Ebola là một bệnh nguy hiểm và có nguy cơ lây nhiễm, gây tử vong cao. Trong khi chúng ta chưa có vaccin hay thuốc điều trị đặc hiệu để dự phòng căn bệnh này thì việc có thêm thông tin, kiến thức về cơ chế hoạt động của virut Ebola sẽ giúp cộng đồng có thể phòng tránh tối đa nguy cơ bị lây nhiễm.
Cho tới nay, thực tế cho thấy Ebola rất ít khả năng trở thành dịch ở những châu lục khác ngoài châu Phi! Dù đã có vài trường hợp bệnh xảy ra tại các nước châu Âu và châu Mỹ nhưng những trường hợp này đều do người bệnh đã có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc bệnh tại châu Phi hoặc do sai lầm nào đó về y tế! Như trường hợp nhiễm Ebola của cô y tá Teresa Romero, người Tây Ban Nha. Nguyên nhân là do cô Teresa đã vô tình dụi mắt bằng bao tay đã dùng chăm sóc bệnh nhân nhiễm Ebola trong khi cởi bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân. May mắn là hiện cô Teresa đã khỏi bệnh.
Niêm mạc mắt là một phần rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, virut. Khi chăm sóc bệnh nhân, các nhân viên y tế thường phải tiếp xúc trực tiếp với những chất dịch cơ thể của bệnh nhân, cụ thể là chất nôn, máu, phân, nước tiểu. Những chất này mang rất nhiều virut. Nếu một giọt chất dịch này vô tình dây vào niêm mạc nhân viên chăm sóc, hoặc nếu chỉ dây vào tay và nhân viên này đưa tay lên mắt, thì cũng có nguy cơ cao bị lây nhiễm.
Do vậy, các nhân viên y tế khi tiếp xúc với bệnh nhân Ebola nhất thiết phải sử dụng đầy đủ toàn bộ thiết bị phòng hộ: quần áo kín, kính bảo hộ, khẩu trang, găng tay. Và dưới đây là một số thông tin, cơ chế hoạt động của virut Ebola được Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp nhằm giúp các đối tượng, đặc biệt là các nhân viên y tế có thể phòng tránh tối đa nguy cơ bị lây nhiễm Ebola.
Virut không thể xuyên qua da lành
Về lý thuyết, nếu bị dính máu của người bệnh có Ebola vào tay, cần rửa kỹ ngay bằng nước và xà phòng đúng cách sẽ không có nguy cơ lây nhiễm vì virut Ebola không xâm nhập được qua làn da lành. Tuy nhiên trên thực tế, khi tiếp xúc với bệnh nhân Ebola, các chuyên gia vẫn khuyến cáo cần sử dụng đầy đủ trang bị bảo hộ cá nhân vì virut Ebola có thể xâm nhập khi da tay bị đứt, có thương tổn, hoặc khi vô tình đưa tay lên mắt, lên mặt...
Phương tiện truyền thông Anh đã nêu rõ: “Y tá vô tình để dây máu bệnh nhân lên tay, có thể rửa kỹ bằng nước xà phòng sẽ không có hậu quả đáng tiếc nào”. Điều này đúng với bất kỳ loại virut nào. Lý do: virut không xâm nhiễm qua da lành mà chỉ xâm nhiễm khi da bị trầy xước hoặc qua niêm mạc. Cũng vì lý do này, người ta thường dạy trẻ em không sờ tay vào mặt, mồm hay tai để tránh nhiễm bệnh.
Virut Ebola có lây truyền qua không khí?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới: “Những dữ liệu dịch tễ từ đầu vụ dịch Ebola cho thấy đã không có sự lây truyền Ebola như những bệnh lây truyền khác qua không khí như thủy đậu, sởi hoặc do vi khuẩn gây lao”.
Virut Ebola rất dễ bị tiêu diệt bởi tia tử ngoại, không khí khô, nhiệt độ, nước xà phòng và cồn. Đây là những yếu tố đã hạn chế sự lây lan ở châu Phi. Vòng đời của virut Ebola rất ngắn, chỉ có vài ngày trong môi trường ẩm, mát trong dịch cơ thể.
Virut này cũng không lây lan qua thực phẩm nếu đã được nấu chín kĩ. Những vụ dịch Ebola trước đây xảy ra khi những người sống trong trong vùng đồng cỏ (savane) ăn thịt sống của con mồi săn được và đã bị nhiễm bệnh do một loài dơi nhiễm virut Ebola.
Ebola có truyền qua mồ hôi, nước bọt?
Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới, nước bọt cũng như nước mắt bệnh nhân cũng có khả năng gây truyền nhiễm. Tuy nhiên, những nghiên cứu về vấn đề này chưa chứng minh rõ rệt. Mồ hôi cũng có thể là nguồn mang virut quan trọng, nhưng cũng chưa phân lập được virut từ mồ hôi.
Ngược lại, virut Ebola đã được phân lập từ sữa mẹ.
Có thể bị lây nhiễm Ebola khi đi cầu?
Câu trả lời là có. Virut Ebola có rất nhiều trong phân cũng như nước tiểu người bệnh. Nguy cơ lây nhiễm cao cho các đối tượng khác là khi đã có bệnh nhân Ebola nặng sử dụng bồn cầu này. Tất nhiên, trường hợp này thường chỉ xảy ra tại gia đình bệnh nhân hay cơ sở y tế nơi bệnh nhân được điều trị vì bệnh nhân Ebola nặng không thể có điều kiện ra phố và sử dụng bồn cầu công cộng!
Ebola có lây nhiễm qua đường tình dục?
Các bác sĩ đã phát hiện thấy virut Ebola trong tinh dịch bệnh nhân sau khi đã khỏi bệnh. Nói chung, bệnh nhân có thể truyền bệnh khi dịch thể còn mang virut. Bệnh nhân Ebola có thể truyền bệnh trong 7 tuần sau khi đã lành bệnh.
Có thể bị lây nhiễm Ebola trên các phương tiện giao thông công cộng?
Virut có thể lây nhiễm qua các diện tích bị nhiễm bởi dịch thể như máu, chất nôn, phân, nước tiểu. Do đó, nếu bệnh nhân Ebola đã nôn, làm dính máu, phân, nước tiểu trên ghế ngồi, người dính phải chất này có thể bị lây nhiễm nếu tiếp xúc với các phần cơ thể bị tổn thương hoặc chạm vào tay đã trầy xước hoặc đưa tay nhiễm virut lên mặt, vào niêm mạc...
Ở châu Âu và Hoa Kỳ, khi một người đã được xác định nhiễm Ebola, cơ quan y tế đã phải bỏ nhiều công sức để tìm những phương tiện người này đã sử dụng trước đó để khử trùng.
Có thể bị lây nhiễm Ebola nếu bị ho vào mặt?
Bệnh nhân Ebola ít bị ho hay hắt hơi. Về mặt lý thuyết, bệnh nhân nhiễm Ebola ở giai đoạn nặng có khả năng mang nhiều virut. Khi ho, hắt hơi có khả năng làm bắn những hạt nhỏ vào mặt những người xung quanh. Những hạt này có thể mang theo virut. Tuy nhiên, người có nguy cơ cao bị lây nhiễm là nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân.
(Theo SNI, 11/2014)
Nguyên Văn
Các nhân viên y tế nhất thiết phải trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân Ebola.