Thuật ngữ màng trao đổi ôxy ngoài cơ thể (extracorporeal membrane oxygenation - ECMO) là một hệ thống được sử dụng nhằm cung cấp ôxy cho cơ thể khi hai cơ quan chính làm nhiệm vụ lấy ôxy từ ngoài không khí và đưa đến các tế bào là phổi và tim bị trục trặc.
Cho tới nay, phương pháp ECMO hầu như đã được triển khai tại tất cả các trung tâm tim mạch và hồi sức tích cực trên toàn thế giới, là một phần không thể thiếu trong công tác phẫu thuật tim phổi và hồi sức bệnh nhân nặng. Ở nước ta, phương pháp này lần đầu tiên được áp dụng tại Bệnh viện Trung ương Huế (tháng 3/2009) và từ đó đến nay đã được áp dụng tại nhiều bệnh viện lớn trong cả nước.
Bệnh nhân nào cần ECMO?
Phương pháp ECMO sẽ được áp dụng trong hai tình huống: thứ nhất là trong các bệnh lý của phổi mà khi đã được tiến hành các biện pháp hồi sức hô hấp tích cực như thở ôxy, thở máy mà lượng ôxy máu vẫn thiếu (ví dụ như trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển - ARDS, suy hô hấp nặng do viêm phổi...) và chỉ định thứ hai là trong các bệnh lý của tim khiến tim bị suy giảm sức co bóp, huyết áp tụt không nâng lên được bằng truyền dịch và dùng thuốc co mạch cũng như thuốc làm tăng co bóp cơ tim (như trong viêm cơ tim cấp, sau cấp cứu ngừng tim, suy tim sau phẫu thuật tim...). Nhưng cho dù tổn thương phổi hay tổn thương tim, chỉ định sử dụng phương pháp ECMO chỉ được đặt ra nếu tiên lượng sau khi ECMO một thời gian, phổi hoặc tim bệnh nhân có thể hồi phục được hoặc chí ít, đây cũng là một biện pháp giúp bệnh nhân “cầm cự” trong khi chờ... ghép tim hoặc đặt các thiết bị hỗ trợ tâm thất nếu có thể!
Hình ảnh Xquang phổi trên bệnh nhân dùng ECMO.
Nguyên lý của phương pháp ECMO
Hiểu một cách đơn giản nhất, nguyên lý của phương pháp này là: máu được lấy ra khỏi bệnh nhân (từ tĩnh mạch hoặc động mạch) sau đó được qua máy ECMO, tại đây, máu sẽ được cung cấp ôxy qua một màng đặc biệt. Sau đó, máu giàu ôxy sẽ được đưa trở lại bệnh nhân, có sử dụng áp lực bơm hỗ trợ để tạo huyết áp hoặc không tùy vào tổn thương phổi hay tim và đường vào bệnh nhân có thể là động mạch hoặc tĩnh mạch tùy từng trường hợp.
Có một vài hình thức ECMO nhưng thông dụng nhất là kiểu tĩnh - động mạch (Veno-arterial hay VA) nghĩa là máu được rút ra khỏi bệnh nhân từ một tĩnh mạch lớn (thông thường là tĩnh mạch đùi), qua máy ECMO sau đó được đưa trở lại cơ thể qua con đường động mạch (như động mạch đùi). Hình thức ECMO này được sử dụng trong những bệnh lý suy tim nặng hoặc suy hô hấp mà nguyên nhân do tổn thương phổi. Hình thức thứ hai là ECMO kiểu tĩnh - tĩnh mạch (Veno-venous hay VV), nghĩa là máu được rút ra khỏi bệnh nhân từ một tĩnh mạch lớn, qua máy ECMO sau đó được đưa trở lại cơ thể qua con đường tĩnh mạch. Hình thức ECMO chỉ được sử dụng trong những bệnh lý suy hô hấp nặng có nguyên nhân do tổn thương phổi do không có hỗ trợ áp lực nâng huyết áp.
ECMO có phải là biện pháp hoàn hảo?
Như trên đã nói, phương pháp ECMO chỉ được áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp nặng do tổn thương phổi và/hoặc suy tim nặng mà những tình trạng này đáp ứng kém hoặc không còn đáp ứng với các biện pháp hồi sức thông thường. Đây chính là biện pháp cuối cùng, là tia hy vọng cho những bệnh nhân đang cận kề cái chết. Tuy vậy, cũng như các biện pháp điều trị khác, ECMO không phải là chiếc đũa thần để có thể cứu được tất cả bệnh nhân. Theo một số báo cáo, tỷ lệ thành công của ECMO ở những bệnh nhân bị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển vào khoảng 65% và ở những bệnh nhân suy tim (do viêm cơ tim cấp, sau cấp cứu ngừng tim...) có cao hơn chút ít. Nhưng dù sao, kể cả tỷ lệ thành công có thấp hơn thì việc chọn lựa ECMO cũng là việc nên làm vì nếu không thì bệnh nhân gần như cầm chắc cái chết. Trong hồi sức tích cực, đối với những căn bệnh “thập tử nhất sinh” thì tất cả các biện pháp điều trị chỉ có biện pháp tốt hơn chứ không có biện pháp điều trị nào là hoàn hảo.
TS.BS. Vũ Đức Định