Hà Nội

Ðể viêm phế quản cấp không làm hại bạn

01-09-2016 13:58 | Dược
google news

SKĐS - Viêm phế quản cấp (VPQC) tính là tình trạng niêm mạc của phế quản bị tổn thương do tác động của tác nhân gây bệnh và gây nên các triệu chứng lâm sàng cấp tính (xảy ra nhanh, đột ngột).

Viêm phế quản cấp (VPQC) tính là tình trạng niêm mạc của phế quản bị tổn thương do tác động của tác nhân gây bệnh và gây nên các triệu chứng lâm sàng cấp tính (xảy ra nhanh, đột ngột). Là một bệnh thường gặp trong cộng đồng, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay. Bệnh có thể  gặp ở mọi lứa tuổi gây tổn hại cho sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Nguy hiểm hơn nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, dứt điểm bệnh có thể gây biến chứng.

Nguyên nhân VPQC?

Có nhiều nguyên nhân gây nên VPQC tính, trong đó phải kể đến do sức đề kháng yếu, đặc biệt là người bị liệt, nằm lâu ngày, suy dinh dưỡng (trẻ em, người già), suy kiệt (nằm liệt giường), mắc một số bệnh mạn tính (còi xương, hen phế quản...), sau mắc một số bệnh nhiễm khuẩn (cúm, sởi...) khi có các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể không đủ sức đề kháng để chống lại chúng. Thêm vào đó là các yếu tố thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, đó là thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt hoặc người nghiện thuốc lá, thuốc lào hoặc môi trường nhiều khói, bụi, mắc bệnh hen mạn tính. Tác nhân gây bệnh VPQCT xếp hàng đầu là các loại virut đường hô hấp (Adeno virut, Rhino virut; Echo virut; virut cúm, á cúm,...). Bên cạnh virut là vi khuẩn phế cầu, H. influenza, não mô cầu (luôn thường trực ở họng, mũi), tụ cầu, liên cầu, Mycoplasma,... đều có thể gây viêm phế quản cấp khi sức đề kháng kém và các điều kiện thuận lợi khác, chúng sẽ xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Ngoài ra, VPQC có thể do sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm cho vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và người đó dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có bệnh VPQC do vi khuẩn.

Khám cho bệnh nhân mắc viêm phế quản tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TT

Triệu chứng VPQC

Sốt cao, đột ngột (38 - 39oC),  một số trường hợp sức yếu (người già, trẻ còi xương suy dinh dưỡng) có thể chỉ sốt nhẹ (do phản ứng của cơ thể kém), mệt mỏi do mất nước, mất chất điện giải, nhức đầu, có cảm giác nóng rát ở phía sau xương ức, đặc biệt là khó thở. Một số trường hợp triệu chứng bắt đầu thường là viêm đường hô hấp trên (rát, ngứa họng, ho khan, hắt hơi, sổ mũi). Sau vài ngày, ho có đờm màu trắng đục như mủ hoặc vàng hoặc xanh. Nếu bị VPQC do virut, hầu hết các biểu hiện này thường kéo dài chừng 1 tuần sẽ hết, tuy vậy, ho có thể kéo dài đến vài ba tuần. VPQC do vi khuẩn, vi nấm nếu không chữa trị kịp thời bệnh càng ngày càng nặng và có thể gây nguy hiểm tính mạng, đặc biệt với trẻ em suy dinh dưỡng, còi xương, người tuổi cao, sức yếu, suy kiệt, một số khác có thể trở thành viêm phổi, phế quản phế viêm, viêm phế quản mạn tính và hay bị tái diễn.

Chẩn đoán VPQC tính, ngoài các triệu chứng lâm sàng, nên dựa vào tiền sử của người bệnh như đang hoặc đã từng viêm họng mũi, viêm VA, viêm amiđan, hút thuốc lá, nghề nghiệp tiếp xúc với hóa chất... Cần chụp Xquang phổi khi cần thiết để chẩn đoán phân biệt với bệnh khác, có thể chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ. Đồng thời, cần xét nghiệm máu xem chỉ số bạch cầu, chỉ số tốc độ lắng máu, chỉ số CRP...

Nguyên tắc điều trị

Khi nghi bị VPQC cần đi khám bệnh xác định nguyên nhân để được điều trị sớm. Đặc biệt, trẻ em suy dinh dưỡng, còi xương và người cao tuổi có sức khỏe kém không được chủ quan, bởi vì, biểu hiện của VPQC ở các đối tượng này tuy không rầm rộ nhưng đôi khi bệnh rất nặng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ hàng ngày bằng các biện pháp đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy, nếu thường bị viêm mũi, họng mạn tính, nên súc họng nước muối nhạt hàng ngày trước khi đánh răng. Nếu bị bệnh viêm họng, mũi mạn tính cần tích cực điều trị để vi sinh vật gây bệnh không còn tồn tại ở đó. Hàng ngày nên tập vận động cơ thể, tùy theo sức khỏe và điều kiện của từng lứa tuổi. Cần giữ ấm cơ thể nhất là lúc thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt. Hàng ngày nên tắm, rửa bằng nước ấm. Không nên tắm lâu, tắm xong lau khô người, đầu tóc và mặc quần áo ngay để tránh cảm lạnh, nhất là trẻ ốm yếu, còi xương, suy dinh dưỡng, người cao tuổi có sức khỏe kém. Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý đủ chất cho từng lứa tuổi, nhất là trẻ em và người cao tuổi.

BS. Việt Anh
Ý kiến của bạn