Theo đó, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tiến hành rà soát toàn bộ các chính sách an sinh xã hội với người cao tuổi theo các quy định của pháp luật.
Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến tháng 4/2019, cả nước có 11,3 triệu người cao tuổi và 6,2 triệu người khuyết tật có thẻ BHYT, chiếm 95%, hiện tại chỉ còn khoảng 5% người cao tuổi, người khuyết tật chưa có thẻ BHYT. Báo cáo của cơ quan quản lý người cao tuổi cũng cho thấy, hiện tại, số người cao tuổi chưa có thẻ BHYT hầu hết thuộc nhóm từ 60 - 79 tuổi, không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội. Thậm chí, có người cao tuổi dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn không đủ điều kiện, khả năng tài chính để mua thẻ BHYT.
Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ trước mắt xem xét điều chỉnh mức đóng, mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người cao tuổi trên cơ sở tính toán khả năng cân đối quỹ.
Về mặt định hướng, ngân sách nhà nước đã giảm chi cho các bệnh viện do tính tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, do đó, Bộ Y tế đề xuất dùng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giảm chi này để nâng mức đóng, mức hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia BHYT, trong đó có người cao tuổi cần ưu tiên. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ nhóm người cao tuổi từ 60 - 79 tuổi tham gia BHYT theo hộ gia đình và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ.
Khám chữa bệnh cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án huy động ngân sách từ nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cao tuổi và người khuyết tật chưa có thẻ BHYT trên địa bàn, ngoài phần kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Mức ngân sách hỗ trợ tại các địa phương (63 tỉnh) đóng BHYT đối với người cao tuổi dự kiến là 700.000 đồng/1 người cao tuổi hoặc người khuyết tật/1 năm, dự kiến khoảng 600 tỷ đồng/năm.
Bộ Y tế kiến nghị “Về lâu dài, cần đưa nội dung xây dựng, hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người cao tuổi vào nội dung vào sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, làm thế nào tất cả các đối tượng đủ điều kiện công nhận là người cao tuổi thì được hưởng đầy đủ mức đóng BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm...”.
Hiện nay, người cao tuổi đang tham gia BHYT theo các đối tượng: Người cao tuổi trên 60 tuổi, vẫn đang làm việc tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp: người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHYT cho người cao tuổi; Người cao tuổi thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình... tham gia BHYT theo nhóm đối tượng hộ gia đình; Người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên được ngân sách nhà nước cấp thẻ BHYT.
Năm 2017, có 52,8 triệu lượt khám chữa bệnh của người cao tuổi (chiếm tỷ lệ 31,4% số lượt khám chữa bệnh trên toàn quốc) với chi phí là 35.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,2% tổng chi toàn quốc). Năm 2018, ước tính có khoảng 57 triệu lượt khám chữa bệnh của người cao tuổi (chiếm tỷ lệ khoảng 34% số lượt khám chữa bệnh trên toàn quốc).
Tại một số địa phương đã cấp ngân sách mua thẻ BHYT cho người cao tuổi từ 75 đến dưới 80 tuổi. Thời gian tới, để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với người cao tuổi, cần có giải pháp huy động sự hỗ trợ từ các nguồn khác hoặc có lộ trình giảm dần độ tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí cho người cao tuổi...
Để thuận tiện khi khám chữa bệnh BHYT và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn đối với người cao tuổi, hiện nay, đối tượng này được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện thuận tiện với nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám chữa bệnh.
Người cao tuổi được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến Trung ương khi có khả năng đáp ứng được việc tiếp nhận đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Riêng đối với người cao tuổi trên 80 tuổi, được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương...