Hà Nội

Em bị nhiễm HIV rồi, khi nào nên có thai?

26-10-2023 06:01 | Y tế
google news

SKĐS - Đây là câu hỏi mà các bác sĩ thường gặp phải khi tư vấn cho bệnh nhân là những phụ nữ trẻ, trong độ tuổi sinh đẻ. Qua các nghiên cứu cho thấy nếu phát hiện và can thiệp sớm, tải lượng virus HIV thấp mẹ sẽ không lây truyền HIV cho con.

AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người do virus HIV gây nên. Virus HIV được phát hiện lần đầu vào năm 1981 tại Mỹ, đến năm 2014 trên thế giới đã có hơn 60 triệu người nhiễm HIV và đã có hơn 30 triệu người tử vong.

HIV là một loại virus gây suy giảm miễn dịch ở người, có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu, từ mẹ sang con. Trong đó, lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những con đường lây nhiễm HIV phổ biến nhất ở trẻ em.

Em bị nhiễm HIV rồi, khi nào nên có thai?

 - Ảnh 2.

TS TS.BS Đỗ Thị Nhàn - Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Theo TS TS.BS Đỗ Thị Nhàn - Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, nhìn vào những dữ liệu Việt Nam đạt được trong những năm gần đây, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm rõ rệt.

"Nếu những năm 2006-2010, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 11-15%,  nhưng đến giờ con số này chỉ khoảng 1,9-2,1% mà thôi. Đây là ở trong nhóm quản lý được. Vấn là làm thế nào để duy trì ở một quần thể rộng hơn và bền vững hơn là một thách thức.", TS Đỗ Thị Nhàn nói.

"Bài toán" đặt ra ở đây là làm thế nào để nhóm phụ nữ trong tuổi sinh đẻ không bị nhiễm HIV, thực hiện các hành vi an toàn để duy trì tình trạng không nhiễm HIV của mình. Thứ 2 là nếu bị nhiễm HIV, người phụ nữ rồi thì làm thế nào mà để họ có thai có kế hoạch.

TS.BS Đỗ Thị Nhàn chia sẻ, một trong những câu hỏi mà nhiều bác sĩ gặp phải là: "Bác sĩ ơi, em bị nhiễm HIV rồi. Theo bác sĩ, khi nào em nên có thai?".  Đây là vấn đề cần phải truyền thông tới cho những người phụ nữ nhiễm HIV để cho họ biết rằng khi nào một người có HIV nên có thai.

Em bị nhiễm HIV rồi, khi nào nên có thai?

 - Ảnh 3.

Phụ nữ mang thai nên đi xét nghiệm HIV sớm để được điều trị dự phòng, giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tải lượng virus HIV bao nhiêu mẹ sẽ không lây truyền HIV cho con?

Tải lượng virus HIV là một chỉ số đo lường số lượng virus HIV trong máu. Tải lượng virus HIV càng cao thì nguy cơ lây nhiễm HIV càng cao. Vậy tải lượng virus HIV bao nhiêu mẹ sẽ không lây truyền HIV cho con?

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu người mẹ nhiễm HIV được điều trị ARV và đạt được tải lượng virus HIV dưới ngưỡng phát hiện (< 200 bản sao/ml máu) trong ít nhất 4 tuần trước khi sinh, trong quá trình sinh và trong 6 tuần sau sinh thì nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con chỉ còn khoảng 1%.

TS.BS Đỗ Thị Nhàn cho biết thêm, trong hướng dẫn quốc gia đã ghi rõ, nếu như trong trường hợp mà một người phụ nữ nhiễm HIV mà  tải lượng HIV của người mẹ xuống thấp dưới 50 bản sao vào lúc sinh thì tỷ lệ lây truyển từ mẹ sang con sẽ giảm từ khoảng 30 – 45% xuống còn dưới 0,5%, tức là rất thấp. Điều này có nghĩa là người phụ nữ có thai vào thời điểm tải lượng HIV không phát hiện được có nghĩa là nguy cơ lây truyền và duy trì tình trạng nhiễm HIV hiệu quả.  Đây chính là thời điểm rất quý giá để cho người phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể mang thai và sinh con.

Điều đặc biệt quan trọng là người phụ nữ mang thai cần được phát hiện tình trạng nhiễm HIV sớm. Chỉ có phát hiện sớm mới can thiệp hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV cho con.

Như vậy, tải lượng virus HIV ở người phụ nữ nhiễm HIV vô cùng quan trọng, chỉ khi được điều trị dự phòng sớm và đưa tải lượng virus về dưới ngưỡng phát hiện sẽ  giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ, người mẹ nhiễm HIV nên thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Dưới đây là một số lời khuyên cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV:

  • Nếu bạn đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, hãy nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
  • Nếu bạn đang điều trị ARV, hãy đảm bảo rằng bạn phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đạt được và duy trì tải lượng virus HIV dưới ngưỡng phát hiện.
  • Hãy thảo luận với bác sĩ về các biện pháp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Với sự phát triển của y học, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được giảm đáng kể. Tuy nhiên, các biện pháp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn cần được thực hiện đầy đủ để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV.

3 thành tố quyết định giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con  3 thành tố quyết định giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con

SKĐS -Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai theo 3 nhánh nhằm bảo vệ trẻ em, giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ và người mẹ biết được tình trạng sức khỏe của mình để can thiệp sớm trong điều trị nhiễm HIV, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.


Hải Yến
Ý kiến của bạn