... nhưng tất cả đều vui, nếu viết tên em ra, là có lỗi với mọi người ấy.