Lúc 13h30 chiều nay (22/12), Khoa Ngoại Sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã mổ đẻ thành công cho sản phụ V.T.B.T. (40 tuổi, trú tại Võng La, Hà Nội).
BS. Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng khoa Ngoại Sản cho biết: Trước đó, sản phụ hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh nào khác và từng 2 lần đẻ thường, một lần đẻ mổ. Bệnh nhân sau khi đăng ký sinh tại Khoa đã được các bác sĩ theo dõi sát sao, đặc biệt khi gần ngày lâm bồn.
Nhận định được kích thước lớn của thai nhi, các bác sĩ đã phải chuẩn bị kỹ càng thuốc tăng co bóp tử cung trước ca mổ.
Theo BS. Thu Hà, sản phụ T. có thể gặp phải nguy cơ băng huyết do đờ tử cung, tử cung co giãn quá mức. Trước khi mổ bắt con ra, sản phụ và gia đình đã được các bác sĩ giải thích về nguy cơ phải cắt tử cung cao và với những thai nhi lớn như thế này, nguy cơ đái tháo đường thai kỳ là rất lớn.
Ngoài ra, em bé cũng có thể gặp tình trạng hạ đường huyết sau sinh rất nguy hiểm. May mắn, ca mổ diễn ra thành công. Tình trạng sức khỏe của 2 mẹ con đều ổn định.
Các bác sĩ tiến hành cuộc mổ bắt con thành công.
Sau khi ca mổ kết thúc, sản phụ và em bé tiếp tục được theo dõi sát sao như theo dõi sự co hồi tử cung của người mẹ, đề phòng chảy máu âm đạo...
Theo các bác sĩ, việc kích thước của thai to gây ra rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe của cả mẹ và con. Do đó, BS. Hà khuyến cáo sản phụ trong thời gian mang thai nên thường xuyên theo dõi sức khỏe thai nhi và chuẩn bị kỹ lưỡng trước ngày lâm bồn.
Cân nặng "khủng" của em bé.
Ghi nhận trên thế giới cũng đã từng có bé sơ sinh nặng trên 7kg, thậm chí gần 8kg.
Ở Việt Nam, với em bé sơ sinh chào đời trong khoảng 6kg đến 7kg đã được coi là nặng.
Trước bé sơ sinh có cân nặng kể trên, đã có một bé sơ sinh chào đời ở Vĩnh Phúc nặng 7,1kg, em bé ở Gia Lai nặng gần 7kg.
Ngoài ra, năm 2016 đã có một bé 6,1kg sinh ở Nam Định và từng có hai bé 6,5kg sinh ở Đà Nẵng.