Hà Nội

Ðề phòng viêm quanh khớp vai

30-05-2020 11:17 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm quanh khớp vai là một bệnh thường gặp, chủ yếu ở người trưởng thành, nếu không được phát hiện và điều trị đúng có thể để lại biến chứng làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sinh hoạt.

Viêm quanh khớp vai là tất cả các trường hợp đau và hạn chế vận động khớp vai do tổn thương phần mềm quanh khớp gồm: gân, cơ, dây chằng, bao khớp, loại trừ tổn thương phần đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch. Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là thể phổ biến nhất.

Thể đông đặc khớp vai là do sự dày lên và co cứng của bao khớp vai, là tình trạng đau kèm theo hạn chế vận động khớp vai. Mức độ đau từ nhẹ đến nặng

Ở Việt Nam, viêm quanh khớp vai chiếm 2% dân số và chiếm tỷ lệ 12,5% trong tổng số các bệnh nhân bị bệnh khớp.

Hình ảnh khớp vai bị đau do viêm.

Hình ảnh khớp vai bị đau do viêm.

Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai

Do chấn thương mạnh vào vùng vai hoặc là những chấn thương do nghề nghiệp,  tai nạn (tai nạn lao động, tai nạn giao thông), do tập luyện thể thao, nhất là các môn có tác động mạnh vào khớp vai như cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền... Viêm quanh khớp vai có thể liên quan đến thay đổi thời tiết (lạnh, ẩm). Ngoài ra, viêm quanh khớp vai do viêm gân, thoái hóa, vôi hóa phần mềm của khớp vai thường gặp ở người lớn tuổi (trên 50 tuổi). Tuy vậy, có một số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân một cách chính xác.

Triệu chứng của bệnh

Triệu chứng viêm quanh khớp vai gồm đau đớn nghiêm trọng và giảm biên độ vận động hoặc không thể vận động vai, dù là tự vận động hoặc có sự giúp đỡ của người khác. Bệnh diễn tiến theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Trong giai đoạn “đóng băng”, bệnh nhân sẽ ngày càng cảm thấy đau hơn. Vai bắt đầu nhức và rất đau khi với chạm. Sẽ đau nhiều vào buổi tối và khi nằm nghiêng bên vai bệnh. Khi cơn đau trở nên tệ hơn, vai sẽ giảm độ vận động. Sự đóng băng thường kéo dài từ 6 tuần đến 9 tháng.

Giai đoạn 2: Đông cứng: Các triệu chứng đau có thể thực sự cải thiện trong giai đoạn này, nhưng tình trạng cứng vai vẫn còn. Các cơ vai có thể bắt đầu teo nhẹ vì không được vận động. Trong thời gian từ 4-6 tháng của giai đoạn “đông cứng”, bệnh nhân có thể khó khăn hoạt động hằng ngày.

Giai đoạn 3: Tan băng: Chuyển động vai dần cải thiện trong giai đoạn “tan băng”. Vai có thể hoàn toàn trở lại bình thường hoặc lấy lại sức mạnh và chuyển động gần như bình thường sau 6 tháng đến 2 năm.

Nguyên tắc điều trị

Khi thấy xuất hiện đau khớp vai do tai nạn hoặc do chơi thể thao nên được khám bệnh ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa xương, khớp để được điều trị đúng, tránh để xảy ra các biến chứng. Nguyên tắc điều trị thường dùng thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm loại glucosamin, chondroitin vừa có tác dụng giảm đau khớp vừa có tác dụng tái tạo khớp. Tuy vậy, dùng loại thuốc nào, liều lượng ra sao là do bác sĩ khám bệnh cho mình chỉ định, người bệnh không tự động chẩn đoán, tự động mua thuốc để điều trị nếu không có chuyên môn về y học. Bên cạnh điều trị nội khoa (dùng thuốc) có thể kết hợp ý liệu pháp, xoa bóp. Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) khi thật cần thiết và do bác sĩ điều trị chỉ định.

LỜI KHUYÊN CỦA THẦY THUỐC

Không nên lao động quá mức, nhất là động tác mang, vác, đội đầu nặng, sai tư thế. Cần hết sức thận trọng khi chơi các môn thể thao dễ gây chấn thương khớp vai. Chú ý khi tham gia giao thông, đi đứng cần thận trọng, nhất là mặt bằng bị trơn trượt, đặc biệt với người cao tuổi, yếu; Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là thực phẩm giàu canxi để xương được chắc, tránh bị loãng xương. Hàng ngày, nên vận động cơ thể với khớp vai nên tập đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Nếu đã bị viêm khớp quanh vai, nếu tập sai có thể làm bệnh nặng thêm.

BS. Trần Văn Dũng
Ý kiến của bạn