Em bé “ba cha mẹ” đầu tiên trên thế giới

01-11-2016 08:21 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một em bé đầu tiên trên thế giới được ra đời tại Mexico bằng phương pháp “ba cha mẹ” gây nhiều tranh cãi. Điều này có nghĩa là em bé có gene di truyền từ 3 người - cho phép em bé tránh được bệnh di truyền hiểm nghèo từ người mẹ. Đây là tin tức “gây chấn động” trong giới y học thế giới.

Phương pháp này được hợp pháp hóa tại Anh năm ngoái, cho phép cha mẹ - những người mắc biến dị di truyền hiếm gặp có thể có con cái khỏe mạnh bằng cách thay thế các DNA ty thể mắc lỗi của người mẹ với DNA ty thể của người phụ nữ khác trong giai đoạn thụ tinh nhân tạo. Do chỉ có DNA ty thể là được truyền từ người mẹ nên với hầu hết phụ nữ mắc bệnh về ty thể thì đây là cách duy nhất họ có con cái khỏe mạnh. Tuy nhiên, ngoài Vương quốc Anh, các nước như Mỹ, Pháp, châu Âu hay các quốc gia khác trên thế giới đều ban hành lệnh cấm với phương pháp gây tranh cãi về mặt đạo đức cũng như pháp lý này. Theo BS. John Zhang - trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Hope Fertility, New York, Mỹ: “Đây là một mốc quan trọng. Nó chứng minh lần đầu tiên cho thấy thông tin di truyền từ người thứ ba có thể ngăn chặn các bệnh do gene gây ra”.

em beBS. Zhang đang bế em bé đầu tiên trên thế giới được ra đời bằng phương pháp “ba cha mẹ”.

Cậu bé được sinh ra bằng phương pháp ba cha mẹ hiện đã được 5 tháng tuổi nhưng bây giờ mới được công bố. Ngoài AND có từ cha mẹ mình, cậu còn có 1 đoạn mã gene từ người mẹ thứ hai. Mục đích của việc này nhằm loại bỏ một đoạn gene nguy hiểm chết người từ người mẹ mắc hội chứng Leigh - một hội chứng di truyền có thể tấn công hệ thần kinh, gây suy phổi và khiến trẻ tử vong chỉ sau vài năm. Mẹ của bé, cô Ibtisam Shaban có sức khỏe bình thường nhưng 1/4 ty thể của cô có chứa gene di truyền mắc chứng Leigh và sau 20 năm cố gắng có con, nhưng 2 đứa con của vợ chồng chị đều tử vong khi còn nhỏ vì bị di truyền căn bệnh này. Cô Shaham đã liên hệ với BS. John Zhang thuộc Trung tâm sinh sản New Hope tại New Yok để tìm phương pháp cải thiện tình hình. BS. Zhang cho biết đã ông cùng đồng nghiệp thử phương pháp “chuyển giao hạt nhân” (tên tiếng Anh là pronucleus transfer) trong đó bác sĩ lấy hạt nhân trong trứng của người mẹ cấy vào trứng đã tách hạt nhân của người hiến tặng sau đó cho thụ tinh với tinh trùng của người cha. Việc này giúp phôi thai có nhân là DNA của người mẹ và người cha nhưng có ty thể khỏe mạnh của người cho trứng. Với 5 trứng được thử nghiệm, chỉ 1 trứng sống sót và đó chính là bé Abrahim. Kiểm tra cho thấy hiện tại, chỉ có dưới 1% ty thể của bé có DNA mắc chứng biến dị Leigh và điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Hiện bé đã 5 tháng tuổi và đang phát triển bình thường. Vì kỹ thuật này không được chấp thuận ở Mỹ, do đó, nhóm nghiên cứu đã đến Mexico - nơi không có quy định về phương pháp này để thực hiện.

Hiện nay, các chuyên gia y tế trên thế giới đang không ngừng nghiên cứu những biện pháp nhằm loại bỏ căn bệnh di truyền cho thế hệ sau. Chính vì lẽ đó, BS. Zhang tin rằng tiềm năng ứng dụng của phương pháp này là vô hạn. GS. Simon Fishel thuộc Tập đoàn CARE cũng cho ý kiến đồng tình rằng: “Những căn bệnh di truyền nguy hiểm không ai muốn con mình mắc phải sẽ được giải quyết bằng công nghệ này. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều năm để chúng ta có thể đánh giá hết được những tác động của phương pháp này đến cơ thể của đứa trẻ để đưa ra kết luận phương pháp này an toàn và hiệu quả”. Bên cạnh đó, có nhiều quan điểm không đồng tình và bày tỏ quan ngại”. BS. Dusko Ilic (New York - Mỹ) cũng cho biết, liệu rằng đây là lần đầu tiên họ thực hiện phương pháp này hay đã từng thử rất nhiều lần mà chỉ công bố trường hợp thành công? Đây là vấn đề chưa có lời giải vì nghiên cứu vẫn chưa được công bố chi tiết. Dù cho có vẻ đem lại kết quả tốt nhưng một số rủi ro vẫn chưa lường trước được. Hơn nữa, sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân thực hiện phương pháp này tại những nơi điều luật quy định còn lỏng lẻo”.


Huệ Minh
Ý kiến của bạn