Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu bị sụt giảm, gây ra các rối loạn rầm rộ và tăng nặng theo thời gian như co rút và đau cơ, loạn nhịp tim, tăng phản xạ gân xương, cảm giác như kim châm ở bàn tay và bàn chân.
Nhiều nguyên nhân gây hạ canxi máu
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hạ canxi máu là: do suy tuyến cận giáp, do nồng độ phốt pho trong máu cao, do nồng độ albumin trong máu thấp, do thiếu hụt magiê, vitamin D, thiếu canxi trong chế độ ăn, do nghiện rượu và các biến chứng viêm tụy, suy thận, suy gan do rượu.
Dấu hiệu Trousseau: co thắt cơ bàn tay.
Biểu hiện hạ canxi máu
Chứng hạ canxi máu có thể xảy ra ở người lớn và trẻ em, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.
Ở người lớn, lúc đầu thường không có triệu chứng, nhưng sau đó, các triệu chứng xảy ra có thể khá rầm rộ: bệnh nhân bị co rút và đau cơ (dân gian gọi là chuột rút hay vọp bẻ), rối loạn nhịp tim, cảm giác như kim châm ở bàn tay và bàn chân. Tăng phản xạ gân xương: có thể phát hiện bằng dấu hiệu Chvostek, bằng cách gõ trên vị trí dây thần kinh mặt, trước gờ tai ngoài 2cm và quan sát thấy tình trạng co cơ cùng bên của các cơ mặt. Nhưng dấu hiệu này không nhạy, chỉ thấy ở 27% bệnh nhân và không đặc hiệu, do có thể gặp ở 25% người bình thường. Bệnh nhân còn có các triệu chứng: đau thắt bụng; loạn nhịp tim; trầm cảm; cáu gắt, khó chịu; ngủ gà hoặc chậm chạp; co giật; co thắt cơ phát hiện bằng dấu hiệu Trousseau: cuốn băng huyết áp ở cánh tay và bơm lên chỉ số cao hơn huyết áp tâm thu 20mmHg, giữ mức áp lực này trong 3 phút và quan sát thấy dấu hiệu tư thế bàn tay người đỡ đẻ. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng chỉ có độ nhạy 66% và tỷ lệ dương tính giả 4%.
Ở trẻ sơ sinh, nếu bị hạ canxi máu sẽ có các biểu hiện: trẻ khó bú, khó ăn; trẻ bị kích thích vật vã; có khi ngủ gà hoặc chậm chạp; biếng ăn; tăng phản xạ gân xương (dấu hiệu Chvosteck dương tính); co rút cơ (dấu hiệu Trousseau dương tính); trẻ bị co giật và run. Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng giống với triệu chứng của một số bệnh khác, do đó, khi trẻ có các triệu chứng này thì phải đưa đi khám ở bệnh viện mới chẩn đoán đúng bệnh.
Các triệu chứng nặng cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức, khi phát hiện được một người có các dấu hiệu: co giật hoặc động kinh; khó ăn hoặc biếng ăn ở trẻ sơ sinh; co thắt cơ.
Các biến chứng
Hạ canxi máu không được điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển và sức khỏe của trẻ nhỏ: trẻ chậm lớn; chức năng vận động chậm phát triển; não bị tổn thương; trẻ có thể bị suy dinh dưỡng; bị nhuyễn xương, xương mềm, yếu do thiếu vitamin D trong quá trình tạo xương. Ở người lớn và trẻ em có thể bị các biến chứng: loãng xương; kém phát triển; dễ xảy ra cơn tetany do hoạt động thần kinh quá mức, gây đau đớn vô cùng.
Điều trị và dự phòng hạ canxi máu
Thông thường, để điều trị hạ canxi máu, cần truyền canxi tĩnh mạch để khôi phục và bổ sung lượng canxi thiếu hụt trong cơ thể. Canxi cũng có thể được bổ sung bằng đường uống. Nếu hạ canxi máu do các bệnh lý nền khác thì vừa phải điều trị hạ canxi máu, vừa phải điều trị bệnh lý nền đó.
Dự phòng cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh lý nền gây hạ canxi máu. Cần chú ý ăn đầy đủ các loại thức ăn chứa nhiều canxi như các sản phẩm sữa (sữa và pho mát), xương động vật, cá tôm cua, thủy hải sản, rau dền, rau cải, bông cải xanh, cam...
BS. Nguyễn Thị Diệu