Tại Việt Nam có trên 60 loài muỗi Anopheles, trong đó các nhà khoa học đã xác định được 15 loài là trung gian truyền bệnh chính, truyền bệnh phụ và nghi ngờ truyền bệnh. Một trong 3 loài muỗi truyền bệnh chính thường hoạt động ở vùng rừng núi từ 20 vĩ độ Bắc trở vào Nam là Anopheles dirus có khả năng gây bệnh cho người. Loài muỗi này dân gian gọi là muỗi rừng truyền bệnh sốt rét rừng.
Đặc điểm hoạt động của muỗi
Loài muỗi Anopheles dirus có những đặc điểm với tính ưa thích vật chủ, nơi đốt máu, thời gian đốt máu và tập tính trú đậu, tiêu máu khác biệt với các loài muỗi khác.
Muỗi Anopheles dirus truyền bệnh sốt rét rừng.
Về tính ưa thích vật chủ, loài Anopheles dirus sinh sống ở trong rừng chủ yếu đốt máu các loài linh trưởng như khỉ, vượn... Khi có người đi vào rừng và hiện diện tại đây, muỗi Anopheles dirus chuyển sang đốt máu người. Loài muỗi này đã được các nhà khoa học xác định là loài rất ưa thích đốt máu người.
Muỗi Anopheles dirus có khả năng đốt máu người cả ở trong nhà và ngoài nhà. Tỷ lệ muỗi đốt máu người ở trong nhà và ngoài nhà thay đổi tùy theo từng địa phương. Hoạt động đốt máu người của muỗi thường xảy ra suốt đêm và đỉnh cao đốt máu người thay đổi tùy theo vùng và tùy theo mùa. Tại Việt Nam, các nhà khoa học đã xác định đỉnh hoạt động đốt máu người của muỗi Anopheles dirus phổ biến từ khoảng 20 - 24 giờ. Ở một số địa phương, qua điều tra, giám sát hoạt động của muỗi truyền bệnh ghi nhận có khoảng 85% muỗi Anopheles dirus bắt được trước 24 giờ; chỉ có 15% muỗi bắt được sau 24 giờ. Với đặc điểm đốt máu người sớm của loài muỗi Anopheles dirus nên phần nào đã làm hạn chế tác dụng của biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh bằng hóa chất tẩm vào màn ngủ do có một tỷ lệ đáng kể muỗi Anopheles dirus đốt máu người trước khi đi ngủ; vì vậy màn ngủ tẩm hóa chất xua diệt muỗi không phát huy được nhiều tác dụng. Thực tế cho thấy, vùng sốt rét lưu hành nặng ở rừng núi thường có sự hiện diện của Anopheles dirus. Tại nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tập quán ngủ màn còn hạn chế và đang hình thành dần nên biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh được áp dụng phổ biến là phun tồn lưu hóa chất diệt muỗi lên tường vách thay cho biện pháp tẩm màn ngủ bằng hóa chất không đáp ứng hiệu quả.
Mời xem tiếp kỳ 2 trên SK&ĐS số 101 ra ngày 27/6/2014
Tên gọi của loài muỗi
Muỗi Anopheles dirus phân bố hoạt động thường gắn liền với khu vực có rừng và bìa rừng. Tuy vậy, trên thực tế cũng có thể phát hiện được chúng ở các khu vực trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Loài muỗi này hiện diện ở các nước Bangladesh, Campuchia, Ấn Ðộ, Lào, Myanmar, Nam Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Trước đây, Anopheles dirus được các nhà khoa học định loại là Anopheles balabacensis. Tuy nhiên đến năm 1979, căn cứ trên kết quả so sánh đặc điểm hình thái giữa mẫu tiêu bản muỗi Anopheles balabacensis thu thập trong đất liền của Thái Lan với mẫu tiêu bản muỗi Anopheles balabacensis thu thập được ở các đảo Balabac và Palawan của Philippines; nhà khoa học Peyton và Harison đã tách các mẫu tiêu bản muỗi thu thập được trong đất liền thành một loài muỗi riêng và đặt tên là Anopheles dirus. Ở nước ta, loài muỗi này trước đây cũng thường gọi là Anopheles balabacensis nhưng hiện nay đã gọi là Anopheles dirus để phù hợp. Ðây là loài muỗi truyền bệnh sốt rét chủ yếu ở các khu vực có liên quan đến rừng và những bìa rừng đã được các nhà khoa học xác định.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh