Ðề thi sẽ theo hướng giảm học vẹt máy móc

02-06-2014 06:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng ngày 1/6, tại các hội đồng thi trên cả nước, hơn 910 ngàn thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THTP năm 2014 đã nghe phổ biến quy chế thi và xem lại số báo danh

Sáng ngày 1/6, tại các hội đồng thi trên cả nước, hơn 910 ngàn thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THTP năm 2014 đã nghe phổ biến quy chế thi và xem lại số báo danh, phòng thi trước khi kỳ thi chính thức diễn ra vào sáng ngày 2 - 4/6. Trước “giờ G” của kỳ thi tốt nghiệp THPT được coi là có nhiều đổi mới, phóng viên báo SK&ĐS đã ghi lại ý kiến của đại diện Bộ GD&ĐT về những nội dung liên quan đến kỳ thi.

Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Thí sinh không nên quá lo lắng về đề thi

Trước chủ trương đổi mới cách ra đề thi của Bộ GD&ĐT, theo tôi, các thầy cô, các em thí sinh không phải lo lắng. Về nguyên tắc, đề thi sẽ phù hợp với thời gian làm bài của môn đó và đặc biệt là phù hợp với mục tiêu làm sao đảm bảo độ tin cậy, đánh giá được mức độ của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Định hướng chủ đạo trong đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT năm nay là tăng cường các câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, hiểu biết xã hội để giải quyết các vấn đề chứ không yêu cầu ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Vì vậy, mặc dù nội dung đề thi không nằm ngoài kiến thức, kỹ năng của THPT, chủ yếu là lớp 12, nhưng nếu thí sinh ôn tập tốt, biết vận dụng kiến thức và hiểu biết thực tế thì kết quả làm bài thi sẽ tốt hơn.

Đề thi năm nay có điểm mới ở hai môn: môn ngữ văn có phần đọc hiểu, ngoại ngữ có thi viết. Bộ chủ trương ra đề theo hướng giảm học vẹt, học tủ, học thuộc lòng một cách máy móc không cần thiết. Cụ thể, đề thi môn văn nội dung đọc hiểu chiếm khoảng 30% của đề thi, dung lượng thời gian làm bài 120 phút. Nhưng Bộ không đóng khung một tỷ lệ cứng nhắc. Cụ thể như thế nào sẽ do hội đồng đề quyết định.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT: Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế, đặc biệt là liên quan đến đạo đức nhà giáo

Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay, để đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc trong các buổi thi, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương tập trung quán triệt quy chế thi, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của kỳ thi, nhất là những điểm mới trong kỳ thi đến cho học sinh, giáo viên và thậm chí là phụ huynh. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ coi thi cho cán bộ giáo viên, tích cực phối hợp với các lực lượng xã hội liên quan để bảo đảm an ninh, an toàn trường thi.

So với các năm trước, điểm mới lớn nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có lẽ là việc thay đổi cách xét đỗ tốt nghiệp. Theo đó, điểm thi thay vì quyết định 100% sự đỗ - trượt của các em như mọi năm thì năm nay chỉ chiếm 50% trọng số, 50% còn lại là điểm học lực lớp 12. Điều này giúp kỳ thi bớt căng thẳng nhưng theo dư luận cũng tiềm ẩn nguy cơ “chạy” điểm. Tuy nhiên, qua kiểm tra của Bộ GD&ĐT trước kỳ thi cho thấy, các sở GD&ĐT rất chủ động trong việc có các giải pháp quản lý để đảm bảo tính khách quan, đặc biệt là phòng ngừa các hiện tượng “phóng điểm”. Hiện, phần lớn các trường đã sử dụng phần mềm quản lý điểm, tỷ lệ này ở trường THPT là khoảng 80%, trung tâm giáo dục thường xuyên là 50%. Giải pháp công nghệ này rất thuận lợi trong quản lý. Tuy nhiên, Bộ cũng yêu cầu các cơ sở tăng cường công tác thanh, kiểm tra. Quan điểm của Bộ là sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế, đặc biệt là liên quan đến đạo đức nhà giáo.

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT: Công tác thanh tra liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ toàn diện và rộng hơn trước

Để đảm bảo thực hiện nghiêm túc thanh tra các khâu của kỳ thi, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã đề nghị các sở thành lập đường dây nóng và cử cán bộ có trách nhiệm, có năng lực trực đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin, phối hợp với các lực lượng liên quan xử lý các tình huống được phản ánh qua đường dây này. Đường dây nóng của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 là 0936.315.334.

Đặc biệt là trong quá trình tổ chức thi, Bộ sẽ thành lập 11 đoàn thanh tra coi thi đến thanh tra, giám sát liên tục tại tất cả các địa phương trong cả nước. Ngoài 11 đoàn thanh tra, Ban chỉ đạo thi thành lập các đoàn kiểm tra, đi kiểm tra đột xuất các hội đồng thi ở các địa phương. Bên cạnh đó, do việc xét tốt nghiệp THPT năm nay không chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp 4 môn mà còn được quyết định đến 50% từ kết quả học tập lớp 12 nên công tác thanh tra phải cập nhật kịp thời theo những đổi mới này. Năm 2014, thanh tra không chỉ tập trung vào kỳ thi, công tác coi thi, chấm thi sau này, mà còn thanh tra cả việc thực hiện chương trình, kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh. Mọi nguy cơ tiêu cực đều được đặt ra để phòng ngừa với mục tiêu đưa lại kết quả xét tốt nghiệp khách quan, trung thực nhất.

Hoàng An - Đức Ngọc (ghi)

 


Ý kiến của bạn
Tags: