Khi Kaitlyn Sinnamon mang thai đứa con thứ hai được 20 tuần tuổi, các bác sĩ cho biết con của cô sẽ ra đời với khiếm khuyết tim bẩm sinh đòi hòi phải phẫu thuật đầu đời.
Cậu bé Easton Sinnamon chào đời tại Bệnh viện Đại học Duke với khiếm khuyết tim chỉ có duy nhất một tâm thất. Ở người bình thường phải có đủ cả 2 tâm thất. Như vậy cậu bé chỉ có duy nhất 1 tâm thất để bơm máu đi khắp cơ thể.
Sau 2 lần phẫu thuật tim không thể đưa van tim bị hở vào đúng vị trí, đội ngũ phẫu thuật nhận thấy rằng Easton cần phải thay tim. Nhưng việc ghép tim đòi hỏi cậu bé phải uống thuốc ức chế miễn dịch suốt đời, nhằm ngăn hệ miễn dịch đào thải cơ quan cấy ghép.
Tuy nhiên, những loại thuốc ức chế miễn dịch này có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư và gây độc cho thận, cũng như khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng hơn.
Vén màn ca ghép tim và tuyến ức đầu tiên trên bé sơ sinh 6 tháng
Các bác sĩ đã bước vào một thử thách mới trong khi cậu bé Easton chờ được ghép tim. Sau khi liên tục bị nhiễm trùng, thử nghiệm sau đó cho thấy cậu bé bị suy giảm tế bào miễn dịch T. Các tế bào T của hệ miễn dịch thường phát triển trưởng thành ở tuyến ức, cơ quan ở ngay đằng trước trái tim.
Chức năng miễn dịch suy yếu của Easton đồng nghĩa rằng cơ thể của cậu bé không thể tự sản sinh được tế bào miễn dịch T. Loại tế bào này đồng thời cũng chịu trách nhiệm đào thải và tấn công vật thể lạ xâm nhập cơ thể, trong đó có cả cơ quan cấy ghép.
"Như vậy tình cờ rằng cậu bé Easton cần cả một trái tim mới và đồng thời chức năng miễn dịch cũng rất kém.", TS.Joseph Turek - Trưởng khoa phẫu thuật nhi khoa tại ĐH Duke, một thành viên trong nhóm phẫu thuật cho cậu bé cho biết.
Chính tình huống này đã khiến cho cậu bé sơ sinh trở thành ứng viên cho một cuộc phẫu thuật tiên phong: vừa ghép tim lẫn tuyến ức đã qua chỉnh sửa từ cùng một người hiến. Phẫu thuật kết hợp kiểu này chưa từng được thực hiện trước đây.
Đối với cha mẹ của cậu bé, quyết định cho con trai trải qua cuộc đại phẫu thuật như vậy không hề dễ dàng. Bởi có thể có những rủi ro đi kèm.
Sau cuộc phẫu thuật tim lần 2 thất bại, TS.Turek đã thảo luận một số lựa chọn với gia đình Sinnamons.
"Tôi nghĩ điều khiến chúng tôi lưỡng lự nhất là khi vị bác sĩ nói với chúng tôi "Chúng tôi muốn mang con trai cô trở lại, và cách duy nhất là phải ghép tim cùng tuyến ức"., Kaitlyn Sinnamon - mẹ cậu bé kể lại. "Nếu thành công, không chỉ cứu giúp Easton, mà thành tựu ghép tạng này còn giúp cứu sống hàng triệu người khác."
Theo TS. Turek, ĐH Duke là nơi duy nhất ở bán cầu Tây đã thực hiện các ca cấy ghép tuyến ức, trong đó tế bào tuyến ức người hiến được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trước khi được cấy vào cơ thể người nhận.
Ở hệ miễn dịch một người khỏe mạnh, tế bào miễn dịch chưa trưởng thành sẽ đi vào tuyến ức để học cách nhận diện đâu là cơ quan cơ thể và đâu là vật thể từ bên ngoài.
Quá trình nuôi cấy tuyến ức sẽ xóa sạch bất kể tế bào miễn dịch trưởng thành nào của người hiến. Nó sẽ chỉ để lại cái khuôn tuyến ức để người nhận tự phát triển tế bào miễn dịch của chính mình qua đó.
"Ý tưởng tuyến ức phát triển trong cùng môi trường với cơ quan cấy ghép mới cho phép nó nhận diện như chính cơ thể mình. Nếu bạn dùng thẳng tuyến ức của người hiến thay vì nuôi cấy, nó sẽ vẫn giữ những tế bào của người hiến gây đào thải.", TS. Turek lý giải.
Nhờ cấy ghép kép, cơ thể Easton vừa có thể sản sinh tế bào miễn dịch T đồng thời cơ thể của cậu bé cũng thích nghi với trái tim mới. Thậm chí, cấy ghép kép từ cùng một người hiến cũng có thể loại bỏ khả năng phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời.
Tuyến ức mới của cậu bé đã bắt đầu sản sinh tế bào miễn dịch T
Vào tháng 8 năm ngoái, khi mới 6 tháng tuổi, Easton đã được ghép tim và bắt đầu dùng thuốc ức chế miễn dịch. 2 tuần sau, cậu bé đã được ghép tuyến ức sau khi quá trình nuôi cấy tuyến ức đã hoàn thiện.
Chẳng mấy chốc sau cuộc phẫu thuật, Easton đã được chuyển khỏi đơn vị hồi sức tích cực, dấu hiệu cho thấy cậu bé hồi phục tốt.
Tới nay, trải qua 6 tháng hậu phẫu, xét nghiệm cho thấy tuyến ức mới của Easton đã phát triển tế bào miễn dịch T một cách hoàn hảo và cơ thể của bé cũng không đào thải trái tim mới.
Những kết quả này rất hứa hẹn. Các bác sỹ hy vọng sẽ ngưng dùng thuốc ức chế miễn dịch cho cậu bé trong vòng 1 năm tới nếu xét nghiệm khẳng định tế bào T nhận diện trái tim cấy ghép như là chính cơ thể mình.
"Ý tưởng ghép tạng và không cần phải dùng thuốc chống đào thải thực sự là thay đổi lớn đối với bệnh nhân", TS.Turek nói.
TS.Turek cũng cho biết thành công của kỹ thuật cấy ghép kép này có nghĩa là người được ghép tim có thể sống lâu hơn.
Hiện tại, các trái tim được ghép thường chỉ có thể tồn tại từ 10-15 năm bởi những sự đào thải nhỏ tiếp diễn từng năm sau ca ghép tạng. Điển hình, cứ sau mỗi đợt xảy ra hiện tượng đào thải thì cần phải tăng liều lượng thuốc ức chế miễn dịch.
Mở ra cánh cửa tương lai cho ngành ghép tạng
BS. Turek nhận thấy kỹ thuật cấy ghép kép này mở ra cánh cửa tương lai cho ngành y học ghép tạng. Bước tiếp theo là thử nghiệm xem kỹ thuật này có thành công với người có hệ miễn dịch khỏe mạnh cần ghép tạng hay không?
"Tôi nghĩ rằng nếu điều này xảy ra, đây có thể sẽ trở thành phương thức cho phần lớn các ca ghép tạng trong tương lai, cho tất cả mọi loại tạng khác nhau", ông nói.
Tuy nhiên, tế bào T chỉ là một phần trong phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các cơ quan cấy ghép, PGS. TS.Reshma Biniwale chuyên ngành phẫu thuật tim- giám đốc ghép tim nhi khoa tại Bệnh viện ĐH California (UCLA) nói.
"Tôi sẽ rất lưỡng lự để nói rằng em bé sẽ hoàn toàn thoát khỏi mọi hoạt động đào thải của hệ miễn dịch. Bởi vì kỹ thuật này chỉ liên quan tới tế bào T của tuyến ức mà thôi.", Biniwale - người không liên quan tới ca phẫu thuật cho biết. "Miễn dịch cũng do kháng thể từ tế bào cơ thể người điều phối, nên nó lại đòi hỏi một cơ chế ức chế miễn dịch hoàn toàn khác nữa."
Tế bào B, cũng là một loại tế bào miễn dịch do cơ thể sản sinh ra để tạo nên kháng thể và hình thành trong tủy xương.
"Kỹ thuật cấy ghép kép này có thể là giải pháp tuyệt vời về mặt ngắn hạn. Nhưng nó chưa thể cung cấp một giải pháp suốt đời", TS.Biniwale nói.
Theo TS. Turek, hiện vẫn chưa rõ liệu kỹ thuật này có thể khả thi với người lớn hay không? Bởi tuyến ức sẽ co lại khi người ta có tuổi và tới lúc đó, tủy xương lại chịu trách nhiệm sản sinh tế bào T.
"Đó là một trong những điều chúng tôi tìm kiếm trong phòng thí nghiệm, cũng như tìm ra độ tuổi người hiến phù hợp. Chúng tôi tin rằng tầm tuổi thanh thiếu niên vẫn có thể có tuyến ức khả thi cho mục đích ghép tạng.", TS. Turek nói.
Ngoài ra, thậm chí còn một tiềm năng khác cho ngành cấy ghép tuyến ức nuôi cấy đó là cấy ghép tạng khác loài. Trong trường hợp này, nội tạng động vật có thể được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, chỉnh sửa gene để cấy ghép cho con người.
Người đàn ông đầu tiên trên thế giới được ghép tim lợn chỉnh sửa gene đã qua đời vào ngày 8/3 vừa qua, 2 tháng sau ca phẫu thuật. TS.Turek cho biết kỹ thuật ghép tuyến ức được nuôi cấy co thể loại bỏ nhu cầu phải dùng đơn thuốc ức chế miễn dịch liều cao.
Theo gia đình Sinnamon, 7 tháng sau khi trải qua các ca phẫu thuật, Easton đã mừng sinh nhật 1 tuổi của bé và hiện vẫn đang khỏe mạnh.
"Khi mới mang bé về nhà, bé còn không thể ngẩng đầu dậy. Chúng tôi phải bồng bé như một em bé mới sinh. Nhưng hiện tại bé đã đi lại lẫm chẫm khắp nhà và nô đùa với chị gái trên sàn nhà.", người mẹ tâm sự. "Nếu nhìn bé bây giờ, bạn sẽ không thể biết về những gì bé đã phải trải qua".
Mời độc giả xem thêm video
Bác sĩ Trương Hữu Khanh chỉ ra dấu hiệu chuyển nặng không thể bỏ qua khi trẻ mắc COVID-19