Ngộ độc nấm chỉ xảy ra khi ăn các nấm mọc hoang dại, thường vào mùa xuân và hè và ở các vùng rừng núi. Loại nấm độc nhất là nấm lục (hay nấm độc xanh đen) có hình thức hấp dẫn nhất, ngộ độc nặng nề, diễn biến ngộ độc không thể lường trước được và là nguyên nhân tử vong của hầu hết các trường hợp ngộ độc nấm xảy ra hàng năm ở nước ta.
Biểu hiện ngộ độc chính
Chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào có ăn nấm; có triệu chứng ngộ độc: nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc các triệu chứng ngộ độc nấm đặc hiệu khác.
Loại biểu hiện ngộ độc sớm: Thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ (ít nguy hiểm hơn). Có thể có triệu chứng Muscarin: tăng tiết nước bọt, phế quản, tiêu chảy, co đồng tử, chảy nước mắt giống như ngộ độc photpho hữu cơ.
Chất độc nấm là coprine thì triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trong vòng 30 phút, giống như ngộ độc disulfiram: mặt đỏ, nóng bừng, nôn, toát mồ hôi, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch...
Chất độc nấm là psilocybin gây ra ảo giác hay kích thích dạ dày ruột, yếu mệt, đau bụng, sốt, giãn đồng tử, co giật (nấm: Psilocybe cubeusis, Amanita muscaria,...).
Một loại nấm độc.
Nhóm nấm độc có triệu chứng xuất hiện sau 6 giờ ăn (nhóm 2 - nhóm này nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao). Nấm có độc tố amatoxin thì xuất hiện triệu chứng từ 6-12 giờ sau ăn: nôn, tiêu chảy, đau thắt bụng, co giật, suy gan, đái máu, protein niệu (hội chứng gan thận). Các triệu chứng trên có thể phối hợp với co giật, yếu cơ nếu là nấm có chứa monomethylhydrazine.
Nấm có độc tố allenic nocleucine, orellanine: xuất hiện triệu chứng từ 1-12 ngày sau ăn, gây ra suy thận cấp do viêm kẽ ống thận cấp (đái ít, vô niệu, ure tăng, creatimin tăng,...).
Tuy nhiên, cần chẩn đoán phân biệt với các ngộ độc thức ăn do các căn nguyên khác: vi khuẩn, độc tố vi khuẩn, dư lượng hóa chất trong thực phẩm... Dựa vào sự xác định của bệnh nhân về việc có ăn nấm, thời gian sau khi ăn trong vòng 3 giờ hay trước 6 giờ để định hướng ngộ độc nấm.
Cần sơ cứu đúng để hạn chế tử vong
Ngay lập tức cần gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn; uống than hoạt: liều 1g/kg cân nặng; cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật: cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.
Chú ý không tự về nhà trong 1-2 ngày đầu kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết.
Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt (thường tuyến tỉnh trở lên).
Tại cơ sở y tế nếu tình trạng của nạn nhân ăn nấm độc nguy hiểm và thời gian sau khi ăn trong vòng 1-2 giờ, có nhân viên y tế đã được huấn luyện kỹ thuật rửa dạ dày thì rửa dạ dày có thể thực hiện ở bệnh nhân người lớn và trẻ lớn với cỡ ống rửa to (bằng ngón tay út nạn nhân).
Vận chuyển cấp cứu đến bệnh viện tuyến huyện các bệnh nhân ngộ độc nấm có triệu chứng sớm. Với các bệnh nhân ngộ độc nấm có triệu chứng muộn (sau 6 giờ) cần được chuyển đến bệnh viện tỉnh hoặc khu vực nơi có khả năng lọc máu.
Phòng ngộ độc nấm
Không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên bởi rất khó nhận biết nấm độc và nấm không độc. Cần nhớ là ngay cả chuyên gia về nấm cũng có thể bị nhầm nấm độc với nấm lành.
Nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm với nấm ăn được do trong một vài giai đoạn phát triển chúng giống nhau. Trong đám nấm lành cũng có nấm độc.
Không phải nấm trắng là nấm không độc. Có những loại nấm độc nhất (amanita) cũng có màu trắng muốt và nấu ăn cũng ngọt “không cần mì chính” nhưng lại là loài nấm chính gây độc ở nước ta.