Hà Nội

Ðề phòng lũ quét và sạt lở đất

24-06-2013 21:24 | Thời sự
google news

Đi nhanh và tiến sâu vào đồng bằng Bắc bộ, bão số 2 đã suy yếu và đang tan dần. Tuy nhiên, hoàn lưu bão còn gây mưa diện rộng khắp miền Bắc; cơ quan khí tượng cảnh báo Hà Nội ngập úng do mưa liên tục.

Đi nhanh và tiến sâu vào đồng bằng Bắc bộ, bão số 2 đã suy yếu và đang tan dần. Tuy nhiên, hoàn lưu bão còn gây mưa diện rộng khắp miền Bắc; cơ quan khí tượng cảnh báo Hà Nội ngập úng do mưa liên tục.
 
Đêm 23/6, bão số 2 có tên quốc tế là Bebinca đã đổ bộ vào các tỉnh phía Đông Bắc Bắc bộ, sau đó suy yếu nhanh và tan dần. Tuy nhiên, hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa to ở khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ; các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70 - 120mm. Một số nơi có mưa to hơn như Văn Lý (Nam Định) 130mm; Con Cuông (Nghệ An) 209mm; Đô Lương (Nghệ An) 319mm; Hòn Ngư (Nghệ An) 356mm; TP. Vinh 319mm; TP. Hà Tĩnh 298mm...
Ðề phòng lũ quét và sạt lở đất 1
 Các lực lượng dân quân Quảng Ninh gia cố phần cầu tàu bị sóng làm sạt lở ở đảo Cô Tô. Ảnh: Thu Hằng

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hải Phòng, đến 6 giờ ngày 24/6, cơn bão số 2 đã làm 1 tàu bị đắm, hàng nghìn héc-ta nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, hàng chục mét kè cầu cảng bị sạt, hư hỏng và nhiều tuyến đê xung yếu bị đe dọa. Hiện thành phố đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại và phòng chống bão. Tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng, triều cường vượt đê biển tràn nước vào khu vực du lịch và khu dân cư quận Đồ Sơn. Ông Hoàng Đình Bình - Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, khoảng 40m kè tại khu I bị sóng biển tràn qua gây sạt lở, hiện Đồ Sơn đang bị ngập lụt cục bộ. Hầu hết các tuyến đường khu vực phía trong quận đều đang ngập nước. Ngay khu vực trung tâm hành chính quận, nước tràn cả vào trong trụ sở. Khu dân cư mất điện hoàn toàn.

Tại tỉnh Quảng Ninh, khi bão số 2 đổ bộ, ở huyện đảo Cô Tô có khoảng 500 du khách ở lại trên đảo. Tuy nhiên, người dân và 500 du khách trú bão trên đảo được đảm bảo an toàn. Ngay sau bão tan, khi đủ điều kiện an toàn cho các phương tiện hoạt động trở lại, huyện sẽ bố trí tàu đưa du khách vào đất liền, lãnh đạo huyện Cô Tô khẳng định. Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, chiều và tối 23/6, sức gió trên vùng biển Cô Tô đã mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, biển động dữ dội. Sóng lớn kết hợp với triều cường dâng cao đã xảy ra sự cố sạt lở cầu cảng từ Cô Tô đi xã Thanh Lân phía đầu cầu gần khu dân cư. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các lực lượng tập kết bao cát, đá, bạt và kêu gọi nhân dân cùng khắc phục sự cố. Sau hai giờ đồng hồ vật lộn với mưa, sóng lớn, tuyến cầu đã được gia cố an toàn. Toàn bộ phương tiện tàu, thuyền trên đảo được đảm bảo ở nơi tránh trú an toàn. Các tuyến đê xung yếu đã được chủ động xả tràn khi chưa có triều cường. Quảng Ninh đã thành lập đoàn công tác xuống thị xã Quảng Yên và TP. Hạ Long để kiểm tra công tác phòng chống bão. Toàn tỉnh có gần 1.000 tàu nhỏ đang neo đậu tại các khu tránh, trú gió bão của 12 huyện, thị xã, thành phố và các bến của TP. Hải Phòng. Qua điện thoại, BS. Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm YTDP Quảng Ninh cho PV Báo SK&ĐS biết, ngành y tế Quảng Ninh đang bám sát tình hình thực tế của bão, sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Ngay sau khi bão tan, cán bộ YTDP của tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nắm tình hình, thiệt hại do bão gây ra đối với ngành, đồng thời yêu cầu cơ sở bám sát địa bàn phục vụ nhu cầu cần thiết của nhân dân và y tế xã, phường. Được biết, Quảng Ninh cũng đã lên phương án di dời các hộ dân cư đang sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn khi có sự cố xảy ra. Các hồ có dung tích trên 10 triệu m3 đã tháo nước đề phòng lũ, hiện mực nước các hồ thấp hơn mực nước dâng bình thường 1 - 2m.

Ðề phòng lũ quét và sạt lở đất 2
 Người dân còn chủ quan khi đối phó với cơn bão số 2.
Ðề phòng lũ quét và sạt lở đất 3
 Các lực lượng khắc phục sạt lở cầu cảng từ Cô Tô đi xã Thanh Lân.

Tại Hải Phòng, Giám đốc Sở Y tế Phan Trọng Khánh cho biết, trước tình hình ngập lụt tại quận Đồ Sơn hiện nay, lãnh đạo ngành y tế đã chỉ đạo Trung tâm YTDP của thành phố khảo sát thực tiễn, kiểm tra thuốc và cloramin B để kịp thời bổ sung cho y tế cơ sở, đề phòng nước ngập lâu.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đã có mưa lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong ngày 22/6 đến trưa ngày 23/6 gây lũ quét tại suối Nậm Kiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn cuốn mất tích 2 người vào 5 giờ ngày 23/6 (chị Lô Thị Huế, sinh năm 1973 và con Hoàng Gia Phúc sinh năm 2010). Về nông nghiệp, 8.080ha lúa, 550ha hoa màu và 385ha nuôi trồng thủy sản của tỉnh bị ngập.

Mưa lớn cũng gây ngập các tuyến đường chính trung tâm thành phố Hà Tĩnh, chỗ ngập sâu nhất khoảng 60cm gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Về nông nghiệp, 992,5ha lúa và 331ha hoa màu; 82ha thủy sản bị ngập.Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, hiện các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai công tác thống kê thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.    
Chiều 24/6, Bộ Y tế có Công văn hỏa tốc số 3804/BYT – VPB7 gửi Sở Y tế các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh, Công ty TNHH Một thành viên Dược Trung ương III về việc xuất cấp hàng phòng chống lụt bão phục vụ công tác khắc phục hậu quả mưa bão số 2 và dự phòng đợt mưa bão tiếp theo năm 2013. Theo đó, công văn yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Dược Trung ương III cấp hỗ trợ Sở Y tế Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Ðịnh, Thái Bình, Hà Tĩnh mỗi tỉnh 30 cơ số thuốc phòng chống lụt bão và 50.000 viên Cloramin B, xuất cấp cho Sở Y tế Thanh Hóa, Nghệ An mỗi tỉnh 10 cơ số thuốc phòng chống lụt bão và 50.000 viên Cloramin B . Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế 6 tỉnh trên tiếp nhận, bảo quản và sử dụng số lượng cơ số thuốc phòng chống lụt bão và viên Cloramin B theo đúng mục đích, hiệu quả và có báo cáo tình hình kết quả sử dụng về Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế.     
 
N.H

 TS-CT

 


Ý kiến của bạn