Hà Nội

Ðề phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu do u xơ

26-08-2013 08:17 | Bệnh người cao tuổi
google news

Nếu như phụ nữ từ tuổi trung niên trở lên hay gặp các viêm nhiễm về phụ khoa thì nam giới trong độ tuổi này lại có “nỗi khổ” riêng, đó là các vấn đề do u xơ tuyến tiền liệt (UXTTL) gây ra, trong đó có nhiễm khuẩn tiết niệu.

Nếu như phụ nữ từ tuổi trung niên trở lên hay gặp các viêm nhiễm về phụ khoa thì nam giới trong độ tuổi này lại có “nỗi khổ” riêng, đó là các vấn đề do u xơ tuyến tiền liệt (UXTTL) gây ra, trong đó có nhiễm khuẩn tiết niệu.

Thế nào là UXTTL?

UXTTL (hay còn gọi là u phì đại lành tính tuyến tiền liệt) là từ dùng để chỉ một quá trình phì đại của tuyến tiền liệt (TTL) do quá sản của các tế bào tuyến, tế bào đệm. Quá trình phì đại này có tính chất lành tính, phát triển nhanh từ tuổi 40 trở đi. Người ta ước tính có khoảng 50% đàn ông tuổi 60 có TTL quá phát và tỷ lệ này là 90% ở tuổi 70 hoặc 80. Vì vậy có thể nói, UXTTL là bệnh của người già.

Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng quá phát, phì đại của TTL cho tới nay vẫn chưa được biết rõ. Có nhiều giả thiết được đưa ra như vai trò của tinh hoàn trong việc tiết ra hormon testosterol, testosterol tăng cao trong máu có tính chất ức chế sinh một hormon khác là estrogen. Về già, lượng testosterol suy giảm dẫn đến tăng estrogen và chất này có khả năng kích thích các tế bào TTL tăng sinh...

Ðề phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu do u xơ 1
 Tuyến tiền liệt bình thường (trái) và tuyến tiền liệt phì đại (phải). Tuyến tiền liệt phì đại chèn ép ngay cổ bàng quang gây ra ứ nước tiểu trong bàng quang.

Tại sao UXTTL hay gây nhiễm khuẩn tiết niệu?

Bình thường, nước tiểu từ bàng quang được đào thải dễ dàng ra ngoài qua niệu đạo. Tuyến tiền liệt phì đại sẽ gây chèn ép ngay cổ bàng quang, chỗ đi ra của nước tiểu khiến cho dòng nước tiểu bị cản trở, bệnh nhân đi tiểu không thành dòng (nước tiểu chỉ rỉ qua miệng sáo) và gây ra ứ nước tiểu trong bàng quang. Mặt khác, khối u TTL khi phát triển to ra, gây chèn ép, kích thích liên tục vào thành bàng quang khiến cho bệnh nhân luôn có cảm giác buồn tiểu, bàng quang bị kích thích nhiều quá sẽ dẫn đến hiện tượng “liệt” điều này càng làm cho lượng nước tiểu ứ đọng trong bàng quang. Nước tiểu ứ đọng sẽ là môi trường thuận lợi cho nhiễm khuẩn. Khi nhiễm khuẩn xảy ra lại gây phù nề, bít tắc thêm đường tiết niệu và hình thành một vòng xoắn bệnh lý.

Biểu hiện của nhiễm khuẩn tiết niệu do UXTTL

Ở bệnh nhân bị UXTTL thường có các triệu chứng như đái khó: bệnh nhân phải rặn nhiều, nước tiểu đi không thành tia, chỉ đi ít một, nhỏ giọt hoặc chỉ rỉ ra ngay miệng sáo. Nhiều trường hợp tắc hẳn khiến bệnh nhân không thể đi tiểu được. Lúc nào bệnh nhân cũng có cảm giác buồn tiểu, phải đi rất nhiều lần, nhất là về đêm.

Khi có nhiễm khuẩn xảy ra, bệnh nhân sẽ thấy đi tiểu khó hơn, đi tiểu buốt, đau miệng sáo hoặc đau lan lên hai bên thắt lưng nếu có nhiễm khuẩn lên đài bể thận. Nước tiểu đục bẩn, có thể có mủ hoặc máu. Sốt cao rét run là triệu chứng báo hiệu của nhiễm khuẩn tiết niệu. Làm xét nghiệm có thể thấy nhiều hồng cầu, bạch cầu trong nước tiểu và bạch cầu máu tăng cao. Cấy máu hoặc nước tiểu tìm chủng vi khuẩn hay gặp như các vi khuẩn gram âm...

Nhiễm khuẩn có thể gây nhiều biến chứng như làm nặng thêm tình trạng tắc nghẽn khiến bệnh nhân khó đi tiểu hơn, gây tiểu buốt, gây viêm nhiễm lan rộng tới niệu quản, đài bể thận và đôi khi gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hết sức nguy hiểm.

Điều trị nhiễm khuẩn do UXTTL bao gồm cho các loại kháng sinh như ciprofloxacin, amikacin, amoxicillin, azithromycine... kèm theo các thuốc sát khuẩn đường tiết niệu (xanh methylene...). Nhưng vấn đề cơ bản là phải giải quyết vấn đề tắc nghẽn, làm thông thoáng đường tiểu như cho các thuốc chống viêm, thuốc điều trị UXTTL và khi cần, phải phẫu thuật (nội soi hoặc mổ mở) để lấy bỏ khối u gây chèn ép.

Phòng bệnh là cách tốt nhất

Vì nhiễm khuẩn đường tiết niệu là do khối u phì đại gây tắc nghẽn nên việc dự phòng tốt nhất là... điều trị tốt khối u bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Bên cạnh đó, một số biện pháp dự phòng nhiễm khuẩn cũng có thể được áp dụng như tập đi tiểu theo giờ, đi tiểu chậm để lượng nước tiểu ra hết, vật lý trị liêu xoa bóp vùng bàng quang, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ... để tránh nhiễm khuẩn ngược dòng. Bệnh nhân bị UXTTL đã có dấu hiệu tiểu khó cũng không nên uống nhiều nước, không uống rượu bia, chè, cà phê hoặc các chất lợi tiểu khác để tránh đi tiểu quá nhiều.

TS. BS. Vũ Đức Định


Ý kiến của bạn