Hà Nội

Ebola “ẩn nấp” trong động vật hoang dã?

19-10-2014 23:45 | Quốc tế
google news

Virut Ebola đang gây ra bệnh dịch trên quy mô lớn tại vùng miền Tây châu Phi và làm cho cộng đồng quốc tế lo ngại.

Virut Ebola đang gây ra bệnh dịch trên quy mô lớn tại vùng miền Tây châu Phi và làm cho cộng đồng quốc tế lo ngại. Tuy nhiên, dịch này không xuất hiện từ trước. Cũng như nhiều tác nhân gây bệnh khác, virut Ebola “ẩn nấp” và chờ thời cơ “xuất đầu lộ diện” để tung hoành. Như vậy, có những động vật mang trong mình virut Ebola và có sức đề kháng với virut này.

Người không phải là đối tượng duy nhất bị nhiễm virut Ebola. Sốt xuất huyết Ebola là một loại bệnh lây nhiễm nghiêm trọng, nhắm vào cả loại linh trưởng không thuộc chi người như khỉ đột, tinh tinh và một số loài khỉ khác. Những loại động vật này không phải là nơi chứa chấp virut Ebola vì chúng cũng là đối tượng bị lây nhiễm.Theo giới chuyên gia, dịch sốt xuất huyết Ebola có thể lây truyền sang người từ một động vật hoặc từ một người bị nhiễm virut. Virut Ebola lại được phát hiện ở người vào đầu năm 2014, tại Guinea, rồi Liberia. Sau đó, virut lan truyền tại Sierra Leone để trở thành ổ dịch lớn nhất trong lịch sử và tại miền Tây châu Phi. Theo Tổ chức Thú y Thế giới, mặc dù xác định được loại virut gây dịch bệnh, nhưng nguồn gốc khởi phát dịch vẫn chưa rõ. Có rất nhiều khả năng là ban đầu, virut chỉ lây từ một loại động vật hoang dã nào đó sang một người duy nhất. Hiện nay, dịch bệnh lây từ người sang người và không có gì để chứng minh rằng động vật vẫn tiếp tục là tác nhân lây lan virut.

WHO khuyến cáo tránh mọi tiếp xúc với động vật hoang dã tại vùng dịch.

Các nghiên cứu trên thực địa và điều tra dịch bệnh cho thấy, động vật ấp ủ virut Ebola có thể là dơi quạ, một loại dơi to thường có ở châu Phi, nhưng chúng lại không có triệu chứng bị bệnh. Theo giới chuyên gia, có rất nhiều khả năng, ban đầu, virut Ebola lây truyền sang người từ những động vật như dơi quạ hoặc từ loại linh trưởng không thuộc chi người, khi người ta đi săn, bắt hoặc thu lượm xác động vật hoặc trong lúc cắt, chia thịt động vật hoang dã. Tại một số vùng nông thôn ở châu Phi, dơi quạ là một nguồn thịt phổ biến, cung cấp thức ăn cho người dân. Với hai bàn tay trần, người ta bắt và làm thịt dơi quạ trước khi đem nấu, sấy khô hoặc hun khói. Như vậy, virut có thể lây sang người trong quá trình này hoặc do ăn hoa quả hoang dại có dính nước dãi, phân của dơi quạ trong những vùng bị lây nhiễm. Vừa qua, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) bày tỏ lo ngại về mối nguy hiểm do việc ăn thịt dơi quạ, loại động vật ăn hoa quả vì chúng chứa, ấp ủ virut Ebola. Và FAO khuyến cáo, cần nỗ lực giải thích cho các cộng đồng cư dân ở nông thôn về mối nguy hiểm bị lây nhiễm virut Ebola khi ăn một số loại động vật hoang dã. Thực tế, một số loại động vật này được chế biến thành thịt sấy khô hoặc sấy tẩm gia vị và được người dân trong các vùng hiện đang có dịch bệnh ưa thích. FAO cũng nhấn mạnh, dơi quạ không phải là mối đe dọa duy nhất mà cả một số loài linh trưởng và động vật chân đầu (céphalophe). Tổ chức Thú y Thế giới nhấn mạnh đến các khuyến cáo của WHO như tránh mọi tiếp xúc với động vật hoang dã tại các vùng bị nhiễm virut, nhất là dơi quạ, khỉ và các động vật gặm nhấm.

Một nhân viên Liên hợp quốc (LHQ) bị nhiễm Ebola vừa qua đời tại một bệnh viện ở Đức. Các bác sĩ tại bệnh viện ở Leipzig cho biết, người đàn ông 56 tuổi đã chết vào đầu giờ sáng ngày 14/10. Ông này là nhân viên y tế của LHQ tại Liberia - một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước đợt bùng phát này. Đây cũng là nơi ông bị nhiễm Ebola. Ông tới Đức từ tuần trước để được điều trị. “Bất chấp những biện pháp y tế tích cực và những nỗ lực tối đa của toán nhân viên y tế, nhân viên LHQ 56 tuổi đã bị nhiễm bệnh nặng”, một tuyên bố từ Bệnh viện St Georg nói. Ông là bệnh nhân Ebola thứ ba được điều trị virut chết người này tại Đức.

Một bệnh nhân khác vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Frankfurt trong khi bệnh nhân thứ ba được xuất viện ở Hamburg sau 5 tuần điều trị. Đợt bùng phát bệnh dịch này đã khiến hơn 4.000 người thiệt mạng kể từ tháng 3 năm nay, phần lớn tại Liberia, Sierra Leone, Guinea và Nigeria. WHO nhấn mạnh, đây là “tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng nhất từng có trong thời hiện đại”. Hoa Kỳ và Anh Quốc bắt đầu áp dụng việc kiểm tra y tế tại sân bay.

(Theo Science et vie)

Lê Sơn

 


Ý kiến của bạn