Hà Nội

Ðể sống lâu trăm tuổi...

16-12-2013 09:47 | Bệnh người cao tuổi
google news

SKĐS - Trường thọ luôn là khao khát của con người. Thế nhưng thông thường, chỉ 70 năm hay 80 năm, con người đã phải trở về với cát bụi.

Trường thọ luôn là khao khát của con người. Thế nhưng thông thường, chỉ 70 năm hay 80 năm, con người đã phải trở về với cát bụi. Vậy bí mật của cuộc sống nằm ở đâu? Làm thế nào để câu chúc “sống lâu trăm tuổi bạc đầu râu” trở thành hiện thực? Bài viết sau sẽ cung cấp những yếu tố ảnh hưởng tới tuổi thọ.

Các yếu tố có hại từ lúc bào thai

Sự hóa già là một quá trình từ lúc trong bào thai đến lúc kết thúc cuộc sống. Vì thế, để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới tuổi thọ phải bắt đầu từ thời kỳ phát triển bào thai. Các yếu tố có hại trong thời kỳ này như thiếu dinh dưỡng, thiếu ôxy, bào thai sẽ vận hành các cơ chế thích nghi để duy trì sự phát triển. Những thích nghi này có thể thay đổi vĩnh viễn trong cấu trúc và chuyển hóa của phủ tạng. Quá trình này gọi là “lập trình” trong thời kỳ bào thai, dẫn tới hình thành một số bệnh mạn tính lúc trưởng thành như bệnh tim mạch, đái tháo đường, tắc nghẽn phế quản mạn tính và rối loạn chuyển hóa lipid. Nguy cơ bệnh mạch vành và đột quỵ giảm tỷ lệ nghịch với thể trọng thai nhi khi sinh. Vì thế, nếu bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ thì sau này sẽ dễ bị mắc bệnh mạch vành. Giảm tăng trưởng sớm có liên quan tới hóa già nhanh. Giảm cơ lực là dấu hiệu chỉ điểm sự già hóa và thấy rõ hơn ở người có thể trạng thấp khi sinh...

Sống thọ là niềm mơ ước của tất cả mọi người.

Ảnh hưởng từ thời thơ ấu

Suy dinh dưỡng ở trẻ em: Thiếu hụt vitamin và các chất dinh dưỡng khác sẽ làm trẻ bị mắc các bệnh khi đến tuổi trưởng thành như mù, thiếu máu, bệnh ở xương và não. Thiếu iod làm chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em. Tăng cân chậm, đặc biệt trong những năm đầu đời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường và nhiễm khuẩn lúc trưởng thành. Suy dinh dưỡng tuổi nhỏ còn liên quan tới những thay đổi về quá trình hóa già như đục thủy tinh thể, giảm thính giác, giảm cơ lực.

Béo phì ở trẻ em: Quá cân và béo phì khi còn nhỏ dễ làm trẻ bị mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường.

Ảnh hưởng của lối sống ở tuổi trưởng thành

Hút thuốc lá: Lá là yếu tố nguy hại nhất cho người trẻ và NCT, dẫn đến tử vong sớm. Hút thuốc có thể gây ung thư phổi, loãng xương, sức cơ và giảm chức năng hô hấp. Nguy cơ đột quỵ giảm sau 2 năm bỏ thuốc và sau 5 năm bỏ thuốc thì nguy cơ đó cũng giống như người bình thường.

Uống rượu: Có thể làm giảm chức năng gan và xơ gan, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh ở hệ thần kinh trung ương.

Sử dụng thuốc cấm: Đó là các loại chất gây nghiện như cannabis, amphetamin, ecstasy và solvents. Các chất này gây rối loạn tâm thần, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tổn thương gan và tử vong, chưa kể đến bị nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm.

Lười vận động: Sự phát triển của khoa học kỹ thuật cùng với lối sống hiện đại đã khiến thói quen đi lại, lao động chân tay của con người gần như biến mất. Lười vận động làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, đái tháo đường và tim mạch.

Thói quen ăn uống: Chế độ ăn giàu calo, mỡ động vật, thực phẩm ăn nhanh; ăn ít rau, hoa quả và chất xơ có liên quan nhiều tới ung thư vú, ung thư ruột, ung thư tuyến tiền liệt, béo phì, bệnh tim mạch và đái tháo đường; ăn nhiều muối gây tăng huyết áp...

Ảnh hưởng của môi trường xã hội

Yếu tố kinh tế: Tình trạng đói nghèo luôn gắn liền với tuổi thọ thấp, sức khỏe kém và tàn phế khi về già. Người nghèo phải sống trong môi trường ô nhiễm hơn, độc hại hơn. Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 500 triệu người bị mắc bệnh nguyên nhân do ô nhiễm môi trường.

Yếu tố giáo dục: Người có trình độ học vấn thấp, mù chữ thường đi kèm nguy cơ tàn phế, tử vong cũng như tỷ lệ thất nghiệp cao. Thất nghiệp đưa tới khủng hoảng tài chính, nợ nần, đời sống vật chất suy giảm, thiếu dinh dưỡng, suy nhược dễ bị bệnh tâm thần cũng như thể chất. Những người có học vấn cao thì tự tin và có khả năng quyết định lối sống khỏe mạnh của mình. Ngạn ngữ có câu: “Nhiều người phải chết sớm chỉ đơn giản do anh ta không biết cách sống thọ”. Học vấn cao khiến con người biết ăn uống khoa học hơn, chăm sóc y tế tốt hơn, vệ sinh tốt hơn...

Yếu tố văn hóa xã hội: Sự tham gia các công việc xã hội giúp người già vui, khỏe và ít phụ thuộc hơn vào con cháu, khiến họ tự tin hơn. Người cao tuổi tham gia các sinh hoạt thể dục, vận động mang tính cộng đồng ở các câu lạc bộ dưỡng sinh, công viên, sân vận động giúp làm chậm tiến trình lão hóa và ảnh hưởng tốt đến hệ miễn dịch, làm tăng sức đề kháng cơ thể.

Bệnh tật

Tuổi cao, sức đề kháng kém cũng là thời điểm bệnh tật thừa dịp tấn công, từ các bệnh vặt như cảm cúm, ho khan... cho đến các bệnh nghiêm trọng như xơ vữa động mạch, loãng xương, tai biến, viêm nhiễm mạn tính... đã ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như làm giảm tuổi thọ của NCT. Hãy tăng thêm sức sống cho năm tháng chứ không phải kéo dài tuổi thọ trên giường bệnh.

GS.TS. Trần Đức Thọ (nguyên Viện trưởng Viện Lão khoa)


Ý kiến của bạn