Ðể sốt rét rừng không thể phát tác (PII)

26-06-2014 23:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Về tập tính trú đậu của muỗi, Anopheles dirus thường trú đậu, tiêu máu ở ngoài nhà sau khi đốt máu người.

Về tập tính trú đậu của muỗi, Anopheles dirus thường trú đậu, tiêu máu ở ngoài nhà sau khi đốt máu người. Trên thực tế, qua điều tra, giám sát hoạt động của muỗi truyền bệnh; rất ít khi bắt được Anopheles dirus trú đậu ở trong nhà, ngay cả khi việc bắt muỗi được tiến hành từ sáng sớm. Do loài muỗi này có tập tính trú đậu, tiêu máu ở ngoài nhà sau khi đốt máu người nên tác động của biện pháp phun tồn lưu hóa chất lên tường vách thường cũng rất hạn chế, ít có ảnh hưởng hiệu quả đối với chúng.

Do tác động của biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh chủ yếu Anopheles dirus hoạt động ở vùng rừng núi bằng tẩm màn ngủ hóa chất và phun tồn lưu hóa chất bị hạn chế như trên đã nêu, vì vậy tại những khu vực có loài muỗi này hoạt động (ở trong rừng hoặc bìa rừng), tình hình sốt rét thường giảm chậm hoặc không giảm.

 

Một vấn đề đang được các nhà khoa học quan tâm là loài muỗi Anopheles dirus có tính ưa thích vật chủ; chủ yếu đốt máu các loài linh trưởng như khỉ, vượn... ở trong rừng. Khi có sự hiện diện của người đi vào rừng, muỗi lại chuyển sang đốt máu người và chúng cũng được xem là loài muỗi rất ưa thích đốt máu người. Hiện nay, ngoài 4 chủng loại ký sinh trùng sốt rét thường gây bệnh cho người là Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae và Plasmodium ovale; các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu khả năng một số loại ký sinh trùng sốt rét khỉ như Plasmodium knowlesi, Plasmodium inui... có thể truyền sang người để gây bệnh sốt rét cho người. Trung gian truyền bệnh sốt rét được nghi ngờ vẫn là loài muỗi Anopheles dirus.

Các loài muỗi thành viên của phức hợp loài muỗi Anopheles dirus

Các nhà khoa học nghiên cứu về di truyền quần thể đã phát hiện muỗi Anopheles dirus là một phức hợp loài. Hiện nay có 7 loài thuộc phức hợp muỗi Anopheles dirus đã chính thức được xác định gồm: Anopheles dirus, gọi là Anopheles dirus A; Anopheles crasens, gọi là Anopheles dirus B; Anopheles scanloni, gọi là Anopheles dirus C; Anopheles baimaii, gọi là Anopheles dirus D; Anopheles elegans, gọi là Anopheles dirus E; Anopheles nemophilous và Anopheles takasagoensis.

Loài muỗi Anopheles dirus và Anopheles baimaii là các trung gian truyền bệnh sốt rét quan trọng. Trong khi đó loài muỗi Anopheles crasens và Anopheles nemophilous ưa đốt máu động vật nên vai trò truyền bệnh sốt rét cho người có thể rất hạn chế. Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng loài muỗi Anopheles elegans và Anopheles takasagoensis là trung gian truyền bệnh sốt rét cho người trong điều kiện tự nhiên. Ở nước ta, các nhà khoa học về côn trùng học chỉ mới xác định sự hiện diện của hai loài muỗi thuộc phức hợp Anopheles dirus là Anopheles dirus A và Anopheles takasagoensis.

Phòng chống muỗi truyền bệnh bị hạn chế

Qua những đặc điểm đã nêu ở trên, muỗi Anopheles dirus thường được gọi là loài muỗi truyền bệnh sốt rét rừng. Chúng hoạt động mang tính chất hoang dại, thường gần gũi và đốt máu các loài linh trưởng như khỉ, vượn...; đồng thời cũng rất ưa thích đốt máu người khi có người xuất hiện ở trong rừng hoặc bìa rừng. Với tập tính hoạt động của loài muỗi này đốt máu người ban đêm khá sớm và có tập quán trú đậu, tiêu máu ở ngoài nhà nên các biện pháp can thiệp phòng chống muỗi truyền bệnh như phun tồn lưu hóa chất lên tường vách, tẩm màn ngủ bằng hóa chất gặp nhiều khó khăn; hiệu quả phòng chống sốt rét bị hạn chế. Vấn đề muỗi Anopheles dirus có thể có khả năng truyền chủng loại ký sinh trùng sốt rét khỉ sang gây bệnh cho người đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh


Ý kiến của bạn