Ðể tránh xa ngộ độc thực phẩm

02-01-2016 18:54 | Tin nóng y tế

SKĐS - Những ngày lễ, Tết là những ngày mọi người thực sự được nghỉ ngơi, giải trí và ăn uống thoải mái. Có lẽ chỉ một số ngành, trong đó có ngành y tế...

Những ngày lễ, Tết là những ngày mọi người thực sự được nghỉ ngơi, giải trí và ăn uống thoải mái. Có lẽ chỉ một số ngành, trong đó có ngành y tế, các bác sĩ, y tá của các khoa cấp cứu, ngoại, trung tâm chống độc vẫn phải trực 24/24 giờ để cấp cứu cho những bệnh nhân nặng vì ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu bia, rồi tai nạn chấn thương..., Ðó là chưa kể đến những nguy cơ tiềm ẩn của bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả vẫn rình rập hay bệnh cúm gia cầm, bệnh lợn tai xanh, bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em... Vì thế, dự phòng và xử trí điều trị ngộ độc cấp do thực phẩm và rượu bia trong những ngày Tết là hết sức cần thiết.

Khối lượng thực phẩm “khủng” kết hợp sự “đỏng đảnh” của thời tiết tạo nên yếu tố nguy cơ gây ngộ độc

Tết đến, nhà nhà, người người nhộn nhịp mua bán, sắm Tết. Ngoài đường phố, trên các vỉa hè, hàng quán và siêu thị tràn ngập hàng hóa. Thực phẩm (TP), thức ăn dự trữ, bánh kẹo, rượu bia là những mặt hàng được bán chạy nhất. Gia đình nào cũng mua sắm rất nhiều TP, rượu bia cho những ngày Tết đầy đủ, phong phú và dư thừa. Sẽ khó khăn về an toàn vệ sinh TP trong việc bảo quản, sử dụng, đặc biệt các TP đã chế biến sẵn. TP không được kiểm soát và không đảm bảo vệ sinh an toàn: không rõ nguồn gốc, rượu giả, nhiễm khuẩn (chiếm 50%), nhiễm hóa chất bảo vệ và bảo quản (25%), độc tố có sẵn trong TP (25%)... là những yếu tố gây độc cho cơ thể ngay tức khắc hoặc từ từ về sau.

Việc bảo quản thực phẩm khi thời tiết không thuận lợi là yếu tố nguy cơ gây ngộ độc.

Ăn nhiều loại TP, uống nhiều loại rượu, bia trong một ngày (nồng độ rượu lớn hơn 100mg/dl máu), mất cân bằng các chất dinh dưỡng. Đơn cử như việc đưa vào dạ dày lượng thịt và mỡ quá nhiều, dạ dày, tụy, gan luôn phải làm việc quá sức, tiết nhiều các enzym để tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn sẽ gây ra đầy bụng hay viêm tụy cấp, gan nhiễm mỡ. Hay khi ăn đường, tinh bột nhiều quá có thể gây rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, tăng đường máu.

Rượu và bia không được xếp trong thực phẩm, song nó thường có mặt trong các bữa ăn, bữa nhậu ngày Tết. Các loại nước ngọt (như pepsi, cocacola, nước cam,...) phần lớn đưa vào cơ thể một lượng đường hóa học hay tự nhiên, chất gây sinh hơi, đôi khi bị nhiễm các chất độc như: kim loại nặng, các hóa chất hữu cơ như povinylchlorides, các thuốc màu, mùi thơm, hoặc nhiễm nấm vi sinh vật.

Các loại rượu, bia thực sự đáng lo ngại bởi lẽ rất nhiều loại rượu có nhãn mác nhập từ ngoài vào rất khó kiểm soát rượu nào là thật là giả, chất lượng của rượu cũng khó nhận biết, đó là chưa kể các loại rượu do người dân tự nấu không đảm bảo vệ sinh, an toàn nên rất dễ dị ngộ độc. Ngộ độc rượu không chỉ gây hại cho sức khỏe mà đôi khi có thể gây tử vong. Nếu ngộ độc ethanol, bệnh nhân hôn mê sâu, hạ đường huyết, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim và xa hơn là nó tàn phá dần gan của người quen uống rượu. Ngộ độc rượu có methanol (pha từ cồn công nghiệp) thì cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng người bệnh, nếu cứu sống được thì người bệnh có thể có biến chứng mù mắt suốt đời.

Thời tiết thay đổi lạnh quá, người có tuổi (trên 50 tuổi) dễ bị viêm phổi, tăng huyết áp, đột quỵ. Nếu nóng quá, ngộ độc TP thường do thức ăn ôi thiu, nhiễm khuẩn.

Những biểu hiện khi ngộ độc TP

Các triệu chứng cấp tính của ngộ độc TP xảy ra ngay sau khi ăn từ 30 phút, chậm hơn là 6-10 giờ, thậm chí có thể kéo dài đến 2-3 ngày sau mới xuất hiện triệu chứng là tùy thuộc vào mỗi tác nhân gây ngộ độc. Ví dụ: các độc tố, độc chất có trong TP, triệu chứng xuất hiện sớm nhanh hơn; các vi khuẩn, độc tố nấm triệu chứng xuất hiện muộn hơn, từ từ hơn.

Nhưng dù sớm, dù muộn, các triệu chứng thường có là: nôn, buồn nôn, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy; khát nước, đái ít, mệt lả, yếu cơ, sốt hay không sốt; biểu hiện thần kinh cơ (do các độc tố, nội độc tố vi khuẩn, yếu cơ, liệt cơ, lơ mơ, co giật, hôn mê, suy hô hấp); biểu hiện tuần hoàn: mạch nhanh, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp; biểu hiện suy gan, suy thận (các độc tố: nấm độc, mật cá trắm); vàng da, vàng mắt, nước tiểu thẫm màu, đau vùng gan, đái ít hay vô niệu; rối loạn chức năng gan và thận trên xét nghiệm.

Xử trí thế nào?

Thầy thuốc cần định hướng nguyên nhân gây ngộ độc TP, đánh giá mức độ nặng của người bệnh và nguyên nhân gây ngộ độc TP để có kế hoạch điều trị, theo dõi và thông báo cho đồng nghiệp. Cần hiểu rằng:

Hơn 80% tiêu chảy nhiễm khuẩn ở thể nhẹ và trung bình có thể khỏi không điều trị hoặc đáp ứng với điều trị: bù nước, điện giải và kháng sinh trong vòng 3 - 5 ngày.

Bệnh nhân mất nước và điện giải nặng: (nôn liên tục, tiêu chảy liên tục), đặc biệt ở lứa tuổi trẻ em dưới 2 tuổi và người già cần phải cho nhập viện ngay nếu thấy các dấu hiệu như khát, môi khô, mắt trũng, đái ít, li bì, trướng bụng, sốt hay hạ thân nhiệt.

Lưu ý:

Cho uống đủ nước: nước cháo muối, nước gạo rang, tốt nhất là dùng gói chống mất nước điện giải oresol (ORS): pha theo đúng chỉ dẫn trên bao bì, uống liên tục trước khi chuyển tới bệnh viện.

Truyền dịch tại cơ sở y tế: natriclorua 0,9% và glucoza 5% từ 1-4 lít/24 giờ cho tới khi duy trì được huyết áp bình thường và tiểu tiện bình thường.

Chỉ dùng kháng sinh khi bệnh nhân có sốt, phân có máu nhầy mũi, hồng cầu và bạch cầu theo chỉ dẫn của chuyên gia chống độc hay phác đồ hướng dẫn.

Ðể tránh xa ngộ độc ngày lễ, Tết

Cách tốt nhất để tránh xa những rắc rối của “căn bệnh từ miệng vào” trong ngày Tết là không nên ăn quá no, uống quá nhiều trong một bữa và trong cả ngày. Không chế biến nhiều thực phẩm, để tủ lạnh lâu và nấu lại nhiều lần. Không ăn nhiều thịt, TP rán, chiên có nhiều dầu mỡ, hạn chế TP có đường ngọt. Không uống nhiều loại nước ngọt, hạn chế tối đa uống rượu và bia. Thức ăn cần nấu chín, hạn chế rau sống. Tránh lạnh, giữ chế độ sinh hoạt, ăn, ngủ điều độ.

Chúc mọi người thưởng thức những ngày Tết vui vẻ, khỏe mạnh và không bị ngộ độc thực phẩm.


GS.TS. Nguyễn Thị Dụ
Ý kiến của bạn