Hà Nội

Ðề phòng tác dụng phụ của thuốc trị nấm

16-04-2018 07:17 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các tổ chức nấm phát triển chậm và thường tồn tại ở các mô khó thấm được thuốc, nên việc điều trị các bệnh do nấm gây ra mất nhiều thời gian,

dễ bị tái phát, việc sử dụng thuốc chống nấm thường phải kéo dài. Vì vậy, khi dùng thuốc điều trị nấm phải lưu ý tác dụng phụ dễ gặp phải của thuốc.

Khi da bị xây sát, da khô, rối loạn cấu tạo lớp sừng hoặc vệ sinh kém, mặc áo lót, quần chật, rối loạn nội tiết, suy giảm miễn dịch, dùng kháng sinh lâu ngày hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch... là những yếu tố nguy cơ cao để nhiễm các bệnh nấm.

Nấm gây bệnh bằng cách tấn công, lưu trú và dễ phát triển mạnh ở những nơi ẩm, tối. Những vùng cơ thể dễ bị nhiễm nấm là miệng, nách, bụng, da đầu, cổ, các kẽ tay chân và vùng kín...

Nấm có thể gây bệnh trên da, tổ chức dưới da hoặc phủ tạng. Gọi là nhiễm nấm nông khi nấm chỉ gây bệnh ở da, tóc, móng hoặc niêm mạc. Gọi là nhiễm nấm toàn thân (nấm sâu) khi nấm gây bệnh ở tổ chức dưới da, nội tạng (có khi đồng thời ở tổ chức dưới da và nội tạng).

Ðề phòng tác dụng phụ của thuốc trị nấmKhi bị nấm ngoài da phải đi khám chuyên khoa da liễu và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc kháng nấm thường dùng: Có tác dụng toàn thân (thuốc uống, thuốc tiêm) hoặc tại chỗ (dạng dùng ngoài để thoa vào những vùng da bị nhiễm nấm). Dạng thuốc bôi dùng ngoài thường có hiệu quả cao trong việc trị nấm ngoài da vì chúng tiếp xúc trực tiếp với vi nấm, ngay cả những loại nấm ẩn náu trong những vết trầy, vết thương của da. Thuốc bột có đặc tính là hút ẩm, vì vậy thường được dùng ở những vùng ẩm ướt của cơ thể, chẳng hạn như vùng da giữa các ngón chân... Tuy nhiên, nếu nấm hiện diện trong cơ thể hoặc việc sử dụng thuốc bôi thất bại thì phải dùng thuốc có tác dụng toàn thân.

Các tác dụng phụ của thuốc trị nấm thường dùng

Nystatin

Là một kháng sinh chống nấm có tác dụng kìm hãm hoặc diệt nấm (đặc biệt là nấm Candida) mà không tác động đến vi khuẩn bình thường trên cơ thể. Thuốc có thể dùng để điều trị lâu dài mà không gây kháng thuốc. Nystatin còn có tác dụng chống bội nhiễm Candida đường tiêu hóa trong quá trình điều trị kháng sinh.

Cần đề phòng các tác dụng phụ của nystatin: Phản ứng dị ứng (sốt, ớn lạnh và ngứa, mày đay, ngoại ban). Có thể gặp buồn nôn, nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa sau khi uống thuốc, nhất là khi sử dụng liều quá cao.

Griseofulvin

Thuốc được chỉ định điều trị các loại nấm da, tóc và móng nhạy cảm. Tác dụng phụ thường gặp là nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, ban da, rối loạn cảm giác, viêm dây thần kinh ngoại biên, ngủ gà, ch óng mặt, giảm bạch cầu.

Amphotericin B

Đây là thuốc kháng nấm có tác dụng trên nhiều loại nấm bề mặt và nội tạng nên thường được sử dụng trong trị các loại nấm bề mặt da, niêm mạc, miệng, âm đạo, bàng quang, các bệnh nấm nội tạng do các chủng nhạy cảm bằng đường tiêm; dự phòng và điều trị nấm cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch (như người nhiễm HIV/AIDS).

Tác dụng phụ do amphotericin B gây ra có thể kể đến như: sốt, rét run, đau cơ, đau khớp, đau đầu khi mới tiêm truyền; làm giảm sức lọc cầu thận, hoại tử thận; gây thiếu máu, độc với gan, tim, giảm kali huyết, magiê huyết, đau và viêm tắc tĩnh mạch nơi tiêm.

Itraconazol

Thuốc có tác dụng với nhiều loại nấm, đặc biệt được sử dụng để trị nấm Aspergillus ở phổi lan tràn và toàn thân, nhiễm nấm nội tạng và ngoài da.

Tác dụng phụ gồm: buồn nôn, rối loạn dạ dày, ruột, nhức đầu, chóng mặt. Đặc biệt nếu sử dụng liều cao gây hạ huyết áp, phù. Ngoài ra còn thấy có nguy cơ viêm gan, giảm kali huyết, phù và rụng lông, tóc, đặc biệt sau điều trị thời gian dài trên 1 tháng với itraconazol. Cũng có thể gặp bệnh thần kinh ngoại vi, nhưng hiếm.

Ketoconazol

Ketoconazol là thuốc chống nấm có hoạt phổ rộng. Thuốc được dùng trong các trường hợp: Dùng dạng uống để điều trị bệnh nấm toàn thân, bệnh nấm tại chỗ (sau khi điều trị tại chỗ không có kết quả), bệnh nấm Candida ở da, niêm mạc nặng, mạn tính; bệnh nấm nặng đường tiêu hóa mạn tính...

Tác dụng phụ thường gặp bao gồm: buồn nôn, nôn, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, chảy máu tiêu hóa; thiểu năng tuyến thượng thận, gây chứng vú to ở nam giới và suy giảm tình dục; có thể gặp nhức đầu, chóng mặt, kích động hoặc ngủ gà, viêm da, phát ban, mày đay, tăng enzym gan. Các tác dụng này có liên quan đến liều dùng và có thể giảm thiểu nếu dùng thuốc cùng với thức ăn.

Vì ketoconazol có độc tính cao với gan nên khi người bệnh dùng thuốc chống nấm đồng thời với các thuốc khác cũng có khả năng gây độc cho gan, nhất là đối với những người cần điều trị kéo dài hoặc đã có tiền sử bị bệnh gan.

Fluconazol

Fluconazol được chỉ định trong điều trị các bệnh nấm Candida ở miệng - họng, thực quản, âm hộ - âm đạo và các bệnh nhiễm nấm Candida toàn thân nghiêm trọng khác (như nhiễm Candida đường niệu, màng bụng, máu, phổi và nhiễm Candida phát tán). Thuốc cũng được dùng để chữa viêm màng não do Cryptococcus neoformans...

Tác dụng phụ được báo cáo với fluconazol thường gặp nhất trên đường tiêu hóa, bao gồm: đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn, nôn, rối loạn vị giác. Tác dụng phụ khác bao gồm đau đầu, chóng mặt, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, cao lipid huyết và tăng men gan, rụng tóc...

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh nhiễm nấm cần một thời gian dài mới có thể trị dứt, vì vậy người bệnh cần kiên trì sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Liều lượng dùng thuốc tùy thuộc vào từng loại nấm gây bệnh và những biểu hiện bệnh do nấm gây ra và sẽ khác nhau ở những bệnh nhân khác nhau. Người bệnh không được tự ý thêm bớt liều, dùng không đủ thời gian quy định (bệnh sẽ tái nhiễm và sẽ khó trị hơn). Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra, thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp, kịp thời. Những loại thuốc như itraconazole và ketoconazole cần phải được uống khi bụng no để tránh kích ứng dạ dày...


DS. Trần Minh Thành
Ý kiến của bạn