Ngứa và ngứa dữ dội là biểu hiện đầu tiên và đặc trưng của bệnh
Ngứa là dấu hiệu đầu tiên, do đó thường gọi là “ngứa liken hóa” khu trú ở một vùng da, có sẵn yếu tố chà xát (cổ áo, thắt lưng) ẩm ướt lép nhép (khí hư) ở bệnh nhân rối loạn thần kinh, ngứa ban đầu nhẹ và nổi thành cơn sau thành đợt dữ dội nhất là về đêm. Ngứa từng cơn khiến người bệnh mất ngủ, kích động bệnh nhân dùng tay gãi thương tổn. Dần dần vùng da ngứa bị gãi nhiều trở thành đỏ sẩn hơi nhăn, hơi cộm, nổi những sẩn dẹt bóng, sau thành một đám, có xu hướng hình bầu dục, đôi khi thành vệt dài có viền không đều, không rõ. Ở những đám điển hình có thể phân biệt 3 vùng: vùng ngoài sẫm màu hơi ráp, da hơi nhăn, hơi cộm, vùng giữa có sẩn nhỏ san sát bên nhau, màu đỏ sẫm, mặt bóng dạng liken, đôi khi có vảy da, có vết gãi xước, vùng trung tâm rộng hơn cả, màu sẫm dày cộm, hằn da nổi rõ thành vệt chéo nhau, ở giữa các hằn da có sẩn dẹt, bóng.
Xuất hiện những vảy xám, đục, có khi trắng như bột: Tùy từng vị trí, có khi trên mặt đám vẩy da xám đục, có khi trắng như bột, sừng hóa ở các nếp, tổn thương có thể hơi chợt. Ở bìu da cộm, sẫm màu, hằn da sâu, dễ bị chợt nhiễm khuẩn phụ. Ở niêm mạc âm hộ có thể có bựa trắng dạng bạch sản. Ở bẹn, nách có thể liken hóa phì đại, thành đám sùi cộm, thành khối u rất ngứa.
Hình ảnh viêm da thần kinh trên vùng cổ ngực.
Đám viêm bì thần kinh có thể đơn độc hoặc đối xứng, hoặc rải rác nhiều nơi, tiến triển hàng tháng, hàng năm, hay tái phát, ngày càng cộm càng sẫm màu hoặc bạc màu dạng bạch biến. Do ngứa gãi nhiều thành nhiễm khuẩn phụ, nổi đinh nhọt áp-xe cạnh tổn thương. Bệnh càng nặng càng ảnh hưởng đến thần kinh của bệnh nhân.
Truy tìm nguyên nhân
Căn nguyên ban đầu chưa rõ, chỉ biết rằng ngứa, gãi, dày da và liken hóa là một vòng luẩn quẩn làm cho bệnh nặng thêm. Kích thích ban đầu, dường như liên quan đến stress hoặc rối loạn xúc cảm, gây ra chu kỳ ngứa - gãi - ngứa. Điều này kích thích tăng sản biểu bì phản ứng mà biểu hiện trên lâm sàng là liken hóa. Viêm da thần kinh được xác định sau khi loại trừ các nguyên nhân phổ biến hơn gây viêm da như viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc kích thích. Bên cạnh đó có thể do: Rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày hành tá tràng. Ở bìu, cần chú ý phát hiện giun kim. Ở âm hộ cần phát hiện khí hư, Candida, Trichomonas...
Có gì khác với các bệnh da khác?
Viêm da thần kinh cần phân biệt với một số bệnh như: Bệnh vẩy nến, là một bệnh có biểu hiện thông thường bằng dát đỏ hơn và trên có vảy dày, trắng hay thấy ở vùng khuỷu tay, đầu gối, da đầu; Bệnh liken phẳng biểu hiện là những sẩn nhỏ, hình đa giác, màu tím; Bệnh chàm đồng tiền. Đôi khi có thể cần đến sinh thiết để xác định chẩn đoán khi những tổn thương giống vẩy nến hoặc thậm chí giống liken phẳng. Nhiễm nấm không điển hình cũng có thể gây nhầm lẫn. Quan sát nấm có thể loại trừ được khả năng này.
Viêm da thần kinh thể liken hóa khu trú vùng gáy.
Cần phá vỡ vòng xoắn bệnh lý ngứa - gãi - ngứa trong điều trị
Điều trị bệnh viêm da thần kinh cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và bệnh nhân để phá vỡ vòng luẩn quẩn ngứa - gãi, bao gồm dùng các thuốc kháng histamin đường uống để giảm ngứa, các steroid tại chỗ để ức chế viêm, các kháng chế phẩm chứa hắc ín hoặc ichthyol để chống ngứa và bạt sừng. Băng bịt để ngăn ngừa gãi, tránh gãi trực tiếp vào thương tổn trong khi ngủ là điều trị có hiệu quả nhất. Trong một số trường hợp tiêm nội tổn thương bằng chế phẩm corticoid như triamcinolon có thể có hiệu quả.
Lời khuyên của thầy thuốc
Viêm da thần kinh ít khi tự khỏi mà có xu hướng đỡ khi được điều trị bằng thuốc bôi corticoid nhưng rồi sẽ tái phát ở vị trí khác. Bệnh nhân cũng cần biết tác hại của gãi, của stress và sang chấn về tinh thần đều là những tác nhân gây ngứa, do vậy cần hết sức tránh các tác nhân này. Bệnh này khác với bệnh dị ứng nên không cần ăn kiêng.