Quý khách nhất trên đời này có lẽ là những người lính trên các đảo - đá ở Trường Sa và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Ra đến đây mới hiểu hết câu “nhịn miệng thết khách” của các cụ. Trường Sa mấy tháng không mưa, nước ngọt quý như máu. Trừ đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây có giếng khoan dùng nước lợ để tắm rửa còn hầu như các đảo - đá, tiêu chuẩn nước cho cán bộ hay chiến sĩ đều bình đẳng như nhau, nơi thì 5lít/ngày, nơi thì 3 lít, có chỗ 2 lít/ngày. Vậy mà khách đến đâu cũng thấy có 2 chậu nước, lại có cả xà phòng để rửa tay! Và tình yêu người lính khiến khách bảo nhau: “Thôi thì anh em đem nước ra rồi, cứ rửa để có những bàn tay sạch nắm lấy những bàn tay “thiên thần” nhưng đừng dùng xà phòng để còn tưới rau!” .
Nối vòng tay lớn - Thắm tình quân dân.
Không những nước rửa tay mà những thùng nước uống tinh khiết cũng được bày ra thật đúng là “nhịn miệng thết khách”. Thói quen đất liền khiến có chị có anh trước khi uống lại còn tráng cốc hoặc rót cho đầy nhưng uống không hết. Có nhà viết kịch già nói nhỏ: “Mình uống một ngụm trên đảo là anh em mất đi một ngụm đấy!”. Cứ như trên bờ thì người nghe tự ái trợn mắt “đừng có dạy khôn”, đằng này lại cười như biết lỗi. Những chuyến sau, khối người bắt chước mấy ông, mấy cô viết kịch đem nước từ trên tàu đổ vào chai lavi mang theo lên đảo.
Chuyện thiếu nước ngọt trên đảo - đá là có thật. Quý nước ngọt đến mức có cơn mưa anh em cũng không tắm ở sân mà tắm mưa ở… vườn! Đơn giản nước mưa không chỉ hứng từ mái mà còn hứng từ sân dẫn về bể lọc. Có chị, có cô cứ thấy lính đảo là ôm rồi về lại hỏi nhau: “Vài lít nước một ngày mà sao em nào, cháu nào cũng thơm thế nhỉ!”. Thế là râm ran nghĩ và đoán những là các em các cháu có khoản “tắm tiếp khách” hoặc phân tích có khách mới “đóng bộ” thơm tho chứ bình thường chắc chỉ quần đùi và may-ô trên đảo! Về khoản “ôm” xin bảo đảm là lính ta nhát nhất thế giới! Giời ạ, chị em ta yêu lính chứ “tình yêu tình báo” gì đâu mà các chàng cứ thuỗn tay, kệ các nàng ghì riết. Đến chỉ huy cũng chỉ mắt cười, miệng cười rồi cong cong, né né người chứ không như người trên bờ phải thế là… nhiệt tình làm tới! Các chị các cô nhiệt tình hết mình, thật hết mình ngẫm ra mới thấy là đến với niềm tin và sự ngưỡng mộ.
Cả đoàn công tác có nhiều đoàn nhỏ. Văn công và các đại biểu nam thanh nữ tú thì giao lưu với lính. Họa sĩ hí húi vẽ vẽ và tặng tặng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh thì chụp. Mỗi các anh chị viết kịch chả “nổ” được thì lặng lẽ tản ra chỗ khác! “Chỗ khác” đây là những người lính đang làm nhiệm vụ canh gác mà không thể giao lưu văn nghệ. Rủ rỉ trò chuyện rồi ghi ghi chép chép là các nhà viết kịch và mấy bác ngành khác có tuổi cỡ tóc muối tiêu. Lần đầu ra đảo nhưng họ biết trên đảo còn những đơn vị khác ngoài lực lượng phòng thủ đảo. Đến với Trường Sa là đến với tất cả những ai đang sống và sẵn sàng chiến đấu trên đảo nên còn có lực lượng ra-đa, an toàn bay, công binh xây kè chắn sóng, quân y từ các BV quân đội, kể cả công nhân phụ trách hải đăng trên một số đảo. Gần 200 đại biểu tưởng đông mà hóa ra ít bởi làm sao chia ra cho khắp tới các nhà dân và các đơn vị độc lập để thăm hỏi và chia sẻ, tìm hiểu. Quân chủng Hải quân thì chu đáo có quà cho từng đơn vị độc lập nhưng người trên bờ chỉ biết đảo A, đảo B chứ đâu biết còn bao lực lượng khác. Giá chỗ giao lưu văn nghệ tặng quà có tất tần tật các lực lượng trên đảo trừ những ai đang làm nhiệm vụ thì hay biết mấy. Hôm ở đảo Sơn Ca, Trung úy Tống Tùng trên tàu 996 theo đoàn lên đảo kéo tay tôi tìm tới những người “Nâng cao thềm Tổ quốc” (từ của anh) là các chiến sĩ công binh, công nhân quốc phòng đang miệt mài đổ bê tông thành những khối chắn sóng 4 cạnh chìa ra cụm vào một tâm để rải quanh đảo. Anh em ở đây vui lắm, cứ đòi “các bác ngồi chơi thêm chút chúng em làm con vịt, tiết canh sạch đàng hoàng nhá!”. Lại cảm ơn và từ chối, lại bịn rịn, lại “trách móc” cứ như người trong nhà về thăm quê!
Không biết dân ta có truyền thống “quà cáp mời mọc” từ bao giờ nhưng khác hẳn “văn hóa phong bì” trên bờ xuất hiện lâu nay. Người trong nhà về gặp nhau là sẻ của, có gì lưu giữ là tặng bằng hết. Trái bàng vuông cất trong tủ cũng lôi ra tặng. Con ốc biển to và lạ được anh em kỳ công làm sạch, đánh bóng cũng đem ra tặng. Một cậu dúi vào tay tôi con ốc to như cái ấm giỏ, bóng loáng: “Con biếu bố làm kỷ niệm!” . Không nhận, mặt cậu buồn thiu: “Bố chê?”. Tôi trào nước mắt ôm lấy cậu: “Bố cảm ơn! Nhưng “mày” kỳ công làm con ốc hơn cả con ốc trong cửa hàng đồ mỹ nghệ trong bờ thì nên tặng bạn gái hay người yêu để “nó” cảm nhận được bàn tay mày, tình yêu mày trên con ốc này con ạ. Bố nhận rồi đấy nhưng nhờ mày chuyển lại cho cô ấy!”. Thế là chàng cười, hàm răng lóa lên sáng xóa giữa Trường Sa đầy sóng nước.
Tình thân phóng viên - người lính trẻ.
Mấy chị, mấy cô nhặt ốc sống trên đảo định đem về được các chàng lính đảo phổ biến kinh nghiệm: “Trông đẹp thế thôi nhưng bọc kín đem lên tàu là thối lắm đấy. Cứ cho vào nhà vệ sinh, bơm tí chất xịt bồn cầu, ngâm đấy, ngày hôm sau xúc rửa là xong!” Vâng, đã có nơi nào những người lần đầu mới gặp mà thân quen đến thế, yêu nhau đến thế như giữa huyện đảo Trường Sa này! Biển và bờ, đảo xa và đất Mẹ hòa lại là đây chứ còn tìm đâu nữa.
Bữa lên nhà giàn DK1 ở vùng biển Quế đường trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc là gian truân nhất. Có nhà viết kịch già cứ nhìn sóng lừng lững và lẩm bẩm: “Lạy giời sóng thế này thôi chứ nữa thì lại văn nghệ “qua loa”, thăm hỏi giao lưu “qua loa” thì mất vui!”. Chiều lòng người hay sao mà sóng lặng bớt và loa từ tàu, từ điện thoại không cần sử dụng đến thật. Lại văn nghệ hò hát tưng bừng và nhà viết kịch già lại lặng lẽ tách ra tìm đến bếp, tủ lạnh, mở vung nồi xem lính ta ăn uống thế nào. Có lẽ nhà giàn DK1 này là một trong số ít ỏi nhà giàn có máy lọc nước biển thành nước ngọt. Tò mò, nhờ anh em thao tác và hỏi: “Sao không mở thường xuyên để có nước ngọt dùng?”. Anh lính nhà giàn trả lời tỉnh queo: “Máy này đắt tiền lắm. Dùng nhiều cũng tốn mà nước mình còn nghèo!”. Tôi quay đi và dụi mắt. Giữa biển khơi muôn trùng sóng gió mà người lính vẫn nghĩ tới Bờ và “Bờ” ơi, giá trong đó bớt đi những công trình hoành tráng chưa cần thiết, bớt đi những vụ tham nhũng lãng phí thì “Biển” đâu cần phải “so đo tính toán” cho chính mình thế này. Nhân đây cũng xin đừng ai lẫn, gộp Trường Sa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc là một. Trường Sa là vùng có sự tranh chấp giữa 5 nước 6 bên còn Thềm lục địa phía Nam Tổ quốc nơi những DK1 cắm chốt hoàn toàn thuộc chủ quyền của ta. Kẻ thù thích gộp lại để muốn vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp!
Những cuộc chia tay đầy bịn rịn, những bàn tay nắm chặt trước khi xuống xuồng về tàu. Xuồng xa rồi mà những bàn tay từ cầu tàu, từ xuồng cứ vẫy như những lá cờ nhỏ gắn với tim người bay không muốn dứt. Có mấy nhà viết kịch mỗi lần về tàu thường chọn chuyến sau cùng và cứ nhè xuồng CQ của đảo mà ngồi. Hỏi mới hay mấy ông này muốn chia tay, nói lời cảm ơn với những người lính đảo cuối cùng là anh em chạy xuồng CQ đưa khách về tàu mà có thể có khách vô tình không biết!
Những chuyến tàu ra Trường Sa và nhà dàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Những chuyến tàu từ bờ ra biển lại quay về nhưng mỗi chuyến tàu ấy mang tất cả tình yêu của đất Mẹ ra với những người con anh hùng giữa đại dương đang gìn giữ chủ quyền. Những chuyến tàu ấy trở về chở theo cả muôn con sóng Trường Sa và thềm lục địa phía Nam để vỗ mãi trong trái tim những người con nước Việt...