Hà Nội

Em bé 7 tuổi bị ong vò vẽ đốt được cứu sống

29-10-2013 14:35 | Tin nóng y tế
google news

Hiện trạng cháu Huy lúc đến viện là toàn thân bầm tím, các vết ong đốt dày đặc, suy giảm ý thức, tình trạng lơ mơ, hôn mê. Không chỉ vậy, cháu bị rối loạn nhịp thở với những cơn ngừng thở kéo dài, rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng, đái ra máu từng giọt, màu đậm, đại tiện phân màu đen.

Ngày 10/7/2013, cháu Nguyễn Quang Huy, 7 tuổi, học lớp 2, Trường tiểu học Phú Cát, TP. Huế, trên đường đi học về, thấy có người đang chọc phá tổ ong trên cây bàng, cháu đến gần để xem, không ngờ tổ ong rơi xuống, cháu bị ong đuổi đốt, ngất xỉu tại chỗ. Gia đình cháu Huy đã đưa cháu đi cấp cứu khẩn cấp tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế.

Hiện trạng cháu Huy lúc đến viện là toàn thân bầm tím, các vết ong đốt dày đặc, suy giảm ý thức, tình trạng lơ mơ, hôn mê. Không chỉ vậy, cháu bị rối loạn nhịp thở với những cơn ngừng thở kéo dài, rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng, đái ra máu từng giọt, màu đậm, đại tiện phân màu đen. Da vàng đậm hoàn toàn, biểu hiện suy chức năng gan.

Các thầy thuốc đếm trên người cháu Huy lúc này có tới 65 vết ong đốt. Không chỉ gia đình mà các bác sĩ, y sĩ trong bệnh viện rất lo vì có bệnh nhân trước đây nhập viện chỉ bị đốt 20 nốt mà đã tử vong, bởi nọc độc của ong vò vẽ rất độc, khi vào cơ thể có thể hủy hoại các cơ vân, gây suy thận, suy gan ngay lập tức. Cháu Huy rơi vào tình trạng nặng nề, rất nguy kịch đến tính mạng.

Em bé 7 tuổi bị ong vò vẽ đốt được cứu sống 1
 Cháu Nguyễn Quang Huy được hồi sức tích cực tại Trung tâm Nhi khoa,
Bệnh viện Trung ương Huế.

Với tình trạng suy chức năng các cơ quan nặng nề, cháu Huy được đội ngũ các bác sĩ, y sĩ Khoa Cấp cứu, Trung tâm Nhi khoa cho hồi sức cấp cứu khẩn cấp bằng các liệu pháp tích cực nhất. Về hô hấp, các bác sĩ đặt ống nội khí quản, cho cháu thở bằng máy tức thì. Về tuần hoàn, cho điều trị nâng đỡ tuần hoàn tim mạch bằng các thuốc trợ tim, dịch truyền chuyên biệt. Sau đó, điều chỉnh chức năng đông cầm máu để kiểm soát tốt tình trạng chảy máu làm cho cháu thiếu máu nặng, các bác sĩ cũng đã truyền máu cho cháu Huy.

Cháu Huy được tiến hành lọc máu liên tục với phương thức CVVH để hỗ trợ chức năng thận đã bị suy giảm nặng, đồng thời loại bỏ các chất độc, độc tố do ong đốt ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, tình trạng suy chức năng các cơ quan khác của bệnh nhân cũng được giám sát và điều chỉnh kịp thời.

Đặc biệt, trong thời gian nằm viện, sau khi lọc máu, bệnh nhân Nguyễn Quang Huy có biểu hiện tăng huyết áp với 2 lần phù phổi cấp, xuất huyết phổi nhưng đều được cấp cứu kịp thời bằng phương pháp thông khí nhân tạo với kỹ thuật huy động phế nang và các loại thuốc hạ áp truyền tĩnh mạch liên tục, truyền máu cùng các chế phẩm của máu.

TS. Trần Kiêm Hảo, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa tâm sự: "Trong trường hợp cháu Huy bị ong vò vẽ đốt đến 65 nốt, cháu nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch đến tính mạng. Để đạt được kết quả cao trong điều trị, việc điều trị trở nên phức tạp hơn, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém, người thầy thuốc phải toàn tâm, kinh nghiệm, giỏi chuyên môn túc trực người bệnh 24/24 giờ mới mong cứu sống được tính mạng người bệnh".

Sau hơn 1 tháng rưỡi điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của cháu Huy đã được hồi phục, chức năng thận tốt, nước tiểu bình thường, sản phẩm đào thải trong máu ổn định và đã được xuất viện.

Mẹ cháu Huy là chị Nguyễn Thị Thu Hằng đã viết thư cảm ơn Bệnh viện Trung ương Huế: "Tôi viết bức thư này để gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến bác sĩ Hảo, bác sĩ Thông, cô Hà cùng toàn thể bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý của Trung tâm Nhi khoa. Tình cảm và sự tận tâm của các y, bác sĩ đối với con tôi là vô cùng quý báu.

Tôi không biết nói gì hơn ngoài những lời cảm ơn chân thành đối với các bác sĩ đã giúp cho con trai tôi được sống lại sau cơn nguy kịch.

Kính chúc Ban lãnh đạo và quý y, bác sĩ của bệnh viện sức khỏe dồi dào để có thể cống hiến tài năng và tấm lòng của mình cho sự nghiệp cao cả của chúng ta".

Nguyễn Quang Hà


Ý kiến của bạn