Hà Nội

Ðể trang phục truyền thống quay trở lại

16-10-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Con xin phép được dùng từ tù túng khi mặc áo dài. Chúng con thấy bức bối”, một nữ sinh Trường Đại học (ĐH) Văn hóa nói với họa sĩ Thu Hà - người chuyên thiết kế trang phục cho nhiều phim lịch sử.

“Con xin phép được dùng từ tù túng khi mặc áo dài. Chúng con thấy bức bối”, một nữ sinh Trường Đại học (ĐH) Văn hóa nói với họa sĩ Thu Hà - người chuyên thiết kế trang phục cho nhiều phim lịch sử.

Đằm thắm hay tù túng?

Nhiều mẫu trang phục truyền thống được mặc trong hội thảo về trang phục truyền thống trong phim và sự trở lại của nó trong đời sống đương đại vừa được tổ chức bởi nhóm Đình làng và ĐH Văn hóa. Chiếc áo năm thân của giai nhân trong Long thành cầm giả ca. Áo dài cách tân của cô Hoàng Hôn, cô Tuyết trong Trò đời. Áo dài nam của chí sĩ Phan Bội Châu trong phim Người cộng sự. Áo dài của vị quan văn- anh trai đại thi hào Nguyễn Du... Tất cả đều mang trong mình ánh vàng son từ quá khứ.

Ðể trang phục truyền thống quay trở lại

Chất liệu phù hợp và sự thoải mái mặc lại các trang phục là yếu tố giúp trang phục truyền thống quay trở lại.

Nhưng dường như không chỉ mang đến vẻ đẹp vàng son từ quá khứ, buổi trình diễn trang phục này còn mang đến băn khoăn nhiều hơn. Nhất là băn khoăn từ những người trẻ. “Con muốn mặc như thế này, để được sang trọng như các cô ở đây. Áo dài giờ cách điệu rất nhiều. Nhưng khi mặc áo dài, con xin được phép dùng từ tù túng. Mỗi khi phải mặc thì chúng con thấy bức bối. Cô có thể thiết kế cách điệu một bộ áo dài sao cho khác mà vẫn sang trọng như truyền thống. Làm thế nào để thích mặc áo dài”, một sinh viên ĐH Văn hóa chia sẻ với họa sĩ thiết kế trang phục Thu Hà.

Những chia sẻ như vậy có lẽ không xa lạ với bà Thu Hà. Bà đã đi một chặng đường dài với việc làm sống lại các trang phục truyền thống trên phim. Chặng đường quá đủ để thấm thía niềm vui, nỗi buồn và nhất là sự khác biệt trong tinh thần của từng mẫu áo. “Khi phim Trò đời quay tại Hoàng thành Thăng Long cũng đúng vào mùa chụp ảnh kỷ yếu. Hàng trăm sinh viên mặc áo dài đi qua. Chúng tôi ngắm nhìn. Các bạn có vẻ đẹp tuổi trẻ. Nhưng nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn đã tiếc nuối, thất vọng, ngạc nhiên vì thấy từ sáng tới chiều chưa thấy bộ áo dài nào đẹp, bà Thu Hà kể lại.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức lại góp một câu chuyện về trang phục truyền thống khác. Có lần, ông tổ chức liền mấy đêm quan họ ở nhà mình. Sau tối đầu tiên, nhiều họa sĩ nói nhỏ với ông, để mai tôi lên đón các cô quan họ nhé. “Sáng hôm sau một số anh lên đón diễn viên của đoàn quan họ thật. Khi các cô trút bỏ trang phục thì các họa sĩ đều không vui cả. Chứng tỏ trang phục xưa đã thuyết phục các nghệ sĩ nếu như nó đúng với cử chỉ, hành vi”, ông Đức nói.

Đứt gãy văn hóa hàng chục năm

Những năm dài đi làm thiết kế, bà Hà cũng phải gặp, hỏi chuyện nhiều người. Vì thế, bà biết, ngày xưa cũng không có nhà thiết kế riêng cho áo dài. Việc chọn may như thế nào đều do mỗi người tùy theo chiều cao cân nặng của mình mà lấy chỉnh.

“Tôi gặp cụ Đặng Thị Lân ở 56 Hàng Đào, một hiệu buôn tơ lụa lớn. Bà chia sẻ phụ nữ Hà Nội ngày xưa cứ đi ra khỏi nhà là mặc áo dài. Bốn mùa đều vậy. Vì thế, có cả áo dài tơ lụa và áo dài dạ. Bây giờ các bạn vẫn có thể thấy một tà áo dạ của cụ được thêu hoa cầu kỳ được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ. Cũng có cả áo dài bông trần. Mỗi người sẽ tự tìm được cái hợp nhất cho mình mà không ai có thể áp đặt được. Lựa chọn là do chính các bạn. Nếu các bạn yêu văn hóa thì sẽ tìm được bộ hợp nhất với bản thân”, bà Hà nói.

Ông Đức cho rằng, đi kèm với việc mặc trang phục truyền thống còn cần có không gian chuẩn, hành vi chuẩn. “Ví dụ ngồi phải hất cái tà sau lên. Đôi khi ta mặc mà không có thói quen ứng xử như vậy thì nó không đẹp”, ông nói.

Chính vì thế, lựa chọn trang phục truyền thống cho mình là việc mang tính cá nhân rất rõ nét. Chưa kể, do nhiều khó khăn một thời, việc mặc áo dài thường ngày đã bị đứt đoạn nhiều năm. Hệ quả của nó, rất rõ, là cho tới giờ nhiều người vẫn “ngộ nhận” về áo dài. Họ cho rằng, áo dài kén người, áo dài bất tiện, ái dài chỉ có thể may bằng một số chất liệu nhất định.

Theo nhiều nhà thiết kế trang phục, ngay cả những người bán vải chuyên nghiệp cũng nhầm lẫn về chất liệu áo dài, về áo dài. “Khi tôi ra hàng vải mua vải may áo dài, có loại vải họ còn không muốn bán. Họ nói nếu may áo dài bằng vải này sợ hỏng tôi sẽ đến bắt đền. Rất nhiều bộ áo dài tôi may bằng vải may quần tây, may áo veste. Sau đó, khi trang phục may xong, tôi quay lại tặng ảnh, lịch thì họ đều thích thú. Với trang phục nữ,  hoàn toàn có thể may bằng phin hoa nhẹ nhàng, mặc mùa hè rất mát. Vải nào cũng may được áo dài. Những bộ tôi may cũng đều bằng vải bình dân, may theo cách truyền thống”, bà Dương Thúy Hằng - Chuyên viên Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết.

Chính vì thế, theo bà Hà, mọi người nên tự lựa chọn và thoải mái mặc lại các trang phục truyền thống. Điều này, nếu được làm nhiều hơn, theo thời gian các trang phục đó sẽ trở lại.

Về việc đưa áo dài trở lại với đời sống nhiều hơn, nhóm Đình làng Việt cũng đã phát động một sự kiện vào Tết năm tới. Tham dự sự kiện đó, khách đến được khuyến khích mặc toàn áo dài nam nữ truyền thống. Họa sĩ Đức Hòa cho biết: “Nếu chúng ta không tự tin, yêu mến bản thân truyền thống của mình thì đừng mong người khác làm giúp cho ta chuyện đó”, ông nói.

 Nguyễn Trinh

 


Ý kiến của bạn