Ðề xuất “bài thuốc” chữa vô cảm

24-11-2013 20:55 | Thời sự

Chữa bệnh phải từ gốc, khi bệnh mới có những biểu hiện đầu tiên và phòng bệnh hơn chữa bệnh bởi ai cũng có lòng thương cảm nhưng vì nhiều lý do, lòng thương cảm mất dần để cho sự vô cảm xuất hiện và phát triển thành bạo bệnh.

LTS: “Một xã hội vô cảm sẽ là một xã hội chết - cái chết trước hết từ tâm hồn”- Nhận định đó quả thật không sai trước sự vô cảm đang hiện hữu và ngày càng lan rộng trong đời sống xã hội như một thứ dịch bệnh. Đừng nghĩ thứ “virut vô cảm” ấy không ảnh hưởng đến bản thân bạn, gia đình bạn. Người bị tai nạn giao thông nằm lại trên đường không được đưa đến bệnh viện kịp thời, người bị cướp giật đơn độc chống lại kẻ bất lương trong khi bao người khác đứng nhìn, những đồng tiền cứu trợ bị cắt xén đút túi kẻ có quyền vô lương... Vô cảm nhiều khi chính là tội ác! Hãy cùng chúng tôi, mỗi người góp một tiếng nói, ngõ hầu đẩy lùi căn bệnh này trước khi nó trở thành đại dịch nhấn chìm chúng ta! Mọi bài vở xin gửi về báo Sức khỏe&Đời sống: “Diễn đàn: Tuyên chiến với vô cảm”, email: baoskds@yahoo.com hoặc bandientuskds@gmail.com.

Chữa bệnh phải từ gốc, khi bệnh mới có những biểu hiện đầu tiên và phòng bệnh hơn chữa bệnh bởi ai cũng có lòng thương cảm nhưng vì nhiều lý do, lòng thương cảm mất dần để cho sự vô cảm xuất hiện và phát triển thành bạo bệnh.

Ai cũng thấy, bệnh vô cảm đang trở nên bức xúc trong đời sống xã hội và một trong những cách chữa là bằng... một chương trình cố định trên truyền hình.

Bài thuốc này do một chương trình giải trí trên sóng truyền hình phát minh khi mời một diễn viên giả làm chị đồng nát với chiếc xe đạp cà tàng chở hai bao tải lồng cồng cố tình tuột dây, bị đổ trên đường hoặc một anh diễn viên đi xe đạp trên phố cứ nhè trước ai đó, nhóm người nào đó mà lăn ra như bị say nắng, động kinh. Tất nhiên, theo diễn viên là máy quay bí mật ghi lại thái độ của những người xung quanh khi thấy “chị đồng nát rơi bao tải” hay “anh thanh niên bị ngã”.

Chương trình giải trí tưởng chỉ để tìm những nụ cười thư giãn nhưng quan sát thái độ người xem chương trình này thấy đã vượt ra khỏi mục đích giải trí, mang ý nghĩa giáo dục rất lớn. Nhiều người xem bình luận rất sôi nổi về thái độ của những người trong clip khi thấy người gặp khó khăn. Người lo lắng, tận tình giúp đỡ “nhân vật chính” được hoan nghênh, người vô cảm nhìn rồi bỏ đi bị chê cười. Nếu người vô cảm lọt trong clip chắc sẽ bị người thân quen đánh giá lại.

Chữa bệnh vô cảm không thể bằng những hô hào vì thực chất, ai cũng lên án kẻ vô cảm và biết thế nào là vô cảm. Clip do diễn viên sắm vai như “thử lòng người” trên sẽ là bài học giáo dục sâu sắc không bằng thuyết giáo mà bằng “giáo cụ trực quan” cụ thể, sinh động. Người giáo dục chính lại là bạn xem truyền hình, là thái độ người thân của những người vô cảm lọt vào clip.

Nếu đài truyền hình biến chương trình thư giãn trên thành chương trình nghiêm túc, phát vào giờ vàng hàng ngày hoặc ngày nào đó trong tuần sẽ có tác dụng rất lớn. Tâm lý nhiều người “thích lên tivi” nhưng “lên tivi” bằng sự vô cảm bị bắt quả tang của mình thì chả ai muốn. Ngược lại, những người có lòng thương cảm được lọt vào clip, phát trên sóng truyền hình thì được động viên, khen ngợi như một dạng “người tốt việc tốt” không lời, bằng hình ảnh.

Lúc đầu có thể là những clip dàn dựng nhưng người đi đường thấy chuyện cần giúp đỡ trên đường đâu biết hiện tượng nào là thật, hiện tượng nào là dàn dựng và khi biết trên truyền hình có “mục” này, chắc hiện tượng vô cảm trên đường phố sẽ giảm dần. Tất nhiên, phải có tổ chức có trách nhiệm bỏ kinh phí dàn dựng, bí mật quay phim, phát sóng nhưng đây là khoản đầu tư rất có tác dụng, có giá trị khó tính đếm.

Khi chương trình ổn định sẽ có phóng viên, cộng tác viên gửi những clip ghi cảnh thật không hề dàn dựng về chương trình để biên tập và phát sóng. Nội dung lúc này sẽ rất phong phú khi chuyện không chỉ xảy ra trên đường mà có cả trên xe buýt, trong bệnh viện, nơi công sở giải quyết việc của dân. Rồi những camera đặt tại nơi công cộng cũng có thể được lọc ra nội dung thích hợp để tham gia chương trình do chính cơ quan đặt camera gửi đến.

Sự có mặt của chương trình trên trên sóng truyền hình theo lịch cụ thể vào giờ vàng cũng là lời động viên những người tốt, nhắc nhở những ai vô cảm.

Khi vô cảm nhỏ được chữa trị ngay từ đầu mới mong không có những vô cảm lớn như vô cảm trước nỗi khổ của dân mà “yên tâm” tham nhũng hoặc vô cảm trước nguy cơ tụt hậu của đất nước. Khi lòng thương cảm trong mỗi người dân là nét chủ đạo trong xã hội, chắc chắn tính gắn kết trong cộng đồng sẽ mạnh hơn rất nhiều, là động lực cho sự phát triển của đất nước.

Lê Thuận


Ý kiến của bạn